Khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều rào cản
Dù đóng góp 40% GDP cho nền kinh tế, nhưng sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản, chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đó là thông tin được ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đưa ra tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, tổ chức ngày 15/3.
Theo ông Bùi Quang Tuấn, mô hình tăng trưởng giai đoạn vừa qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, tăng trưởng dựa vào chiều rộng đang dần hết dư địa. Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù được coi là một khu vực kinh tế quan trọng nhưng đóng góp thực của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn rất hạn chế.
Ông Tuấn cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này là do môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế, khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều rào cản. Trên thực tế, World Bank đã hạ xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống 1 bậc, xếp thứ 69/190 nước. Khu vực kinh tế trong nước chủ yếu vẫn dựa vào kinh doanh cá thể (khoảng 31 - 32% GDP), trong khi DN tư nhân đóng góp rất hạn chế chỉ 8% GDP.
Doanh nghiệp tư nhân còn “chậm lớn”
Phân tích thêm về tình hình phát triển DN tư nhân Việt Nam trong những năm qua, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dù kinh tế tư nhân Việt Nam được xem là trụ cột của nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế này chỉ đóng góp chưa đến 30% GDP. Trong khi đó, đóng góp cho GDP chủ yếu vẫn là thành phần kinh tế nhà nước (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%), nhưng cả hai thành phần kinh tế này có sức cạnh tranh yếu, khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công.
Theo ông Thiên, kinh tế tư nhân chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95 - 96% tổng số DN, số DN vừa chỉ chiếm khoảng 1,7% tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu quan trọng. Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm DN vừa chứng tỏ DN tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành DN lớn.
Trong khi đó, số DN lớn - chiếm khoảng 2% tổng số DN lại chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản và đang phải đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, bởi lớn lên nhờ đầu cơ là chính.
“Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao” - ông Thiên cảnh báo.
Ngược lại, hai lực lượng đang đóng góp lớn vào GDP là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN nhà nước thì DN FDI phần lớn gia công, nhập khẩu để xuất khẩu, không phụ thuộc vào Việt Nam; còn DN nhà nước chưa hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế.
“Nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần là đáng báo động. Đây là kết quả của một chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần “có vấn đề”: Phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, xác định vai trò, chức năng của các lực lượng kinh tế sai lệch kéo dài, làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thiên lệch”, ông Thiên chỉ rõ.
Đánh giá tổng thể về sự phát triển của DN Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, ông Thiên cho rằng, hiện nay vẫn chưa có một chiến lược phát triển DN Việt Nam đúng nghĩa, các DN vừa còn rất ít, DN tư nhân không lớn được, thậm chí là khó lớn. Đúng như nhận xét của ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fullbright Việt Nam “khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam rất dị thường, không lớn được”.
Nhận diện khó khăn, vượt qua rào cản
Để vượt qua những rào cản giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển, ông Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần sớm nhận diện các xu hướng và bối cảnh mới tác động đến DN; xây dựng chiến lược phát triển DN Việt với nền tảng tư nhân mà trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế theo đúng nguyên tắc thị trường. Bảo đảm bằng luật các chế tài cụ thể đối với mọi sự xâm phạm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế (được làm tất cả những thứ nhà nước không cấm).
“Phải coi việc phát triển các thị trường là ưu tiên chiến lược cho 5, 7 năm tới. Nếu các thị trường còn méo mó, kinh tế tư nhân không thể phát triển” - ông Trần Đình Thiên đề xuất.
Cùng với các giải pháp trên, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng lại chiến lược thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là chiến lược thu hút FDI, kết hợp với chiến lược thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) theo cách tiếp cận mới.
Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ công cuộc khởi nghiệp dựa trên đổi mới - sáng tạo theo các chuẩn mực quốc tế; không biến nó thành phong trào toàn dân, hạ thấp tiêu chuẩn phát triển DN, vốn chứa đựng nhiều nguy cơ và rủi ro về mặt chiến lược. Thiết lập và phổ cập các tiêu chuẩn quản trị của DN châu Âu cho các DN Việt Nam theo lộ trình rõ ràng…
Để vượt qua những rào cản giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển, ông Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam cần sớm nhận diện các xu hướng và bối cảnh mới tác động đến DN; xây dựng chiến lược phát triển DN Việt với nền tảng tư nhân mà trục cốt lõi là các tập đoàn kinh tế theo đúng nguyên tắc thị trường. Bảo đảm bằng luật các chế tài cụ thể đối với mọi sự xâm phạm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế (được làm tất cả những thứ nhà nước không cấm).