Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển

PV.

Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tỷ lệ đóng góp trong chuỗi giá trị của nền kinh tế là những nội dung trọng tâm được trao đổi tại Diễn đàn "Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017" do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 22/6, tại Hà Nội.

Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tỷ lệ đóng góp trong chuỗi giá trị của nền kinh tế là những nội dung trọng tâm được trao đổi tại Diễn đàn "Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017" .
Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao tỷ lệ đóng góp trong chuỗi giá trị của nền kinh tế là những nội dung trọng tâm được trao đổi tại Diễn đàn "Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017" .

Tại Diễn đàn, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước ngày càng khẳng định vai trò quan trọng hơn trong việc đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước.

Cụ thể, khu vực doanh nghiệp tư nhân đóng góp 43,22% GDP, trong khi đó khu vực nhà nước chiếm 28,69%. Đây cũng là khu việc chiếm lượng vốn đầu tư xã hội lớn nhất với 39% và 11,9% việc làm.

Ông Hùng cho biết, năm 2016,  có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập, tăng 16% so với năm 2015, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Trong 5 tháng đầu năm 2017 có thêm 50.534 doanh nghiệp, với gần 1,2 triệu tỷ đồng bổ sung vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, quy mô của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ. Trong khi đó, xét về quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm tới 94.8%. Nếu chỉ xét khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước thì có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%.

Theo ông Hùng, quy mô vốn hạn chế là một trong các trở ngại lớn khiến các doanh nghiệp tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc đầu tư vào máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng cần làm rõ vấn đề của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân phát triển cũng có nghĩa là kinh tế Việt Nam phát triển.

Do vậy, theo TS. Vũ Đình Ánh, cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà là các bộ phận bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.

"Điều kiện tiên quyết là Nhà nước tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp ngoài Nhà nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI", ông Ánh nói.

TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần được hoạt động theo đúng tinh thần Luật Doanh nghiệp 2014 là trên tất cả những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chính sách và cơ chế đối với kinh tế tư nhân dựa trên nguyên tắc cơ bản: bình đẳng, không cần ưu đãi; tôn trọng, chủ động.