Không luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ tạo khoảng trống pháp lý rất lớn

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 kết thúc thí điểm” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 13/7, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu không luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ tạo khoảng trống pháp lý rất lớn.

Nhìn xa hơn những con số

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, toàn hệ thống đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Con số này bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong số đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79%); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51%); xử lý các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,7%).

Tại tọa đàm “Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 kết thúc thí điểm”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, tác động của Nghị quyết số 42/2017/QH14 “không tính toán được bằng con số tuyệt đối”. Theo ông, “Nghị quyết số 42/2017/QH14 mang đến những tác động khác. Câu chuyện không còn là xử lý nợ xấu mà là tăng hiệu quả sử dụng tài sản nói chung và sớm đưa vào nền kinh tế. Từ đó, giúp ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng và những người vay nợ trực tiếp”.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, "Nghị quyết số 42/2017/QH14 đạt hiệu quả nhưng so với kỳ vọng chúng ta cần phải nâng thêm một bước nữa về tính hiệu quả khi qua giai đoạn thí điểm".

Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV cho phép kéo dài hiệu lực của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5/2023).

Dù chưa rõ ràng hình hài khung pháp lý xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 kết thúc nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, việc đầu tiên là phải đề cao, phải tôn trọng, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cả hai bên - ngân hàng và những người đi vay nợ. Nghị quyết số 42/2017/QH14 không thể thí điểm quá dài, buộc phải luật hóa để có văn bản có giá trị pháp lý cao nhất và được thông qua bởi một trình tự thủ tục chặt chẽ nhất, bảo vệ tốt nhất quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên.

Nợ xấu gộp năm 2022 được dự báo chiếm 6% tổng dư nợ.
Nợ xấu gộp năm 2022 được dự báo chiếm 6% tổng dư nợ.

Việt Nam cần có giải pháp đặc thù

Cũng tại tọa đàm này, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết, theo tính toán của Viện Đào tạo Nghiên cứu BIDV, có 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022. Ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,3 - 7,6%. Theo kịch bản cơ sở, GDP tăng 6,8 - 7,1%. Trường hợp tiêu cực, GDP tăng 6 - 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 3,8 - 4,2%.

Trong bối cảnh này, nhóm nghiên cứu dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp khoảng 6%. “Mặc dù hiện nay nợ xấu nội bảng chỉ đang ở mức khoảng 1,4% nhưng tháng 6 vừa qua Thông tư 14/2021/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 đã hết hiệu lực. Nếu Thông tư này không được gia hạn thì có những khoản nợ sẽ phải chuyển nhóm, như vậy nợ xấu sẽ tăng”, TS. Cấn Văn Lực giải thích.

Trong bối cảnh kinh tế bất định, vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian sắp tới, Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng nếu không luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn về pháp lý, gây khó khăn hơn nữa trong xử lý nợ xấu.

Cụ thể, ông cho rằng có nhiều lý do cần luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14. Đầu tiên, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã phát huy hiệu quả rất tốt, nhờ đó nợ xấu giảm rõ rệt. “Nếu không có dịch COVID-19 bùng phát thì sứ mệnh đưa nợ xấu gộp xuống dưới 3% đã hoàn thành cuối năm 2020”. Bên cạnh đó, còn một số vướng mắc bộc lộ trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, chúng ta phải xử lý nốt trong thời gian được gia hạn. Sau này, khi luật hóa xử lý nợ xấu thì phải lưu ý các vướng mắc này để không lặp lại.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nợ xấu là vấn đề liên tục, kinh doanh tiền tệ thì rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn chứ không phải chỉ xuất hiện trong thời điểm khó khăn. “Ngân hàng nước ngoài thường chấp nhận tỷ lệ rủi ro nợ xấu đâu đó 2 - 3%. Như vậy, phải có một khung pháp lý về xử lý nợ xấu chứ không để cộng dồn, tích tụ tạo nên những nguy cơ, những điểm tắc nghẽn cho kinh tế quốc gia”.

Ngoài ra, luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 là góp phần hoàn thiện thể chế, tăng tính hiệu lực, hiệu quả cho pháp luật. Hiện nay, quy mô nợ xấu tuyệt đối đã thay đổi rất lớn. Nếu không luật hóa xử lý nợ xấu mà lại quay về dùng những luật cũ sẽ dẫn đến lúng túng và chồng chéo. Qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế, Viện Nghiên cứu, Đào tạo BIDV nhận thấy, ở các nước không cần có luật riêng về xử lý nợ xấu nhưng luật pháp của họ rất mạnh, tính hiệu lực, hiệu quả rất rõ rệt. Trong khi đó, hệ thống luật pháp của Việt Nam còn chồng chéo và tính hiệu lực, hiệu quả không cao, vì vậy, cần xây dựng giải pháp đặc thù.

Cuối cùng, theo vị chuyên gia này, luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ góp phần khắc phục bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Qua đó, tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.