Kịch bản kinh tế năm 2021 và một số giải pháp đặt ra
Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2020 và triển vọng 2021: Đổi mới để thích ứng" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với sự hỗ trợ từ Chương trình Aus4Reform (Australia) đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.
Theo đó, nếu như ở kịch bản thấp, mức tăng trưởng GDP có thể đạt được là 5,98% và ở kịch bản cao, mức tăng có thế nhỉnh lên 6,46%. Với những rủi ro và bất định khó lường, Việt Nam sẽ phải rất nỗ lực mới có thể đạt mức tăng trưởng cao này. Bài viết đã đưa ra kịch bản kinh tế thế giới năm 2021, đồng thời đề ra một số giải pháp để Việt Nam hoàn thành được mục tiêu phát triển kinh tế năm 2021.
1. Kịch bản kinh tế thế giới năm 2021
Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021, theo đó dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt mức 4% trong năm nay, khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc-xin ngừa Covid-19.
Tuy vậy, nếu tình hình diễn biến bất lợi, dịch bệnh tiếp tục gia tăng và việc triển khai vắc-xin bị trì hoãn, mức tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống 1,6%. Ngược lại, đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt gần 5% trong năm 2021 nếu thế giới kiểm soát đại dịch hiệu quả.
Theo WB, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm 4,3% trong năm 2020, dẫn tới việc hơn một nửa số quốc gia bị tụt hạng trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021. Năm 2021 được kỳ vọng có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu, tương tự thời kỳ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Chủ tịch WB Ð.Man-pát đánh giá, nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu vực dậy sau cuộc suy thoái sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Theo WB, GDP của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển sẽ tăng 5% trong năm 2021, sau khi giảm 2,6% năm 2020. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ phục hồi chậm và đối mặt nhiều thách thức, với mức tăng trưởng ước đạt 3,3% năm 2021, sau khi giảm 5,4% năm 2020. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế ở các khu vực sẽ không đồng đều và phần lớn chưa thể quay trở lại mức tăng trưởng như trước đại dịch cho tới năm 2022.
Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng sau đó đã phục hồi rất nhanh chóng để đạt mức tăng trưởng 2% trong năm 2020. Theo dự báo của WB, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ cải thiện lòng tin người tiêu dùng cũng như sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh. Chính phủ Trung Quốc đã có các biện pháp kích thích tài khóa hiệu quả.
Trong khi đó, cường quốc kinh tế khác là Mỹ hiện đang phải nỗ lực khôi phục vị thế, song song với việc khống chế đại dịch Covid-19. WB dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng 3,5% trong năm 2021, sau khi giảm 3,6% vào năm 2020. Các chuyên gia kinh tế Mỹ kỳ vọng, kinh tế Mỹ có thể trở lại mức trước đại dịch vào nửa cuối năm 2021, khi việc tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai rộng rãi.
Cũng theo báo cáo của WB, GDP của Nhật Bản được dự báo sẽ tăng 2,5% trong năm 2021, sau khi giảm tới 5,3% trong năm 2020. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ có nhiều động lực phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong nửa cuối năm 2021, như việc tăng tốc triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 và nỗ lực tổ chức Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích Tô-ki-ô theo đúng kế hoạch vào tháng 7/2021.
Một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, đã xử lý tốt dịch bệnh và tăng trưởng trở lại, hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Theo WB, trong năm 2021, GDP của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6,8%, sau khi là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương ở khu vực và trên thế giới năm 2020. Ngoài ra, châu Âu, nhất là các nước Bắc Âu, sẽ hồi phục đáng kể sau những thiệt hại kinh tế trong năm 2020, như tăng trưởng GDP, việc làm, sản xuất, tiêu dùng và đầu tư.
WB coi khả năng bùng phát đại dịch với biến thể mới của vi-rút gây Covid-19 là nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, nhất là ở các nước kém phát triển tại khu vực Mỹ la-tinh, châu Phi, Trung Ðông hay Trung Á. Bên cạnh đó, những khoản nợ chồng chất của một số quốc gia thu nhập thấp khiến các nước này càng ít có nguồn đầu tư cho chăm sóc sức khỏe người dân.
