Khu Nam - Tia lửa nhiệt của thị trường bất động sản Hà Nội
Gần đây, thị trường bất động sản phía Nam Hà Nội đang dần chuyển mình phát triển nhờ những quy hoạch và hệ thống hạ tầng giao thông cùng với hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ.
Hạ tầng đẩy mạnh và đồng bộ
Theo đánh giá của một số chuyên gia, thị trường bất động sản khu Nam thời gian qua có phần thụt lùi so với các khu vực khác của Hà Nội. Hầu hết, các dự án bất động sản tỷ USD đang được triển khai xây dựng, đều nằm ở trục Đông - Tây, một số ít nằm ở Đông Anh hoặc Bắc Từ Liêm (khu Bắc).
Tuy nhiên, Khu Nam Thủ đô được đánh giá là sẽ "bứt phá" mạnh mẽ trong thời gian tới. Bởi, theo Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ mở rộng đô thị trung tâm về phía Nam.
Và mục tiêu của TP. Hà Nội sẽ có 5 huyện lên quận vào năm 2025. Dự kiến quy hoạch 5 huyện ngoại thành bao gồm: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Đan Phượng thành các quận nội thành. Những huyện này vẫn đang còn nhiều quỹ đất lớn nên Thành Phố đang tạo tiền đề để các huyện phát triển các khu dân cư, đô thị trọng điểm.
Như vậy, để hiện thực hoá tiến trình này, Thành phố đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển hạ tầng đô thị, trong đó chủ trương đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông về phía Nam.
Nhiều tuyến đường trọng điểm cũng đã và đang được triển khai như: cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm; tuyến đường vành đai 2.5; tuyến nối Vành đai 2.5 với đường Đại Từ, tuyến qua phường Giáp Bát kết nối Vành đai 2.5 với Aeon Mall; tuyến nối Giải Phóng với Trương Định qua bến xe Giáp Bát; tuyến đường trục phía Nam Hà Nội với mức đầu tư 7.500 tỷ đồng bao gồm 8 làn xe xuyên qua 4 quận, huyện TP Hà Nội là: Hà Đông, Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên; dự án đường vành đai 4; tuyến vành đai 3.5…
Ngoài ra, khu vực phía Nam Thủ đô cũng đang dần "lột xác" từng ngày khi các công trình công cộng, hạ tầng an sinh xã hội, khu nhà ở được đầu tư bài bản nhằm xây dựng đô thị văn minh và nâng cao môi trường sống cũng như chất lượng sống cho người dân. Mạng lưới y tế là những bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Việt Pháp, Tai Mũi Họng Trung ương… Bên cạnh đó, khu vực này cũng là nơi tập trung "top" những trường đại học uy tín cả nước như Bách Khoa, Xây Dựng, Kinh tế Quốc dân… đem lại nhiều sự lựa chọn về giáo dục cho các gia đình.
Như vậy, nơi nào có các tuyến đường giao thông liên vùng thuận tiện, đầy đủ tiện ích sẽ thu hút người dân đến sinh sống, kéo theo sự tăng giá bất động sản khu vực đó. Vì bất động sản được xem là một ngành kinh tế đặc thù có mối liên hệ mật thiết với quy hoạch hạ tầng, đặc biệt là sự phát triển của hạ tầng giao thông, mối quan hệ này được ví như nước với thuyền, "nước nổi thì thuyền lên".
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khu nam Thủ đô bản chất ngày xưa cũng định hướng một số cụm công nghiệp, đồng thời cũng là giao lộ Bắc Nam nối Hà Nội với các tỉnh miền Trung và phía Nam cho nên có vai trò rất quan trọng. Sau này, khu Nam Thủ đô đã dần "lột xác" từng ngày nhờ vào sự đầu tư của cả Nhà Nước và các doanh nghiệp lớn. Hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đều được đầu tư mạnh và bài bản, tỷ lệ đô thị hoá cũng nhanh hơn.
