Kịch bản nào cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2025?
Kết quả tăng trưởng kinh tế của nước ta được ghi nhận là tích cực trong quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2025. Vậy trong 6 tháng còn lại, cần xây dựng kịch bản tăng trưởng như thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%?

GDP 6 tháng cao nhất của sáu tháng đầu năm giai đoạn 2011-2025
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng của các nước. Bên cạnh đó, là sự gia tăng bất ổn về địa chính trị và xung đột quân sự lan rộng ở nhiều quốc gia; căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Thực tế này khiến nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 so với dự báo đưa ra trước đó. Tương tự, các dự báo tăng trưởng với hầu hết các quốc gia cũng được điều chỉnh giảm. Ngay với khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Philippines đạt 5,3%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với năm trước; Indonesia đạt 4,7%, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm; Thái Lan đạt 1,8%, thấp hơn 0,7 điểm phần trăm; riêng Việt Nam đạt 5,8%, thấp hơn 1,3 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, các nỗ lực phát triển kinh tế của nước ta vẫn được thúc đẩy mạnh mẽ và ghi nhận đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2025. Tính chung 6 tháng, GDP nước ta đã tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây được ghi nhận là mức cao nhất của sáu tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.
Về cơ cấu nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,96%; khu vực dịch vụ chiếm 43,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,36% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2024 là 11,49%; 37,0%; 42,98%; 8,53%).
Xét từ tăng trưởng ở các địa phương trước khi sáp nhập, quý II ghi nhận 13/63 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng trên 10%. Bao gồm: Bắc Giang (14,31%); Quảng Ngãi (14,30%); Nam Định (12%); Hải Dương (11,86%); Đà Nẵng (11,77%); Vĩnh Phúc (11,42%); Hải Phòng (11,23%); Hà Nam (11,19%); Quảng Ninh (10,89%); Tây Ninh (10,29%); Hậu Giang (10,2%); Phú Thọ (10,02%); An Giang (10,2%).
Tính chung 6 tháng đầu năm, có 10/63 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng trên 10%, bao gồm: Bắc Giang (14,01%); Quảng Ngãi (12,4%); Nam Định (11,84%); Đà Nẵng (11,7%); Hải Dương (11,59%); Hà Nam (11,09%); Hải Phòng (11,04%); Quảng Ninh (11,03%); Phú Thọ (10,33%); Vĩnh Phúc (10,07%).
Kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm
Các kết quả tăng trưởng kinh tế nước ta trong quý II và 6 tháng đầu năm được ghi nhận, đánh giá là khả quan trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Câu hỏi đặt ra lúc này là kịch bản tăng trưởng sẽ như thế nào trong 6 tháng tới để hướng tới mục tiêu đạt tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Thực tế là tại kỳ báo cáo kinh tế - xã hội quý I, sau khi có kết quả ước tính quý I và đánh giá các dư địa cho tăng trưởng các quý tiếp theo, Cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng mục tiêu 8%. Trong đó, quý I tăng 6,93%, quý II tăng 8,19%; 6 tháng đầu năm tăng 7,58%, quý III tăng 8,27%, quý IV tăng 8,46%.
Với việc 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 7,52%, xấp xỉ mục tiêu kịch bản tăng trưởng cập nhật ở quý I; kết quả này sẽ giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm 2025.
Theo Cục Thống kê, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 có thể cập nhật như sau: 6 tháng đầu năm tăng 7,52%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42%, cả năm tăng 8%; trong đó Quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%.
Tuy nhiên, để hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 8%, thực sự còn nhiều thách thức phía trước. Xung đột chính trị giữa các quốc gia, chính sách thuế đối ứng của Mỹ và một vài yếu tố khác nữa sẽ có thể tạo ra những "biến số" khó lường. Thực tế này đòi hỏi các nguồn động lực tăng trưởng phải tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, tiếp đà tăng trưởng đã đạt được trong 6 tháng đầu năm.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: trong xu thế kinh tế toàn cầu suy giảm tăng trưởng, chúng ta vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng từ 2 con số những năm tiếp theo.
Thủ tướng cũng đã nêu rõ yêu cầu cần tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, tăng tốc mạnh mẽ, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025.