Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương:
Khu vực năng động trong thế giới chuyển động
Sự lạc quan của các tổng giám đốc điều hành (CEO) 21 nền kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) về triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp hiện ở mức cao nhất ba năm qua. Đây là kết quả cuộc khảo sát của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa được công bố.
Lạc quan về triển vọng tăng trưởng
Chủ tịch toàn cầu của PwC Bob Moritz cho biết, 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp trong năm tới. Triển vọng về tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn ở một số nền kinh tế thành viên APEC cùng những tín hiệu tích cực từ một số thị trường xuất khẩu ở châu Âu góp phần củng cố cho sự lạc quan này. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại quốc tế đang tăng, năm 2017, lần đầu tiên trong 5 năm dự kiến vượt xa mức tăng trưởng GDP toàn cầu.
Bên cạnh đó, 63% CEO trong khu vực kỳ vọng, sẽ mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong 3 năm tiếp theo. 50% doanh nghiệp trong khu vực lên kế hoạch tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nước ngoài khu vực APEC). Con số này tăng từ 43% cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh các doanh nghiệp ở APEC đang tìm cách nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trên nền kinh tế toàn cầu.
71% CEO dự định sẽ phân bổ các khoản tăng đầu tư này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018. Theo kết quả khảo sát của PwC, những nền kinh tế thu hút đầu tư từ chính các doanh nghiệp trong khu vực APEC nhất là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Mỹ.
Theo điều tra của PwC, năm 2016, Việt Nam đã thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài kỷ lục, trong bối cảnh Việt Nam định hình chiến lược phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng đầu tư - xuất khẩu. Ngoài ra, 89% CEO Malaysia và 86% CEO Việt Nam mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động toàn cầu.
Cuộc khảo sát của PwC còn cho thấy, các CEO ở APEC hiện nay lạc quan hơn so với hai năm trước và đang thúc đẩy mở rộng đầu tư, bất kể môi trường thương mại và đầu tư thế giới bấp bênh. Tuy nhiên, các nhà điều hành doanh nghiệp ở APEC cũng chuẩn bị phương án điều chỉnh hoạt động ở phạm vi quốc tế, nhằm thích nghi với thay đổi về quan điểm, lập trường đối với thương mại tự do. Phần lớn các CEO trong khu vực tin tưởng, các nền kinh tế của APEC đang dần trở nên gắn kết hơn.
Chủ động sẵn sàng và tin tưởng
Kết quả khảo sát của PwC cho thấy, môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, nhất là với những doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới. Xu thế toàn cầu và khu vực cho thấy, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ từ rào cản thương mại gay gắt hơn, ngay cả khi họ đang cố gắng tăng cường đầu tư và tăng trưởng trong khu vực. Đồng thời, các doanh nghiệp còn phải lên kế hoạch cho tăng trưởng trong tương lai với khả năng hoạt động ngày càng được tự động hóa.
Cả hai xu hướng trên sẽ tác động đến cách mà các doanh nghiệp ở APEC hoạt động 20 năm qua. Vì vậy, theo PwC, các nhà điều hành doanh nghiệp không nên mong đợi câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi mà bối cảnh thương mại mới và tự động hóa đặt ra. Mức độ hội nhập ngày càng sâu và chuyên môn hóa cùng với sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đồng nghĩa rằng sẽ không có giải pháp rõ ràng.
Lãnh đạo cấp cao ở khu vực của PwC Sridharan Nair cho rằng, để theo đuổi tăng trưởng bền vững trên quy mô quốc tế, các doanh nghiệp cần có được sự tin tưởng của các bên liên quan, từ cách họ thuê nhân viên, lựa chọn nhà cung cấp, đến cách tiếp thị sản phẩm trong và ngoài nước.
Đa số CEO ở APEC trông cậy nhiều hơn vào quan hệ hợp tác kinh doanh và liên doanh, nhằm ứng phó với sự thay đổi trong môi trường thương mại. Các CEO ở khu vực APEC cũng nhận thấy, tăng cường đầu tư vào đào tạo liên tục là cách hiệu quả nhất để nâng cao sự sẵn sàng của lực lượng lao động trước thời đại kỹ thuật số. Kế đến là tăng đầu tư vào học nghề, và mở rộng chính sách hỗ trợ phúc lợi (như sức khỏe hoặc lương hưu).
Trong 5 năm tới, lực lượng lao động của APEC sẽ tự động hóa hơn và khu vực này cũng sẽ được tích hợp chặt chẽ hơn về mặt kinh tế. Khu vực ngày càng hội nhập kinh tế hơn, song sự kết hợp của các rào cản thương mại và tự động hóa có thể sẽ khiến dòng dịch chuyển lao động bị hạn chế và giữ chân nhân tài ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Vì vậy, chuyên gia của PwC khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách cần dự đoán tác động tiềm tàng của doanh nghiệp đối với xu thế thương mại và thay đổi về thuế, để có những điều chỉnh chính sách phù hợp.