Khung pháp lý sandbox sẽ mở lối cho P2P Lending

Hương Dịu

Việc đưa ra các nguyên tắc và quy định để thử nghiệm có kiểm soát với cho vay ngang hàng (P2P Lending) là bước đi cần thiết để quản lý một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro, góp phần xây dựng một thị trường tài chính minh bạch, bền vững.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nhằm đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, một trong nhiều nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về cho vay ngang hàng, về sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng để kết nối trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa với cá nhân, tổ chức tài trợ vốn.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Một trong 3 giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) được tham gia thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm (sandbox) là cho vay ngang hàng (P2P Lending).

 

Theo quy định, các công ty P2P Lending chỉ đóng vai trò trung gian kết nối, nhưng nhiều nền tảng đã hoạt động như tổ chức tín dụng, huy động vốn từ cá nhân và tổ chức rồi cho vay với lãi suất cao.

Theo Nghị định số 94/2025/NĐ-CP, các công ty P2P Lending chỉ được thực hiện cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng trong phạm vi thử nghiệm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép, không được thực hiện các hoạt động kinh doanh khác ngoài phạm vi như không được tự cung cấp biện pháp bảo đảm cho khoản vay của khách hàng, cung ứng giải pháp cho vay ngang hàng cho công ty cầm đồ hay tham gia với tư cách khách hàng…

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một khung pháp lý cụ thể cho P2P Lending. Các chuyên gia nhận định, những quy định nghiêm ngặt về quản lý dư nợ, minh bạch thông tin, tiêu chuẩn nhân sự và hạ tầng kỹ thuật sẽ đặt ra thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để các công ty Fintech vận hành chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Mô hình cho vay P2P Lending ra đời tại Anh vào năm 2005, sau đó nhanh chóng lan rộng ra các nước trên thế giới và phát triển mạnh mẽ. Mô hình P2P Lending cho phép kết nối trực tiếp giữa người có vốn nhàn rỗi và người cần vay thông qua nền tảng trực tuyến, loại bỏ trung gian tài chính truyền thống. 

Tại Việt Nam, P2P Lending xuất hiện từ năm 2016, nhưng do thiếu khung pháp lý rõ ràng, tiềm năng của mô hình này chưa được khai thác triệt để và phát triển thận trọng.

Trong số các đơn vị tiên phong tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn TIMA nổi bật với thành tựu gọi vốn thành công 3 triệu USD từ Quỹ Belt Road Capital Management, đưa định giá công ty lên gần 500 tỷ đồng. TIMA cũng đã ký kết hợp tác với các ngân hàng và công ty bảo hiểm để xây dựng hệ sinh thái kết nối tài chính, giúp tiền của nhà đầu tư sẽ được quản lý qua tài khoản ngân hàng đồng thời được bảo hiểm 100% khoản gốc và lãi bởi các công ty bảo hiểm.

Theo thông tin từ TIMA, Công ty đã xử lý hơn 8,2 triệu đơn vay, giải ngân trên 100 tỷ đồng, phục vụ gần 4,9 triệu người vay và thu hút hơn 46.000 nhà đầu tư. Mức lãi suất đầu tư qua TIMA đạt 19%/năm cho các khoản vay trực tuyến.

Một cái tên đáng chú ý khác là Công ty Cổ phần Tư vấn Kết nối Tài chính Việt Nam với sàn giao dịch VNVON, khi có hơn 10.000 nhà đầu tư và hàng trăm doanh nghiệp đã huy động vốn thành công trên nền tảng P2P.

Ngoài ra, thị trường này còn có Công ty Cổ phần Lendbiz hoạt động từ năm 2017. Bên cạnh đó là ứng dụng Validus được giới thiệu là thành lập bởi một công ty Fintech hàng đầu Đông Nam Á được đầu tư bởi Quỹ Vertex hoạt động tại 4 quốc gia bao gồm Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, đến nay đã giải ngân hơn 5 tỷ SGD (khoảng 92.500 tỷ đồng) cho hơn 120.000 khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ.

Theo giới thiệu tại website của các công ty và ứng dụng trên, các nền tảng trực tuyến P2P đều được xây dựng với công nghệ hiện đại, cùng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp để đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư và người vay vốn.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mô hình P2P Lending có sự biến tướng, hoạt động sai lệch bản chất, thậm chí có thể có nguy cơ về các hành vi tội phạm, bất hợp pháp như tín dụng đen, cho vay nặng lãi, rửa tiền hay mô hình tài chính đa cấp…

Chính vì thế, các chuyên gia đánh giá, việc đưa ra các nguyên tắc và quy định để thử nghiệm có kiểm soát với P2P Lending là bước đi cần thiết để quản lý một lĩnh vực giàu tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro.

Việc triển khai sandbox không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho các công ty Fintech đổi mới sáng tạo, mà còn bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và người vay, góp phần xây dựng một thị trường tài chính minh bạch, bền vững.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, với việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data), quá trình thẩm định tín dụng sẽ đảm bảo tính chính xác và hạn chế rủi ro.

 

Theo Nghị định số 94/2025/NĐ-CP, để được cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm cho vay ngang hàng, các công ty Fintech phải có biện pháp quản lý dư nợ tối đa của bên vay, báo cáo và khai thác thông tin tức thời với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) để đảm bảo tuân thủ giới hạn dư nợ.

Hơn nữa, công ty Fintech phải là doanh nghiệp Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài, không trong quá trình tái cấu trúc hay phá sản. Người đại diện pháp luật và tổng giám đốc phải là công dân Việt Nam, có bằng đại học các ngành kinh tế, luật, công nghệ thông tin, kinh nghiệm quản lý ít nhất 2 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, không vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến các hoạt động tài chính khác. Hệ thống công nghệ thông tin phải đặt tại Việt Nam, đảm bảo an toàn, liên tục, có hệ thống dự phòng và bảo mật dữ liệu cao.