Kiểm soát chặt chẽ kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đề xuất bổ sung quy định kinh doanh chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Ảnh: Quochoi.vn)
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Ảnh: Quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, chiều 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, so với luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 43 điều, trong đó: sửa đổi 40 điều, bổ sung 03 điều, bãi bỏ 04 điểm và 02 khoản. 

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo luật là sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề dược.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dự luật bổ sung một số quy định liên quan đến quyền phân phối thuốc của các cơ sở kinh doanh dược FIE, điều chỉnh quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc của doanh nghiệp này đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đồng thời bổ sung một số loại hình kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử và quyền, trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trên; bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí trong hoạt động về dược.

Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh đối với thuốc phải kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được phê duyệt tại Quyết định số 1661/QĐ-TTg. 

Mặt khác, bổ sung thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung, thu hồi chứng chỉ hành nghề dược đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc bổ sung này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhưng đề nghị làm rõ nội hàm “kinh doanh chuỗi nhà thuốc”, cụ thể hơn các quy định điều kiện thành lập, cách thức hoạt động, cơ chế quản lý để có căn cứ xem xét, bảo đảm tính khả thi và tính đồng thuận.

Đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, cần quy định cụ thể hơn về các loại thuốc được kinh doanh, các hình thức kinh doanh được thực hiện theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán để tạo sự minh bạch của quy định và bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Nếu quy định bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử thì chỉ nên áp dụng với thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về thương mại điện tử để bảo đảm phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, công tác chuẩn bị, xây dựng dự án Luật đã có bước tiến lớn về tư duy trong quản lý dược; dự luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc; quy mô sửa đổi nhiều. Đồng thời cho rằng, tuy mới thẩm tra sơ bộ nhưng ý kiến của Uỷ ban Xã hội rất sâu sắc, toàn diện.

Về vấn đề cụ thể, quan tâm đến việc dự luật bổ sung quy định về các hình thức, phương thức kinh doanh mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thuốc là một loại hàng hoá rất đặc biệt nên phải tìm điểm cân bằng giữa tạo thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh với bảo vệ sức khoẻ của người dân. 

“Thuốc là mặt hàng rất đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ người dân, do đó bán thuốc nói chung và bán thuốc qua phương thức thương mại điện tử phải được kiểm soát rất chặt, cần đánh giá tác động cụ thể” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo, Uỷ ban Xã hội phối hợp để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn với phương thức kinh doanh mới này.

Theo đó, đề nghị cân nhắc kỹ, trên cơ sở đánh giá lợi ích, rủi ro, hậu quả với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới với vấn đề này.

Đề cập đến việc dự thảo luật quy định các cơ sở bán lẻ dược được bán thuốc thuộc danh mục do Bộ Y tế quy định được bán theo phương thức thương mại điện tử phù hợp với phạm vi kinh doanh tại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: nếu một nhà thuốc nằm trong chuỗi nhà thuốc dùng chung một website thì người dân xác định nơi bán như thế nào? Ai bán? Bên cạnh đó, cần làm rõ doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ thuốc cho người dân khi xảy ra sự cố cụ thể thì xem xét, quy trách nhiệm như thế nào?.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ giữa cơ sở bán lẻ với chuỗi thì quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh như thế nào? “Thực tế hiện nay ở nước ta, hầu hết là cửa hàng kinh doanh bán lẻ, trong khi chuỗi thì rất ít. Do đó cần đánh giá tác động của chính sách cho chuỗi bán lẻ thuốc đối với những cơ sở bán lẻ kỹ hơn, nhất là phối hợp với VCCI và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét vấn đề bình đẳng, không phân biệt đối xử trong kinh doanh” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lưu ý vấn đề quan tâm nhất trong kinh doanh theo chuỗi là vấn đề pháp lý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ hơn quy trình, thủ tục, vấn đề trách nhiệm pháp lý như: Mở thêm một cơ sở bán lẻ trong chuỗi nhà thuốc thì theo thủ tục nào? Cơ sở nào được bán trực tiếp cho người mua hay tất cả các nhà thuốc trong chuỗi đều được bán qua thương mại điện tử? Nếu như chỉ có một số cơ sở được bán thì trách nhiệm của nhà thuốc đối với chất lượng và các vấn đề phát sinh đến quyền lợi khách hàng được giải quyết như thế nào?.

Tại phiên họp, các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý dược; quản lý giá thuốc…/.

Theo dangcongsan.vn