"Quy hoạch mở thêm trục đường vành đai 3.5 và vành đai 4 đi qua các địa phận phía Nam Hà Nội như huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên,… những khu vực này cộng hưởng kết nối kinh tế giữa Hà Nội với các vùng Nam Bắc Bộ như: Hà Nam, Thanh Hoá,… đầu cửa ngõ vào của khu vực miền Trung. Cho nên, khu vực phía Nam Hà Nội đang chiếm vị trí khá quan trọng trong vai trò giao thương phát triển kinh tế. Hơn nữa, hiện nay tốc độ phát triển của khu vực này đang được đẩy lên cao trào, nhiều dự án về phát triển khu kinh tế, về hạ tầng đô thị,… nên có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, khu vực này còn nhiều dư địa phát triển do trước giờ chưa được đầu tư nhiều, quỹ đất còn rộng lớn. Tôi cho rằng khu vực phía Nam Hà Nội sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới và sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư chất lượng cao", ông Đính nhận định.
Thị trường bất động sản phía Nam sôi động từng ngày
Với vị trí là cửa ngõ phía Nam, khu vực này được đánh giá sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đặc biệt, hiện nay mặt bằng giá nhà đất khu vực phía Nam hiện đang thấp hơn các khu vực khác. Chính vì thế, trong tương lai, đây là khu vực sẽ có nhiều tiềm năng tăng giá.
Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản vùng ven Hà Nội 3 năm trở lại đây liên tục tăng nóng, đặc biệt là giá đất tại các huyện sắp lên quận là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng.
Trong số những vùng ven mà nhà đầu tư hướng đến nhiều là huyện Thanh Trì, nơi có tiềm năng và sức hút lớn, gần trung tâm thành phố nhất nằm liền kề 2 quận lớn là Hoàng Mai, Hà Đông.
Theo ghi nhận, từ khi đón nhận thông tin lên quận thị trường bất động sản tại Thanh Trì đã có sự tăng giá 9 - 10% theo từng năm, thậm chí còn ngang ngửa với giá đất trong nội thành Hà Nội.
Trên nhiều diễn đàn, website bất động sản, giao dịch mua bán đất huyện Thanh Trì diễn ra khá sôi động. Đơn cử như trên trang Nhàtốt, một mảnh đất có diện tích 49,4m2 ngay xã Vạn Phúc được rao với giá 1,65 tỷ đồng, tương đương 33,4 triệu/m2. Mảnh đất được giới thiệu "ăn theo" quy hoạch.
"Mặt tiền 4m ngõ ô tô, 15m ra đường ô tô tránh, bãi đỗ xe đêm ngày. Khu vực sầm uất phát triển mạnh mẽ với tiện ích bạt ngàn, tầm nhìn lên quận 2025 rất xán lạn", người đăng bài viết.
Hay một mảnh đất nằm ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, có diện tích 30m2 được rao với giá 1,55 tỷ đồng, tương đương với 51,67 triệu/m2. Cũng một mảnh đất khác ở Quỳnh Đô, Thanh Trì có diện tích 48m2 được rao với giá 2,5 tỷ đồng tương đương với 51,88 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là mặt đường rộng ô tô tải tránh, khu vực dân cư đông đúc, kinh doanh mọi loại hình. Đất nằm gần trường học các cấp, cạnh chợ. Đặc biệt Thanh trì sắp lên quận, đất tăng giá từng ngày nên phù hợp với các anh/chị/em có nhu cầu mua ở, kinh doanh, đầu tư", người bán viết.
Chia sẻ với PV, chị Quỳnh Hoa, một nhà đầu tư lâu năm tại huyện Thanh Trì, Hà Nội nói rằng chị đang tham khảo nhiều quỹ đất ở khu vực huyện để mua đầu tư, đặc biệt là những quỹ đất gần dự án vành đai 3.5 để có tiềm năng tăng giá cao.
