Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng: "Điểm sáng" đón sóng đầu tư
Khu vực Tây Bắc Đà Nẵng đang dần trở thành cực tăng trưởng mới của thành phố. Bởi nơi đây không chỉ có sự thay da đổi về hạ tầng cơ sở mà ngày càng thu hút nhiều dự án lớn triển khai, đặc biệt là các dự án du lịch, công nghệ thông tin.
Đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển
Theo đề án quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, phía Tây Bắc của thành phố được định hướng trở thành khu vực phát triển trọng điểm. Trong đó, quận Liên Chiểu giữ vai trò quan trọng với hệ thống kết cấu hạ tầng tiên tiến, vị thế cửa ngõ giao thông thuận lợi, giáp biển và gần các khu công nghiệp lớn. Nơi đây tập trung các nút giao thông huyết mạch của thành phố như bến xe Đà Nẵng, ga Kim Liên và cảng Liên Chiểu.
Đặc biệt, Đà Nẵng hiện cũng khẩn trương xây dựng dự án cảng Liên Chiểu (dự kiến khởi công vào tháng 9/2022). Khi đi vào vận hành, cảng Liên Chiểu sẽ thực hiện mục tiêu liên kết vùng và khu vực, thúc đẩy giao thương.
Ông Lê Thành Hưng, Giám Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án) cho biết, cảng Liên Chiểu được quy hoạch làm cảng loại I và trong tương lai sẽ là cảng đặc biệt. Dự kiến thành phố sẽ khởi công cảng Liên Chiểu trong năm 2022 và hoàn thành trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
"Cảng Liên Chiểu sau khi hình thành sẽ là đầu mối giao thông lớn, kết nối tất cả các phương thức vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đến năm 2050 cảng Liên Chiểu sẽ đạt công suất 50 triệu tấn/năm. Đây là mà yếu tố thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa của khu vực sau này, thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng đúng với mục tiêu là thành phố động lực vùng", ông Lê Thanh Hưng nói.
Ngoài ra, nhiều dự án giao thông trọng điểm được đẩy mạnh đầu tư ở khu vực phía Tây thành phố. Trong đó, dự án xây dựng tuyến đường trục I Tây Bắc (quận Liên Chiểu) đang được đẩy nhanh tiến độ. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách từ trung tâm đến phía Tây Bắc thành phố.
Hay mới đây, HĐND TP. Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu 1.203 tỷ đồng. Dự án nhằm tạo tuyến đường vận tải độc lập, kết nối đường nội bộ cảng Liên Chiểu đi đường tránh Nam Hải Vân.
Theo đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường nội bộ của cảng Liên Chiểu đến đường tránh Nam Hải Vân với chiều dài khoảng 2,95 km, bao gồm nhánh ra nút giao cuối tuyến dài khoảng 700m, mặt cắt ngang 30 m, quy mô 6 làn xe.
Dự án có 2 nút giao khác mức bằng cầu vượt, gồm một nút giao đầu tuyến với Quốc lộ 1 cũ và đường sắt Bắc-Nam hiện hữu; một nút giao cuối tuyến với đường tránh Nam Hải Vân, cầu qua kênh theo quy hoạch, mở rộng cầu Liên Chiểu cũ và đường dẫn hai đầu cầu...
Ngoài ra, dự án đường vành đai phía Tây nối từ quốc lộ 14B tới đường Hồ Chí Minh, cao tốc La Sơn - Túy Loan, tuyến đường Nguyễn Tất Thành cải tạo thu hẹp khoảng cách từ trung tâm đến khu vực Tây Bắc. Có thể nói, đây là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Tây Bắc Đà Nẵng.
Tín hiệu tích cực trong lĩnh vực du lịch, công nghệ
Đầu tháng 6/2022, Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) đã khai trương khách sạn Mikazuki - hạng mục thuộc tổ hợp Dự án Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa vào sử dụng. Dự án được đầu tư trên diện tích hơn 13ha (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) với tổng vốn 3.900 tỷ đồng.
Trong năm 2020, dự án đã đưa vào hoạt động các hạng mục: Hinode Villa, Mikazuki Hotel, nhà hàng Nami và Khu công viên nước nóng trong nhà Mikazuki Water Park 365 với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách. Tổ hợp nghỉ dưỡng vui chơi, giải trí Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa là khu nghỉ dưỡng đầu tiên được Tập đoàn Mikazuki - thương hiệu nghỉ dưỡng hàng đầu Nhật Bản đầu tư tại Đà Nẵng.
Ông Odaka Yoshimune, Chủ tịch Tập đoàn Mikazuki cho biết, khách sạn Mikazuki là khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại khu vực Vịnh Đà Nẵng, tạo ra lợi thế cho dự án này trong việc thu hút khách hàng Việt Nam cũng như quốc tế qua việc lan tỏa văn hóa Nhật Bản.
"Trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều dự án du lịch hấp dẫn tại Đà Nẵng, đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Cụ thể, Tập đoàn sẽ khai trương khu phố đêm xung quanh tổ hợp nghỉ dưỡng cùng với cầu đi bộ giúp khách tại Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa đi tắm biển thoải mái và an toàn hơn. Cầu đi bộ sẽ hoàn thành vào năm 2023, nhân dịp Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao", ông Odaka Yoshimune khẳng định.
Bên cạnh dự án này, chính quyền TP. Đà Nẵng cũng đang khẩn trương hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức khởi công dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân (gọi tắt là dự án Làng Vân) trong năm 2022.
Dự án được quy hoạch trên diện tích đất gần 1.000 ha, do Công ty CP Vinpearl (Vingroup) làm chủ đầu tư, với vốn đầu tư dự kiến 35.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD). Dự án chia làm 6 giai đoạn, hoàn thành trong 5 năm kể từ ngày khởi công.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, hiện nay, Sở KH&ĐT đang tiếp tục hỗ trợ Công ty CP Vinpearl hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo quy định trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Bên cạnh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp khu vực Tây bắc Đà Nẵng cũng phát triển mạnh mẽ với Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung. Trong danh mục dự án thu hút đầu tư vào TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030, Đà Nẵng kêu gọi nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ thông tin tại khu vực này.
Trong đó, lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều dự án lớn như: Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày và triển lãm công nghệ thông tin; Khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT; Khu R&D Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng. Các dự án này được thực hiện tại Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.
Ngoài ra, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ; dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thiết kế, chế tạo robot; dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học. Cả 3 dự án này đều được đầu tư tại Khu công nghệ cao.