Kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý

PV.

Theo báo cáo tình hình kinh tế – tài chính tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, 2 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng tín dụng tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn cao hơn so với năm 2016 và các năm trước.

Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn: Internet
Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn: Internet

Lý giải về điều này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các năm gần đây không còn tình trạng tăng trưởng tín dụng âm trong những tháng đầu năm do các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng đều qua các tháng mà không còn tập trung vào những tháng cuối năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, song song với việc định hướng tăng trưởng tín dụng bền vững, kiểm soát nợ xấu hiệu quả.

Vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh hút vốn, các ngân hàng cũng không quên tập trung giải ngân cho các lĩnh vực ưu tiên, các doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, các dự án tốt.

Thực hiện theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, từ cuối năm 2017 đến nay, các ngân hàng liên tục dành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng vay vốn. Điển hình như, từ cuối tháng 12/2017 đến 31/3/2018, ngân hàng SHB triển khai chương trình cho vay dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi 8,5%/năm, hạn mức tín dụng cho vay lên đến 2.800 tỷ đồng dành cho gói vay trung và dài hạn, hạn mức 1.100 tỷ đồng cho gói vay ngắn hạn.

Đợt cuối tháng 12/2017, ngân hàng Sacombank đã dành 3.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bổ sung vốn sản xuất kinh doanh cho các đối tượng khách hàng này. Những hoạt động của ngân hàng Sacombank nằm trong chuỗi các chương trình trọng điểm, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường.

Đầu tháng 2/2018, thời gian cận Tết Nguyên đán 2018, ngân hàng Maritime Bank cũng đã triển khai “Ưu đãi vay kinh doanh Tết dành cho doanh nghiệp” hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và công nghiệp nhẹ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn kinh doanh, kéo dài đến đầu tháng 3/2018.

Qua chương trình, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất từ 8%/năm. Lãi suất duy trì cố định thời gian vay giúp khách hàng chủ động trong kế hoạch chi trả, không lo biến động về lãi suất. Hạn mức lên đến 96% tài sản đảm bảo và không vượt quá 70% doanh thu (của năm liền trước).

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Tính đến hết tháng 2/2018, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn do yếu tố mùa vụ vào dịp Tết Nguyên đán và nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70.000 tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm.