Yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản

Phạm Quốc Hải - Đại học Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Cao Hoài Sang - Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh , Nguyễn Xuân Nhĩ - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích định lượng với mẫu dữ liệu bao gồm 70 doanh nghiệp bất động sản niêm niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2021. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đòn bẩy nợ cao khiến cho các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam hoạt động kém hiệu quả hơn. Xét về các biến đặc trưng doanh nghiệp thì tất cả các biến ngoại trừ cấu trúc tài sản đều giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Tương tự, cả ba biến vĩ mô bao gồm tăng trưởng kinh tế, lãi suất và lạm phát đều có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động. Dựa trên những kết quả này, nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp bất động sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nhờ vào các chính sách hỗ trợ cũng như quy định pháp luật hiệu quả từ phía chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro giao dịch. Nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản bởi lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là rủi ro lớn nên cần có những định hướng đúng đắn, huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa đòn bẩy nợ và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng hiếm khi phân tích sâu về các yếu tố vĩ mô tác động đến hiệu quả hoạt bất động sản của doanh nghiệp. Kết quả phân tích của nghiên cứu này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam lựa chọn cách thức phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời hỗ trợ công tác kiểm soát các doanh nghiệp bất động sản trong nước hiệu quả hơn.

Cơ sở lý luận

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu như Kalantonis và cộng sự (2021) điều tra tác động của các điều kiện kinh tế vĩ mô đối với quyết định vay nợ của các công ty nhận thấy, tác nhân kinh tế dường như đóng một vai trò tiêu cực trong đòn bẩy và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Iqbal và Usman (2018) cho thấy, đòn bẩy nợ có tác động tiêu cực và đáng kể đến hiệu quả hoạt động (ROE) của công ty.

Ghardallou (2023) nhận thấy, tác động bất lợi của đòn bẩy đối với hiệu quả hoạt động của công ty xét về tỷ suất sinh lợi trên tài sản, tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu và Tobin’s Q. Đặc biệt, đòn bẩy dường như có tác động bất lợi lớn hơn đối với hoạt động của các công ty có lợi nhuận cao so với các công ty có lợi nhuận thấp.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của tác giả Dang, T. D. & Do, T. V. T. (2021) sử dụng mẫu dữ liệu gồm 435 doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam từ năm 2012 – 2019 để xem xét ảnh hưởng của cấu trúc vốn và các yếu tố đến giá trị doanh nghiệp Việt Nam.

Kết quả của nghiên cứu khi sử dụng phương pháp GMM về đòn bẩy nợ và các biến kiểm soát cho thấy được tác động tiêu cực đến giá trị doanh nghiệp trong ngành bất động sản ở các yếu tố, riêng biến quy mô mang lại ý nghĩa tích cực trong các trường hợp. Kế thừa các nghiên cứu trên, nhóm tác giả thực hiện 5 cuộc phỏng vấn sâu với 5 chuyên gia ngành bất động sản Việt Nam. Tất cả các chuyên gia đồng tình: yếu tố đặc trưng của doanh nghiệp, yếu tố vĩ mô, yếu tố đòn bẫy tài chính có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và thống nhất đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này áp dụng phương pháp phân tích định lượng thông qua quy trình như sau: (1) Tổng lược cơ sở lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm để đề xuất mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu; (2) Sử dụng bảng thống kê mô tả biến để đánh giá đặc điểm của từng biến; (3) Phân tích ma trận hệ số tương quan để làm sáng tỏ quan hệ tương quan giữa các biến trong mô hình; (4) Vận dụng các kỹ thuật ước khác nhau bao gồm bình phương nhỏ nhất gộp (POLS), tác động cố định (FE), tác động ngẫu nhiên (RE) để đưa ra kết quả ước lượng cho tác động của các yếu tố khác nhau, trong đó có đòn bẩy nợ, lên hiệu quả hoạt động; (5) So sánh kết quả hồi quy với các giả thuyết nghiên cứu đã đề ra cũng như với phát hiện từ các công trình nghiên cứu trước để khẳng định cho tính phù hợp của kết quả ước lượng tìm được.

Nghiên cứu thu thập dữ liệu từ báo cáo tài chính của 70 doanh nghiệp thuộc ngành bất động sản đang niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán lớn của Việt Nam là TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Hà Nội (HNX) trong giai đoạn 11 năm từ năm 2011 đến 2021.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu phải có thời gian niêm yết liên tục từ 6 năm trở lên để giúp kết quả nghiên cứu đưa ra được chính xác hơn.

Bài nghiên cứu đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dựa trên khía cạnh tài chính nên các biến đại diện là các chỉ số được tính toán từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Các biến đại diện cho biến phụ thuộc hiệu quả hoạt động bao gồm lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên tổng tài sản (EBIT), lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản (EBT) và lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (EAT). Đối với các biến nghiên cứu chính thì đòn bẩy nợ được đại diện bằng chỉ số là tổng nợ trên tổng tài sản.

Kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động được đo bằng EBIT, EBT, EAT là đòn bẩy tài chính và các biến độc lập còn lại gồm cấu trúc tài sản, tăng trưởng tổng tài sản, quy mô doanh nghiệp, khả năng thanh khoản và rủi ro kinh doanh. Nghiên cứu tiếp tục đánh giá các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời, có thêm sự có mặt của các biến vĩ mô vào mô hình nghiên cứu (tăng trưởng GDP, lãi suất thực, lạm phát). Nghiên cứu xem xét đến biến độc lập đòn bẩy tài chính quan trọng nhất, biến này có tác động tiêu cực đáng kể về mặt thống kê đến hiệu quả hoạt động của công ty. Điều này có nghĩa là công ty càng tăng nhiều nợ thì hoạt động càng kém hiệu quả. Cả 3 mô hình EBIT, EAT, EBT đều đi đến kết luận giống nhau về mối tương quan nghịch giữa hai yếu tố này.

Nhóm tác giả xem xét biến vĩ mô ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động ở cả ba mô hình EBIT, EBT, EAT. Tăng trưởng GDP không có tác động ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động, yếu tố này không đủ mạnh để ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản. Dù cho kinh tế Việt Nam có tăng nhưng chưa thể khẳng định hoàn toàn rằng sự tăng trưởng yếu tố vĩ mô GDP sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bởi sự tăng giảm hiệu quả hoạt động sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố nội tại doanh nghiệp (Soukhakian và Khodakarami, 2019).

Lãi suất thực tác động dương có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động, điều này nhất quán ở cả 3 mô hình EBIT, EAT, EBT. Nghiên cứu cho thấy, khi lãi suất tăng thì hiệu quả hoạt động sẽ tăng. Lãi suất tăng khiến cho chi phí vay của các doanh nghiệp tăng lên có thể làm cho doanh nghiệp gặp nguy cơ phá sản, thế nên doanh nghiệp cẩn trọng hơn trong các dự án đầu tư trong tương lai, lựa chọn các dự án đầu tư sinh lời chắc chắn để đầu tư, từ đó gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Hussain và cộng sự, 2021; Iqbal, Gan, và Nadeem, 2020; Usman và cộng sự, 2017).

Biến lạm phát tác động dương có ý nghĩa thông kê đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, hàm ý rằng khi lạm phát tăng thì hiệu quả hoạt động tăng. Trong trường hợp này là khi lạm phát tăng ở mức độ vừa phải doanh nghiệp có thể kiểm soát được, nó sẽ là chất xúc tác để nền kinh tế tăng trưởng, để các hoạt động kinh tế diễn ra hiệu quả, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thêm cơ hội mở rộng đầu tư sản xuất, từ đó gia tăng kim ngạch xuất khẩu (Seo và cộng sự, 2021; Salisu, Raheem và Ndako, 2020; Chang, 2018).

