Không quy định Quỹ bảo lãnh phải thế chấp toàn bộ tiền gửi

Theo chinhphu.vn

Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Hà Giang đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải đáp một số vướng mắc liên quan đến quy định về cầm cố, thế chấp tài sản đối với hoạt động bảo lãnh tín dụng?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vừa qua Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng đã ký thỏa thuận phối hợp trong cho vay có bảo lãnh với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong quá trình thực hiện khi có phát sinh trả nợ thay, Quỹ đều chấp hành nghiêm chỉnh cam kết, chuyển trả nợ thay cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tháng 9/2015, Agribank Việt Nam có công văn yêu cầu Agribank chi nhánh Hà Giang thực hiện biện pháp bảo đảm đối với khoản bảo lãnh của Quỹ. Tháng 4/2016, Agribank chi nhánh Hà Giang yêu cầu Quỹ thực hiện các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh với số dư nợ bảo lãnh đến thời điểm báo cáo là 7,49 tỷ đồng. Hiện, Quỹ đã mở tài khoản giao dịch tại Agribank chi nhánh Hà Giang và có số dư tài khoản có kỳ hạn là 7,9 tỷ đồng để bảo đảm cho số dư bảo lãnh của Quỹ tại Agribank.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, Quỹ được bảo lãnh với bội số gấp 5 lần số vốn điều lệ hiện có, nghĩa là chỉ cần 20% giá trị tài sản bảo đảm cho số dư bảo lãnh tại các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu theo yêu cầu của Agribank chi nhánh Hà Giang, Quỹ phải có 100% giá trị tài sản cầm cố thế chấp cho số dư bảo lãnh.

Như vậy, Quỹ sẽ không thực hiện được nhiệm vụ bảo lãnh theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg và cũng không thực hiện được tôn chỉ mục đích Quỹ Bảo lãnh tín dụng đề ra là không vì mục tiêu lợi nhuận, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn về vốn.

Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Hà Giang đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, theo quy định hiện hành, Quỹ có phải cầm cố, thế chấp toàn bộ tiền gửi tại Ngân hàng để bảo lãnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất theo số vốn hiện có gửi tại Ngân hàng không?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 361 Bộ luật Dân sự 2005, "Bảo lãnh là việc bên thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ trả thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ...".

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phải thực hiện các cam kết tại Chứng thư bảo lãnh về việc Quỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không trả, hoặc trả không đầy đủ, đúng hạn nợ vay cam kết với bên nhận bảo lãnh, phù hợp với quy định tại Hợp đồng bảo lãnh.

Như vậy, khi bên được bảo lãnh (doanh nghiệp nhỏ và vừa) không trả được nợ cho Tổ chức tín dụng thì Quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ thực hiện trả nợ thay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 26, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg quy định, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết với bên nhận bảo lãnh và bên được bảo lãnh và các thỏa thuận khác có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành; yêu cầu bên bảo lãnh chuyển giao quyền tiếp nhận và xử lý tài sản bảo đảm bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh...

Theo Điều 23, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, bên được bảo lãnh (doanh nghiệp) phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh (Quỹ) theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Khoản 2, Điều 29 Quyết định nêu trên cũng quy định, trường hợp bên được bảo lãnh không thanh toán được khoản nợ vay bắt buộc khi đến hạn, bên bảo lãnh được quyền xử lý tài sản bảo đảm hoặc áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ đã trả thay.

Như vậy, bên bảo lãnh (Quỹ bảo lãnh tín dụng) luôn có nguồn từ việc xử lý tài sản bảo đảm để trả cho bên nhận bảo lãnh (Tổ chức tín dụng) khi bên được bảo lãnh (doanh nghiệp nhỏ và vừa) không trả được nợ và phải nhận nợ bắt buộc.

Không quy định Quỹ bảo lãnh phải thế chấp toàn bộ tiền gửi

Theo quy định tại Điều 17 Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg, tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các bên được bảo lãnh tối đa không vượt quá 5 lần so với vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng.

Căn cứ khả năng tài chính, năng lực quản lý của Quỹ; Quỹ xem xét, quyết định mức bảo lãnh phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn cho hoạt động của Quỹ.

Từ các căn cứ pháp lý nêu trên, Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg không quy định về việc Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương phải cầm cố, thế chấp toàn bộ tiền gửi của Quỹ tại Ngân hàng để bảo đảm đúng bằng giá trị tương ứng cho khoản bảo lãnh của Quỹ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại Ngân hàng thương mại (như nội dung Quỹ nêu trên).

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai những giải pháp hết sức quyết liệt để hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng (Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới...).

Do đó, đề nghị Quỹ Đầu tư, Phát triển đất và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Hà Giang báo cáo UBND tỉnh Hà Giang, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn nhằm hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, phục vụ cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương.