Không lo kiều hối đổi chiều

Theo thoibaonganhang.vn

Việc NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD và cơ chế điều hành tỷ giá mới hỗ trợ cho Việt kiều có ý định mang tiền về nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong nhiều năm nay, kiều hối đóng vai trò là dòng vốn quan trọng hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với xu hướng hội nhập và mở cửa, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường… giá trị kiều hối đổ về ngày càng tăng. Mặc dù chưa có công bố chính thức nhưng theo ước tính của một số tổ chức và các chuyên gia kinh tế, con số kiều hối năm 2015 có thể đạt khoảng 13-14 tỷ USD.

Nhìn nhận tầm quan trọng của dòng kiều hối, nhiều năm qua, chúng ta luôn có các chính sách để đẩy mạnh xuất khẩu lao động, rồi tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài về quê làm ăn và đưa dòng kiều hối về theo.

Nhưng mới đây đã xuất hiện một số quan điểm lo ngại về sự “đảo chiều” có thể xảy ra với dòng kiều hối vào Việt Nam. Nguyên nhân được viện dẫn là việc mới đây NHNN liên tục đưa ra các chính sách về điều hành tỷ giá như đưa lãi suất tiền gửi USD cả với cá nhân và tổ chức tại các TCTD về mức 0%/năm.

Đặc biệt từ năm 2016, NHNN đã đưa ra cơ chế điều hành tỷ giá mới với việc công bố tỷ giá VND/USD hàng ngày. Dựa trên tỷ giá trung tâm này các NHTM sẽ đưa ra giá mua - bán USD. Với cơ chế điều hành như vậy, tỷ giá được điều chỉnh có lên, có xuống khiến giới đầu cơ ngoại tệ khó dự đoán hơn về biến động...

Song có thể thấy rằng, lo ngại trên là không có cơ sở. Bởi không phải kiều hối chuyển về nước chỉ để gửi tiết kiệm tại các NH mà còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Theo các chuyên gia kinh tế, thống kê cho thấy, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh là khá lớn, khoảng trên 70%; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%; phần còn lại hỗ trợ cho người thân trong việc chữa bệnh, du lịch… chiếm khoảng 6-7%.

Như vậy, có thể khẳng định, lượng kiều hối chuyển về với mục đích sử dụng cho việc gửi tiết kiệm, hoặc chờ biến động tỷ giá để kiếm lời là rất nhỏ. Ngoài ra, với Việt kiều hay người đi xuất khẩu lao động, mục đích gửi tiền về còn mang ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ người thân ở quê nhà xây dựng nhà cửa, trang trải sinh hoạt… chứ không phải nhìn thấy lãi suất tiền gửi USD ở các NH cao thì mới gửi.

Đặc biệt, hiện nay đa phần nhóm những người gửi kiều hối thường không có ý định, hoặc ít có điều kiện định cư lâu dài ở nước ngoài. Vì vậy, gần như toàn bộ thu nhập của họ được chuyển về nước và nguồn kiều hối này là không nhỏ, đồng thời cũng là nhân tố làm tăng lượng kiều hối hàng năm.

Nhóm đối tượng này thường chuyển thu nhập về nước để mua nhà cửa, đất đai hoặc gửi tiết kiệm, nhưng ít có kế hoạch chuyển tiền ra nước ngoài. Và sự gia tăng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng góp phần làm tăng lượng kiều hối trong tương lai.

Trong khi đó, chính sách hiện hành của NHNN cho phép Việt kiều gửi ngoại tệ không hạn chế về Việt Nam, không cần giấy phép, không cần thủ tục hành chính và chỉ mất phí chuyển tiền. Điều đó sẽ hỗ trợ cho việc chuyển kiều hối thuận tiện nhất. Đặc biệt là với năm nay, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục và Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam sẽ thu hút thêm kiều hối vào lĩnh vực này.

Những phân tích trên cho thấy, việc NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD và cơ chế điều hành tỷ giá mới có thể không tác động đáng kể tới dòng kiều hối. Ngược lại, nó hỗ trợ cho Việt kiều có ý định mang tiền về nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, nó cũng giúp giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, giúp cho việc nâng cao sức hấp dẫn của VND và từ đó hạn chế tình trạng đô-la hóa theo đúng phương châm điều hành mà NHNN đã đề ra. Các chuyên gia cũng cho rằng, khi các chính sách có hiệu quả, niềm tin chính sách được khẳng định còn là cơ hội để thu hút kiều hối.