Bảng 1: Kết quả ước lượng ba mô hình EBIT,EBT,EAT

với biến độc lập và biến vĩ mô

FEM

EBIT

EBT

EAT

Leverage

-0.0761***

-0.0868***

-0.0714***

 

(0.0192)

(0.0192)

(0.0168)

Tangibility

-0.0340

-0.0229

-0.0149

 

(0.0255)

(0.0258)

(0.0224)

Growth

4.13e-05

5.92e-05

5.92e-05

 

(7.23e-05)

(7.18e-05)

(5.95e-05)

Size

0.00499***

0.00468***

0.00387***

 

(0.000685)

(0.000682)

(0.000592)

Liquidity

-0.00655

0.00404

0.00469

 

(0.0147)

(0.0147)

(0.0123)

Risk

0.147

0.153

0.0593

 

(0.217)

(0.222)

(0.190)

GDP

0.00846

0.00973

0.0139

 

(0.0212)

(0.0214)

(0.0195)

IR

0.0125***

0.0156***

0.0146***

 

(0.00391)

(0.00398)

(0.00360)

Inflation

0.0194*

0.0212*

0.0216**

 

(0.0115)

(0.0117)

(0.0107)

Constant

-0.216

-0.247

-0.268

 

(0.200)

(0.202)

(0.185)

Observations

715

715

715

R2_within

0.343

0.335

0.315

R2_between

0.382

0.336

0.303

R2_overall

0.349

0.331

0.308

F-Statistics

26.16

21.1

18.55

P-value

4.92E-22

1.42E-19

3.80E-18

Robust standard errors in parentheses

*** p<0.01, ** p<0.05, * p<0.1 Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả trong Bảng 1 cũng được đánh giá thông qua hệ số xác định R2 within, R2 between, và R2 overall. Dựa trên giá trị R2 overall, trong mô hình EBIT, các biến độc lập về trung bình có thể giải thích 34,9% sự biến động trong biến phụ thuộc. Trong mô hình EBT, các biến độc lập về trung bình có thể giải thích 33,1% sự biến động trong biến phụ thuộc. Trong mô hình EAT, các biến độc lập về trung bình có thể giải thích 30,8% sự biến động trong biến phụ thuộc. Trong cả 3 mô hình thì mô hình EBIT lần nữa lại là mô hình có mức độ giải thích cao nhất, và trong trường hợp này thì cao hơn hẳn so với 2 mô hình còn lại. Kiểm định F cho cả 3 mô hình cũng chỉ ra rằng hệ số của các biến độc lập trong mô hình không đồng thời bằng không. Điều này chứng minh cho việc các biến độc lập đưa vào mô hình là phù hợp.

Kết luận và hàm ý quản trị

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Thứ nhất, các yếu tố đặc trưng doanh nghiệp và các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty bất động sản và tập trung vào đòn bẩy nợ của công ty.

Thứ hai, tỷ lệ tài sản cố định không đủ mạnh để có tác động đáng kể về mặt thống kê đến hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ tài sản cố định cho thấy công ty đã đầu tư bao nhiêu. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mối quan hệ giữa 2 yếu tố này hiện rất yếu, do yếu tố này không phản ánh trực tiếp vào hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, tăng trưởng tài sản có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động nhưng trong cả 3 mô hình đều không mang ý nghĩa thống kê. Tăng trưởng tài sản cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cao hơn.

Thứ tư, quy mô có tác động tích cực có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động. Các công ty lớn có nhiều lợi thế về đầu tư và tài chính. Lợi thế này giúp các công ty nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ năm, tính thanh khoản trong cả mô hình EBT và EAT đều có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động, trong khi mô hình EBIT có tác động tiêu cực, trong khi cả ba mô hình đều có tác động thống kê nhưng không có ý nghĩa. Cuối cùng, rủi ro tài chính có tác động tích cực đáng kể đến hiệu quả hoạt động của công ty. Rủi ro thường đi kèm với lợi nhuận cao hơn. Do đó, khi các công ty thực hiện các dự án hoặc đưa ra các quyết định đầu tư rủi ro hơn, họ sẽ đạt được hiệu quả hoạt động cao hơn.

