Ông Bùi Đức Thụ:
Không nới lỏng tài khóa, tiền tệ, vẫn còn dư địa tăng GDP
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, vẫn còn dư địa để khơi thông nguồn lực đầu tư, đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội giao.
Chính sách tiền tệ ổn định mới hút được dòng tiền đầu tư
Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 tác động đến nhiều ngành sản xuất, theo ông, chính sách tiền tệ nên ứng phó như thế nào?
Ông Bùi Đức Thụ: Tôi đánh giá cao cách điều hành chủ động, tích cực, kịp thời của NHNN thời gian qua. Cụ thể, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng, ban hành một loạt biện pháp về cơ cấu lại nợ, đồng thời cấp tín dụng mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Đây là những giải pháp rất kịp thời, thiết thực.
Câu hỏi đặt ra là, có nên ban hành gói hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid – 19 hay không? Tôi cho rằng, dịch bệnh hiện nay mới tác động ở mức độ, phạm vi ngành nghề nhất định nên trước mắt cần tập trung giải quyết khó khăn của những doanh nghiệp này, không nên có các gói hỗ trợ tín dụng phạm vi rộng.
Những năm gần đây, một trong những mục tiêu lớn của nước ta là ổn định vĩ mô, làm tiền đề để phát triển bền vững. Nhờ lãi suất, tỷ giá ổn định, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định mà Việt Nam đã thu hút được nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước rất lớn, bao gồm đầu tư tư nhân và vốn FDI. Nếu chúng ta nới lỏng tiền tệ, phá giá tiền đồng thì tất yếu lạm phát sẽ tăng lên, ổn định vĩ mô bị phá vỡ, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư tư nhân và FDI vào nền kinh tế.
Ngoài ra, hai tháng đầu năm nay, chỉ số CPI cũng đang ở mức tương đối cao. Vì vậy, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% như Nghị quyết Quốc hội giao, những tháng còn lại của năm, lạm phát phải được kiểm soát chặt chẽ.
Với những lý do trên, theo tôi, hiện không nên không đặt ra vấn đè nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất huy động và cho vay với nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, phá giá đồng nội tệ. Việt Nam không điều chỉnh có hợp lý không, thưa ông?
Cần phải xem xét cụ thể bối cảnh từng nước để lý giải các quyết định của họ. Đơn cử như Mỹ (và nhiều nước khác), mặt bằng lãi suất trước đây được họ đẩy lên rất cao (năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất 4 lần) nên bây giờ điều chỉnh giảm là bình thường. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức tương đối hợp lý.
Tương tự, với tỷ giá, nếu chúng ta điều chỉnh để đem lại lợi thế xuất khẩu thì sẽ gặp phản ứng rất lớn của các đối tác thương mại, nhất là trong bối cảnh Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ.
Chính vì vậy, tôi duy trì quan điểm, với tác động của dịch Covid – 19 hiện nay, chưa nhất thiết phải điều chỉnh chính sách tiên tệ mà cần duy trì môi trường vĩ mô ổn định để phát triển. Đương nhiên, chính phủ và NHNN vẫn phải tiếp tục theo dõi chặt diễn biến của dịch bệnh. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, tác động sâu rộng đến nền kinh tế thì có thể cân nhắc khả năng và mức độ nới lỏng.
Chưa cần giảm thuế nhưng phải chấm dứt vô cảm với doanh nghiệp
Dư địa của giải pháp tiền tệ với kích thích tăng trưởng không còn nhiều. Một số ý kiến cho rằng, nên tập trung vào các giải pháp tài khóa. Quan điểm của ông như thế nào?
Chưa nên nới lỏng tài khóa bằng hình thức giảm thuế. Thứ nhất, tỷ lệ huy động thuế, phí, lệ phí vào ngân sách tương đối thấp, khoảng 24% GDP. Thứ hai, nếu nới lỏng tài khóa, tăng chi và giảm thu để kích thích kinh tế thì bội chi và nợ công sẽ tăng lên, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Thứ ba, nếu giảm thuế gián thu (như thuế VAT) thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ nên giảm loại thuế này, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là không nhiều. Nếu giảm thuế trực thu (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) thì không có căn cứ, bởi những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn… đang bị lỗ hoặc lợi nhuận ít, nghĩa vụ nộp thuế ít, việc giảm thuế này không có ý nghĩa với doanh nghiệp.
Vì vậy, tôi cho rằng, không nên nới lỏng tài khóa mà nên áp dụng một số giải pháp khác như: giãn nợ, giãn thời gian nộp thuế, lệ phí, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội…
Nếu không dựa nhiều vào các giải pháp tài khóa, tiền tệ, theo ông, đâu là những dư địa để Chính phủ khai thác, thực hiện thành công chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay?
Theo tôi, cần cải cách môi trường đầu tư hơn nữa để giải phóng nguồn lực.
Thứ nhất, cần khơi thông, tháo gỡ khó khăn về thủ tục trong công tác đầu tư, kể cả đầu tư tư nhân lẫn đầu tư công. Hiện Tp.HCM có hàng ngàn dự án đang vướng mắc thủ tục, tình trạng này xhiện ở hàng loạt địa phương. Đây là lúc các bộ, ngành, địa phương phải xem xét cụ thể từng vấn đề, khắc phục tình trạng vô cảm với khó khăn của oanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khơi dậy các nguồn lực đầu tư này.
Với đầu tư công, hiện nay chúng ta phải vay vốn quốc tế với lãi suất khá cao, nghĩa vụ trả nợ nặng nhưng tiền lại không giải ngân hết, chuyển nguồn năm nào cũng lên tới hơn 1/4 tổng mức được duyệt.
Làm sao để môi trường đầu tư được hấp dẫn, được khơi thông, tiến độ xây dựng cơ bản được đẩy nhanh… là câu hỏi nhức nhối đặt ra, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết rốt, quyết liệt. Theo tôi, để làm được điều này, phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu, của các đơn vị để chống lại sự vô cảm, sức ỳ của bộ máy nhà nước, mà thủ tướng gọi là vi rút trì trệ . Làm được như vậy thì mới thúc đẩy được kinh tế đi lên.