Khủng hoảng năng lượng toàn cầu
Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng năng lượng, đặc biệt khi mùa đông đang tới khiến giá nhiên liệu tăng chóng mặt, cũng như có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Giá khí đốt tăng mạnh
Tại châu Âu, khi thời tiết lạnh bất thường khiến lượng khí đốt tại các kho lưu trữ ở châu Âu giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trước đại dịch, dẫn tới giá khí đốt đã tăng nhanh kể từ đầu tháng 4 và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Kể từ đó, châu Âu phải rất khó khăn tìm cách đưa dự trữ khí đốt trở lại mức cần thiết cho mùa đông sắp tới. Hơn nữa, đà phục hồi kinh tế khi các chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế COVID-19, và việc nhu cầu cao hơn dự kiến đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt khí đốt.
Theo đó, tình trạng thiếu khí đốt đang khiến thị trường toàn cầu rất lo lắng, đặc biệt là khi sắp bước vào mùa đông, cùng với đó, thị trường xuất hiện sự cạnh tranh rất lớn từ các nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ châu Á và Nam Mỹ, vì vậy giá khí đốt lại càng lên cao. Giá năng lượng từ Bắc Kinh đến London đã tăng vọt khi các nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu hậu đại dịch.
Giá năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao điểm trong mùa đông này khi nhu cầu ở Bắc bán cầu đạt đỉnh, dẫn tới nguy cơ làm lệch hướng phục hồi kinh tế toàn cầu, cũng như thúc đẩy lạm phát gia tăng. Nhà phân tích Lara Dong IHS Markit nhận định rằng, nếu giá than và khí đốt vẫn ở mức cao trong mùa đông sắp tới thì nguy cơ khủng hoảng điện sẽ rất cao.
Bên cạnh đó, với lượng dự trữ khí đốt thấp và phụ thuộc vào nguồn gas nhập khẩu cũng là một trong những lý do khiến cho nhiều công ty cung ứng của Anh bị phá sản, đồng thời Chính phủ nước này cũng phải chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Không chỉ giá khí đốt tăng mà khả năng thiếu xăng dầu cho phương tiện đi lại cá nhân cũng không đủ.
Trong khi đó, với tình trạng giá khí đốt tăng mạnh, cũng như sản lượng điện gió thấp đã khiến Anh phải tái khởi động một nhà máy điện than cũ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện. Điều này đã khiến cho những quốc gia khác đặt ra một nghi vấn về các cam kết môi trường mà các chính phủ ở châu Âu từng đưa ra đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu.
Song, Chính phủ Anh khẳng định động thái này là kết quả của tính chất không liên tục của năng lượng tái tạo, gồm cả gió và mặt trời. Trước đó, Anh cam kết loại bỏ hoàn toàn điện than trước tháng 10.2024 để giảm lượng khí thải carbon.
Giải pháp nào cho khủng hoảng?
Trước tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa được áp dụng rộng rãi, vì mỗi giải pháp đều có những hạn chế của nó và cần có thời gian cũng như tiền bạc.
Hướng tới tài nguyên tái tạo được cho là giải pháp tốt nhất có thể giảm sự phụ thuộc của thế giới vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo và cải thiện các nỗ lực bảo tồn tổng thể. Nếu tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng, thì năng lượng không tái tạo tất yếu giảm đi. Công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ trở thành công nghệ tiết kiệm năng lượng. Khi đó, với từng bước tiến nhỏ trong sản xuất năng lượng tái tạo và công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, chúng ta sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và càng ngày thải ít khí nhà kính hơn.
Phần lớn thời đại công nghiệp được tạo ra bằng cách sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng cũng có công nghệ được biết đến sử dụng các dạng năng lượng tái tạo khác, chẳng hạn như hơi nước, năng lượng mặt trời và gió. Mối quan tâm chính không phải là chúng ta sẽ cạn kiệt khí đốt hoặc dầu, mà là việc sử dụng than sẽ tiếp tục gây ô nhiễm bầu khí quyển và phá hủy các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong quá trình khai thác than mà nó phải được thay thế như một nguồn năng lượng khác. Điều này cũng không hề dễ dàng vì nhiều ngành công nghiệp hàng đầu sử dụng than đá, không phải khí đốt hoặc dầu mỏ, làm nguồn năng lượng chính để sản xuất.
Các hộ gia đình có thể mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như thay thế bóng đèn truyền thống bằng CFL và đèn LED. Chúng sử dụng ít điện hơn và tuổi thọ cao hơn. Nếu hàng triệu người trên toàn cầu sử dụng đèn LED và CFL cho mục đích dân dụng và thương mại, nhu cầu về năng lượng có thể giảm xuống và khủng hoảng năng lượng có thể được ngăn chặn.
Bên cạnh đó, phần mềm mô phỏng năng lượng có thể được sử dụng bởi các công ty và tập đoàn lớn để thiết kế lại đơn vị xây dựng và giảm chi phí năng lượng kinh doanh đang vận hành. Các kỹ sư, kiến trúc sư và nhà thiết kế có thể sử dụng thiết kế này để đi kèm với hầu hết các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải carbon.
Việc các quốc gia trên thế giới có cùng quan điểm chung về biến đổi khí hậu cũng rất quan trọng. Cả các nước phát triển và đang phát triển nên áp dụng quan điểm chung về biến đổi khí hậu, bằng cách nên tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua một cơ chế xuyên biên giới hiệu quả.
Với sự gia tăng dân số và tiêu thụ quá mức tài nguyên như hiện nay, không thể loại trừ hậu quả của sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Cả các nước phát triển và đang phát triển đều phải tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải để giảm một nửa lượng khí thải so với mức hiện tại vào năm 2050.