Theo Chủ tịch WB Ð.Man-pát, cần ưu tiên hàng đầu việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19, bảo đảm triển khai vắc-xin nhanh chóng và rộng rãi. Cùng với đó, chính phủ các nước cũng cần có sự đầu tư phù hợp để phục hồi phát triển kinh tế, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh giúp thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Năm 2021 được kỳ vọng là năm mà toàn thế giới cùng chung tay đoàn kết vượt qua thách thức, sau khi trải qua năm 2020 đầy khắc nghiệt, đau thương. Tốc độ phục hồi tăng trưởng toàn cầu sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai thành công các chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, tinh thần hợp tác và đồng thuận của các quốc gia.
2. Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2021
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,98%. Kịch bản 2 là tăng trưởng 6,46%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,23% trong kịch bản 1 và tăng 5,06% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,49 tỉ USD và 7,24 tỉ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 3,51% và 3,78%.
Hình 1: 2 kịch bản tăng trưởng của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Trong kịch bản 1, GDP của thế giới tăng 4,0% trong năm 2021. Mức giá của Mỹ tăng 1,924%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 12,6%. Giá dầu thô thế giới tăng 11,4%. Về phía Việt Nam, tỉ giá VND/USD của ngân hàng thương mại giảm 0,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13,0%. Tín dụng tăng 12,0%. Giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,5%.
Dân số tăng 1,08%/năm và việc làm tăng 0,86%. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết giữ nguyên so với năm 2020. Tỉ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 2% so với năm 2020. Giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 420.000 tỉ đồng.
Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 15%; giá dầu thô thế giới tăng 20%; tổng phương tiện thanh toán tăng 14%; tín dụng tăng 13%; vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5% và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 477,3 nghìn tỉ đồng
3. Giải pháp đặt ra cho năm 2021
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2021-2030). Dự báo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Xung đột thương mại gia tăng và những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khủng hoảng về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng, bất bình đẳng, nghèo đói và các vấn đề xã hội. Chính phủ đã trình Quốc hội mục tiêu GDP tăng khoảng 6% năm 2021 và GDP bình quân tăng khoảng 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025.
Trong bối cảnh đó, để hoàn thành được mục tiêu GDP đề ra, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:
Một là, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Chính phủ cần có những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó với đại dịch, các chính sách cần ưu tiên bảo vệ tính mạng và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. Đây là những điều kiện thiết yếu để bảo đảm kinh tế khu vực sẽ dần hồi phục một cách toàn diện và bền vững.
Hai là, cần có cơ chế, chính sách tài chính ưu đãi phù hợp với tình hình thực tế để tạo sức bật cho cả nền kinh tế, kích thích cả 3 động lực tăng trưởng chủ yếu (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội … Cụ thể, năm 2021 và thời gian đầu của giai đoạn 5 năm 2021-2025, thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ mở rộng phù hợp để kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, các ngành, lĩnh vực trọng yếu, thúc đẩy tăng trưởng, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Có giải pháp phù hợp vừa thúc đẩy xuất khẩu, vừa phát triển mạnh thị trường trong nước. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP và EVFTA.
Ba là, thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.
Bốn là, thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chi phối tới một phần ba nền kinh tế. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước trong lĩnh vực chế biến chế tạo có thể giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2020), Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025;
- Quỹ Tiền tệ quốc tế (2020), Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 11/2020;
- Nguyễn Minh Phong (2020), Triển vọng tích cực kinh tế Việt Nam 2020-2021, Nhân dân điện tử; https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/trien-vong-tich-cuc-kinh-te-viet-nam-2020-2021-621765/
- Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (2020), Báo cáo Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý IV/2020 và năm 2021.
(*) ThS. Phạm Thu Hương, Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp/tapchicongthuong.vn