Không thể nhập cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nếu không có kinh tế số

Theo Tri Nhân/http://thoibaonganhang.vn

Với tựa đề “Trước ngưỡng cửa của nền kinh tế số”, Báo cáo kinh tế Việt Nam 2019 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra thông điệp “Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo”.

Kịch bản lý tưởng nhất là kịch bản chuyển đổi số. Nguồn: Internet
Kịch bản lý tưởng nhất là kịch bản chuyển đổi số. Nguồn: Internet

Tăng trưởng kiểu truyền thống không thể tiến xa

Báo cáo của VEPR một lần nữa khẳng định: Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào nông nghiệp, sản xuất hàng hóa và lao động giá rẻ không chắc sẽ có thể đưa Việt Nam tiến xa trên các chuỗi giá trị toàn cầu và tăng thu nhập quốc gia. Để đạt được tiến bộ kinh tế sẽ cần phải chuyển sự tập trung để đẩy mạnh năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành và thoát khỏi việc là một thị trường dựa trên đầu vào và lao động giá rẻ.

Theo VEPR làn sóng kế tiếp của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet vạn vật, các nền tảng và dịch vụ điện toán đám mây có tiềm năng tạo bước nhảy vọt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp, đơn giản hóa chuỗi cung ứng, logistics và giúp các DN vận hành hiệu quả hơn. “Làm chủ được nền kinh tế số sẽ tạo ra cơ hội cho Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển tiếp theo”, PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR phát biểu.

Đồng quan điểm như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tương lai phát triển tới đây của Việt Nam rất cần định hình thế nào để cố gắng bứt ra khỏi tình trạng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở mức thấp, ở mức gia công lắp rắp và công nghệ thấp hiện nay. Đây là việc vô cùng quan trọng và cấp thiết. “Những cơ hội mà kinh tế số mang lại cho các quốc gia là rất lớn, trong đó có cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc phát triển và ứng dụng kinh tế số là điều vô cùng quan trọng với Việt Nam”, bà Lan khẳng định.

Đánh giá cao ý tưởng của báo cáo và những khuyến nghị chính sách, PGS.,TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, cách tiếp cận công nghiệp 4.0 thông qua nền kinh tế số là phù hợp nhất đối với các nước đang phát triển vốn không sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất. Bởi vì nền kinh tế số không nhất thiết bao trùm toàn bộ các cấu phần công nghệ của CMCN 4.0 nhưng không thể phát triển công nghiệp 4.0 nếu không dựa trên nền tảng kinh tế số.

“Những năm tới, chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam cũng có nền tảng thể chế và công nghệ ở trình độ tương đối khá nên đủ để có thể chủ động thích ứng và duy trì phát huy lợi thế cạnh tranh quốc gia”, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ các “con hổ châu Á”

Báo cáo đã phân tích nền kinh tế số của Việt Nam, các xu thế chủ đạo ảnh hưởng đến nền kinh tế số của Việt Nam và đưa ra bốn kịch bản phát triển cho tương lai của nền kinh tế số của Việt Nam đến năm 2045. Mỗi kịch bản đều kèm theo tính toán mô hình định lượng để ước lượng mức độ biến động việc làm trong từng lĩnh vực khác nhau cũng như tác động tiềm ẩn lên tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Kịch bản lý tưởng nhất là kịch bản chuyển đổi số: chuyển đổi số lớn, rộng khắp các ngành công nghiệp và dịch vụ của Chính phủ đi kèm với tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông CNTT&TT. Kịch bản này sẽ tác động làm tăng thêm tăng trưởng hàng năm 1,1%, GDP hàng năm tăng thêm 168,6 tỷ USD, có 38,1% việc làm bị thay thế hoặc phải chuyển đổi.

Thứ hai, là kịch bản truyền thống: Ngành CNTT&TT chậm phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ thấp trên toàn nền kinh tế. GDP hàng năm chỉ tăng thêm có 60,9 tỷ USD, tác động tăng thêm đến tăng trưởng hàng năm là 0,38% và có 14,8% việc làm bị thay thế hoặc phải chuyển đổi.

Thứ ba, là kịch bản xuất khẩu số: Chuyển đổi công nghiệp diễn ra chậm trong khi đó ngành CNTT&TT phát triển nhanh nhưng nhỏ lẻ. Theo đó mỗi năm GDP tăng thêm 66,9 tỷ USD, tác động tăng thêm đến tăng trưởng hàng năm là 0,45% và có 19,1% việc làm bị thay thế hoặc phải chuyển đổi.

Thứ tư, là kịch bản tiêu dùng số: Chuyển đổi công nghiệp diễn ra trên diện rộng khắp các ngành công nghiệp, nhưng ngành CNTT&TT gặp khó khăn và sản phẩm CNTT&TT không còn chiếm tỷ trọng cao trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm GDP tăng thêm 102,8 tỷ USD, tác động tăng thêm đến tăng trưởng hàng năm là 0,63% và có 20,8% việc làm bị thay thế hoặc phải chuyển đổi.

Nhắc lại cách mà “các con hổ châu Á” đã trở thành các quốc gia thu nhập cao nhờ tăng trưởng nhanh và bao trùm, tăng trưởng xuất khẩu cao và cải cách công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ để cải thiện năng suất ở tất cả các ngành, lĩnh vực… Viện trưởng Thành nhấn mạnh: “Đây là thời điểm để Việt Nam thay đổi chiến lược”.

Và để thay đổi, VEPR đã đưa ra một lộ trình phát triển mở rộng cho Việt Nam để tạo điều kiện cho nền kinh tế số phát triển đồng thời giảm thiểu những rủi ro trong tất cả các kịch bản. Các ưu tiên đưa ra trong lộ trình gồm có: Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT&TT hoặc năng lượng; Đảm bảo an ninh của các mạng lưới; Tăng cường kỹ năng và năng lực về số; Hiện đại hóa Chính phủ; Phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hệ thống Đổi mới sáng tạo quốc gia; Thúc đẩy cải cách thuế và quy định pháp lý.

Theo VEPR, những hành động được đưa ra theo ưu tiên nhưng không nhất thiết phải diễn ra tuần tự mà rất nhiều các hành động cần phải thực hiện đồng thời.

Đầu tư vào khoa học và công nghệ số sẽ mang đến cho Việt Nam cơ hội gia tăng 1,1% GDP hàng năm, đến 2045. Với dân số trẻ đầy sức sống, mức đầu tư cao và nằm tại vị trí trung tâm của các quốc gia tăng trưởng cao ở châu Á, Việt Nam có cơ hội phát triển vượt bậc nhờ có các công cụ số mới và có sẵn nếu có quá trình chuyển đổi được quản lý tốt.