Kiểm soát vốn tín dụng “chảy” vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro

H. Anh

Nhằm hạn chế dòng vốn tín dụng “chảy” vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra các cảnh báo, hoàn thiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo TS. Hoàng Nguyên Khai - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2019, tín dụng chảy vào bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích sử dụng) chiếm hơn 19% tổng dư nợ nền kinh tế (tương đương khoảng 1,5 triệu tỷ đồng). Đây là con số rất đáng quan tâm và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các tổ chức tín dụng, cũng như cho thị trường bất động sản.

Nhằm hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng, ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thay thế Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014). Thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo đó, NHNN chính thức đưa lộ trình cụ thể về giảm tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn sau nhiều lần điều chỉnh. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ này giảm từ mức 60% hiện nay xuống còn 40%; Từ đầu tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021 giảm về 37%; từ đầu 2021 đến hết tháng 9/2022 giảm về 34%; Từ sau ngày 1/10/2022 trở đi về mức tối đa là 30%.

Ngoài quy định về giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN cũng đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT - NHNN ngày 04/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Theo đó, NHNN đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2021, tỷ lệ này là 70% và giảm còn 60% trong giai đoạn 1/1/2022 - 31/12/2022. Tiếp đó, từ 1/1 - 31/12/2023, tỷ lệ này là 50% và sau 1/1/2024 là 30%). Lộ trình này sẽ tạo điều kiện cho các công ty tài chính có thời gian tái cấu trúc danh mục cho vay, tránh ảnh hưởng đột ngột đến biên lãi ròng và lợi nhuận.