Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):
Tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.
Ngày 5/7/2022, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi dự và giới thiệu những điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại buổi họp báo.
Bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có 7 Chương, 157 Điều.
Để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, Luật đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh nghiệp tái bảo hiểm (theo cam kết của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài).
Về hợp đồng bảo hiểm, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ triển khai áp dụng trên thực tế.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Về giải quyết tranh chấp, luật đã bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.
Để giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua, Luật cũng sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Đối với DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Luật sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập DNBH tại Việt Nam.
Tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô
Bên cạnh các quy định mới trên, trong hoạt động nghiệp vụ, Luật cho phép DNBH chủ động thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.
Luật bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của DN, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về DNBH rõ ràng, minh bạch.
Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.
Liên quan đến tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật quy định chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, phân loại rõ ràng từng loại vốn, yêu cầu doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản; bổ sung quy định phải có ý kiến xác nhận của kiểm toán độc lập hàng năm đối với báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập; bãi bỏ quy định về biên khả năng thanh toán theo mô hình biên khả năng thanh toán 1, thay thế bằng quy định tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với mô hình vốn tương ứng quy mô và mức độ rủi ro.
Trong hoạt động đầu tư, Luật bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài,... nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật cũng bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm...
Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có tính tự chủ cao hơn trong hoạt động kinh doanh
Đánh giá điểm ưu việt của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các chuyên gia đều cho rằng, Luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Đó là Luật bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của DNBH nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm… Đặc biệt, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã tạo điều kiện cho DNBH được tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh.
Phân tích thêm về tính tự chủ của DNBH theo quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng phòng Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, điểm quan trọng nhất là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xây dựng với tinh thần xuyên suốt là các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh.
Theo đó, các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các DNBH như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Một trong những ví dụ, có thể kể đến là việc đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin.
"Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ có tác động tích cực về dài hạn đối với thị trường bảo hiểm. Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số Công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 - 2027)", bà Nguyễn Thu Hà nhận định.
Chia sẻ về điểm mới nhận được sự quan tâm của dư luận đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) không cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đầu tư kinh doanh bất động sản có thể sinh lời nhưng rủi ro rất cao, trong khi vốn của doanh nghiệp bảo hiểm là do phí của người tham gia bảo hiểm góp vào, nên để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì Luật không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.