Khủng hoảng thị trường tài chính châu Á: Bài học từ quá khứ
Những diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới những ngày qua gợi lại cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997. Tuy nhiên, chính những bài học quá khứ đã giúp thế giới tránh lặp lại vết xe đổ.
Bóng ma quá khứ
Sự hoảng loạn đã bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu hôm 24.8 vừa qua khi giá cổ phiếu đồng loạt lao dốc. “Ngày thứ Hai đen tối” bắt nguồn từ sự suy sụp của thị trường chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong.
Các sàn giao dịch chứng khoán châu Á theo đó ngập sắc đỏ do hiệu ứng bán tháo cổ phiếu trên toàn thị trường. Nhiều đồng nội tệ châu Á sụt giảm mạnh như dollar Singapore, ringgit Malaysia hay won Hàn Quốc...
Có điểm tương đồng lớn giữa tình hình hiện tại và cuộc khủng hoảng năm 1997: một quốc gia phá giá đồng nội tệ. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khi đó được châm ngòi bằng việc đồng baht của Thái Lan sụt giá 15% so với đồng USD, kéo theo đồng tiền của các nước khác trong khu vực sụt giảm thảm hại, đặc biệt là đồng rupiah của Indonesia - mất giá tới 86% so với đồng USD.
Vào thời điểm đó, thị trường vốn quốc tế được ví như những tuyến đường cao tốc của nền kinh tế thế giới và các nước đang phát triển nên kết nối với tuyến cao tốc này.
Nói cách khác, đây là chính sách tự do hóa thị trường và xóa bỏ mọi biện pháp điều tiết của nhà nước, nổi tiếng với tên gọi “đồng thuận Washington” (Washington consensus), do một số tổ chức tài chính quốc tế cùng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề ra vào năm 1989 và đã được các nước nhiệt tình hưởng ứng vào trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997.
Sự sụp đổ nhanh chóng của thị trường tài chính châu Á khi đó được xem là kết quả tất yếu của chính sách này.
Bài học cho hiện tại
Những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế Trung Quốc những tuần qua khiến nhiều người không khỏi lo ngại về những hệ lụy dây chuyền, đặc biệt là tại châu Á với các nền kinh tế mới nổi có sự gắn kết với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc lần này không khiến châu Á đi vào vết xe đổ của cuộc khủng hoảng năm 1997 bởi các nước châu Á giờ đây đã có được bài học cho mình.
Thứ nhất, các nước đã sử dụng hiệu quả công cụ điều tiết luồng vốn. Không phải tình cờ khi vào thời điểm 1997, hai nước châu Á ít bị ảnh hưởng nhất của cuộc khủng hoảng tài chính - Trung Quốc và Ấn Độ, cũng chính là những nước không tự do hóa thị trường vốn. Trong số những nước đã tự do hóa thị trường vốn, cũng không phải ngẫu nhiên mà nước khống chế tốt nhất những tác động của cuộc khủng hoảng, Singapore, chính là nước có hệ thống luật pháp tốt nhất. Tình hình tài chính các nước châu Á giờ đây cũng lành mạnh hơn. Nếu vào năm 1997, các nước trong khu vực đều bị thâm hụt ngân sách thì hiện nay phần lớn các nước đều có nguồn dự trữ nhất định nên ít bị tổn thương hơn trước những cú sốc bên ngoài.
Thứ hai, là xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Hệ thống ngân hàng với sự giám sát lỏng lẻo vào thời điểm trước năm 1997 đã dẫn đến tình trạng phát triển quá mức của thị trường tín dụng ở nhiều nước châu Á, như Indonesia, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, kéo theo việc đầu tư dư thừa vào một số ngành kinh tế. Sau cuộc khủng hoảng 2007 - 2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước bắt nguồn từ sự lơi lỏng kiểm soát ở Phố Wall (Mỹ), các nước đều đã siết chặt kiểm soát ngân hàng bằng công cụ pháp lý. Giờ đây nhiều ngân hàng của châu Á hoạt động bền vững hơn, với tỷ lệ vốn lưu động tăng lên trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống.
Thứ ba, nếu cách đây 18 năm, nợ nước ngoài chủ yếu bằng đồng USD nên khi đồng tiền quốc gia mất giá, gánh nặng nợ công đã phình lên, thì nay nhiều ngân hàng trung ương châu Á đã được đa dạng hóa giỏ tiền tệ để chống lại dòng vốn chảy ra ngoài hay đồng nội tệ phá giá. Trưởng nhóm kinh tế học Ngân hàng Trung ương Singapore, Richard Jerram cho rằng: “Châu Á giờ đây ổn định hơn rất nhiều, với dự trữ ngoại hối lớn và khó bị đổ vỡ do các khoản nợ nước ngoài”.
Lịch sử luôn lặp lại, nhưng có một chút thay đối. Sau những thiệt hại, với sự khôn ngoan và thận trọng, chính phủ các nước châu Á đã tìm ra các biện pháp đề phòng của mình. Thực tế cho thấy sau “Ngày thứ Hai đen tối”, với tín hiệu tốt từ thị trường Mỹ cùng dấu hiệu FED sẽ không tăng lãi suất cơ bản trong tháng 9 tới và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo giảm lãi suất cơ bản cũng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng điểm trở lại. Cùng với đó, đồng tiền của một số nước dần hồi phục.