"Giá bất động sản tại huyện Thanh Trì dù có tăng hơn so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức hợp lý so với mặt bằng chung trên thị trường. Hơn nữa, thị trường này còn nhiều dư địa về quỹ đất và khả năng tăng giá sau khi huyện lên quận. Tôi mới mua được 2 miếng đất ở xã Hữu Hoà để chờ thị trường phục hồi rồi mới bán. Trong đó, một miếng có diện tích khoảng 60m2 với giá 50triệu/m2 và miếng còn lại có mặt tiền thông thoáng, xe ô tô đi vào khoảng 50m2 với giá 64triệu/m2. Bên cạnh đó, tôi cũng đang "săn" mua lại những miếng đất từ các nhà đầu tư bị "ngộp" vốn muốn tháo hàng", chị Hoa nói.
Anh Vũ Quyết Chiến, một môi giới nhà đất huyện Thanh Trì cho hay, những quỹ đất hay dự án nằm gần vành đai được nhiều khách hàng lựa chọn sau quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ - Vành đai 3 và dự án đường Vành đai 3.5. Nhưng những khu đất như này bây giờ cũng hiếm hoặc nếu có thì chủ đất cũng không muốn bán bởi chờ giá tăng thêm.
"Hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội đang vươn mình mạnh mẽ cũng kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản Thanh Trì. Từ một vùng đất mờ nhạt trên bản đồ đầu tư bất động sản nhiều năm trước thì 2 năm gần đây, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư và là điểm sáng nổi bật của phía Tây Nam Thủ đô", anh Chiến cho biết.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Tiến Linh, một nhà đầu tư lâu năm tại khu vực huyện Thanh Trì cho biết, khi hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bài bản, phát triển đồng bộ sẽ là cơ sở quan trọng đẩy nhanh tiến độ huyện Thanh Trì lên quận. Đối với những khu vực huyện được quy hoạch lên quận thì vẫn luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tìm đến.
"Bởi, theo quy luật thị trường, hạ tầng mở rộng đến đâu, thì thị trường nóng đến đó và giá bất động sản cũng tăng theo. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư về hạ tầng sẽ đưa Thanh Trì từ một huyện với cơ cấu kinh tế nông nghiệp là chủ yếu trở thành một thị trường bất động sản sôi động, "điểm vàng" kết nối và kỳ vọng tạo ra cuộc đua về đầu tư bất động sản trong thời gian tới", anh Linh nói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, để một huyện lên quận thì bản thân huyện đó phải có sức hút các nhà đầu tư tham gia vào đầu tư tạo ra hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, xoá bỏ đất nông nghiệp, đất ruộng.
"Tôi cho rằng, Thanh Trì đang có những bước tiến rất tốt và cần giữ được nhịp này đến năm 2025 khi đã đô thị hoá các khu vực đồng ruộng, làng, đủ tiêu chuẩn để trở thành quận. Để đạt được điều này cần sự nỗ lực của Trung ương, thành phố, chính quyền địa phương và nhân dân sống trên địa bàn. Một khi huyện Thanh trì trở thành quận sẽ có lực hút lớn, tăng giá trị bất động sản khu vực lên cao, tăng trưởng kinh tế xã hội", ông Đính nói.
Trao đổi với Reatimes, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội cho biết, trên thị trường thứ cấp, một số dự án tại phía Nam quận Hai Bà Trưng, dọc đường vành đai 2 ghi nhận mức tăng 9 - 10%/năm trong vòng 3 năm qua cao hơn mức tăng trung bình toàn thành phố là khoảng 4%/năm do hưởng lợi từ hạ tầng cũng như nguồn cấp sơ cấp hạn chế (nguồn cung mới tại khu vực phía Nam trong 3 năm qua chỉ chiếm 12% tổng nguồn cung mới tại Hà Nội).
Trong giai đoạn 2023 - 2024, nguồn cung mới ở cả Hà Nội và khu vực phía Nam thành phố dự kiến vẫn ở ngưỡng hạn chế và chưa về lại ngưỡng trước Covid-19. Do đó, các dự án mới, đặc biệt là các dự án tại khu vực trong đường Vành đai 3 với kết nối thuận tiện sẽ thu hút được người mua, đặc biệt là người mua để ở./.