Hàm ý quản trị về đòn bẩy nợ

Theo kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy cấu trúc tài sản khi tăng sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Để giảm thiểu tác động tiêu cực của cấu trúc tài sản đối với hiệu quả doanh nghiệp, cần: (1) Tăng cường quyền của cổ đông, bằng cách tăng cường quyền của cổ đông, chẳng hạn như thông qua quyền truy cập đại diện hoặc hoạt động của cổ đông, cổ đông có thể giám sát người quản lý tốt hơn và giảm thiểu tiềm năng của vấn đề đại diện từ đó có thể gia tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp; (2) Đa dạng hóa cấu trúc tài sản, các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa cấu trúc tài sản của mình để giảm sự phụ thuộc vào tài sản hữu hình và tăng tính linh hoạt để đáp ứng điều kiện thị trường thay đổi; (3) Tăng đầu tư vào tài sản vô hình, các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các tài sản vô hình, chẳng hạn như danh tiếng thương hiệu hoặc nghiên cứu và phát triển, có thể cung cấp lợi thế cạnh tranh và tăng tính linh hoạt đem lại hiệu quả hoạt động tăng cao.

Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Nghiên cứu chỉ thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2021. Chuỗi thời gian phân tích vẫn chưa đủ dài (11 năm) để có thể kiểm chứng chính xác hoàn toàn tác động của các biến nghiên cứu trong mô hình. Với những khuyết điểm này, nhóm tác giả đề xuất rằng các công trình nghiên cứu trong tương lai nên mở rộng phạm vi nghiên cứu bằng cách: (i) Thu thập mẫu dữ liệu với thời gian dài hơn; (ii) Thu thập mẫu dữ liệu gồm nhiều doanh nghiệp hơn (có thể là tất cả doanh nghiệp niêm yết và không niêm yết), (iii) Đánh giá sự khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các doanh nghiệp bất động sản niêm yết và không niêm yết.

Tài liệu tham khảo

  1. Banka, M., Tien, N. H., Dao, M. T. H., & Minh, D. T. (2022). Analysis of business strategy of real estate developers in Vietnam: the application of QSPM matrix. International journal of multidisciplinary research and growth evaluation, 3(1), 188-196;
  2. Chang, C. C. (2018). Cash conversion cycle and corporate performance: Global evidence. International Review of Economics & Finance, 56, 568-581;
  3. Dang, T. D., & Do, T. V. T. (2021). Does capital structure affect firm value in Vietnam. Investment Management and Financial Innovations, 18(1), 33-41;
  4. Ghardallou, W. (2023). The heterogeneous effect of leverage on firm performance: a quantile regression analysis. International Journal of Islamic and Middle Eastern Finance and Management, (ahead-of-print);
  5. Iqbal, U., & Usman, M. (2018). Impact of financial leverage on firm performance: Textile composite companies of Pakistan. SEISENSE Journal of Management, 1(2), 70-78;
  6. Iqbal, U., Gan, C., & Nadeem, M. (2020). Economic policy uncertainty and firm performance. Applied Economics Letters, 27(10), 765-770;
  7. Kalantonis, P., Kallandranis, C., & Sotiropoulos, M. (2021). Leverage and firm performance: new evidence on the role of economic sentiment using accounting information. Journal of Capital Markets Studies;
  8. Salisu, A. A., Raheem, I. D., & Ndako, U. B. (2020). The inflation hedging properties of gold, stocks and real estate: A comparative analysis. Resources Policy, 66, 101605;
  9. Seo, K., Woo, L., Mun, S. G., & Soh, J. (2021). The asset-light business model and firm performance in complex and dynamic environments: The dynamic capabilities view. Tourism Management, 85, 104311;
  10. Soukhakian, I., & Khodakarami, M. (2019). Working capital management, firm performance and macroeconomic factors: Evidence from Iran. Cogent Business & Management, 6(1), 1684227;
  11. Usman, M., Shaique, M., Khan, S., Shaikh, R., & Baig, N. (2017). Impact of R&D investment on firm performance and firm value: evidence from developed nations (G-7). Revista de Gestão, Finanças e Contabilidade, 7(2), 302-321.