Khơi dòng vốn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 12/6/2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, theo khảo sát khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vì vậy, ngoài hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật, cần thiết phải triển khai đồng bộ các giải pháp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế
Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017. Triển khai Luật này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; ngành Ngân hàng cũng đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho DNNVV trong tiếp cận vốn tín dụng.
Theo đó, hệ thống ngân hàng đã có những định hướng mở hơn đối với DN, đặc biệt là DNNVV khi tiếp cận vốn vay. Số liệu tổng kết 4 năm triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - DN cho thấy, đã có gần 195 nghìn DN được tiếp cận vốn với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đạt 2,5 triệu tỷ đồng…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận vốn ngân hàng của DNNVV hiện nay vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân bắt nguồn cả từ ngân hàng và doanh DN. Về phía DN, khó khă lớn nhất hiện nay là thiếu tài sản thế chấp, thủ tục vay còn phức tạp. Về phía ngân hàng, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Ở nhiều bộ phận cho vay trực tiếp tại các ngân hàng còn thiếu quan tâm đến khách hàng là DNNVV, bởi do các “lực cản” sau:
Thứ nhất, hệ thống báo cáo tài chính của các DNNVV chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, nên gây khó khăn cho ngân hàng trong thẩm định thông tin khách hàng.
Thứ hai, đa số DNNVV không có đủ tài sản đảm bảo đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị đảm bảo tốt theo quy định.
Thứ ba, đối với các khách hàng DN siêu nhỏ, do đặc thù khách hàng buôn bán nhỏ lẻ và thiếu bài bản trong quản lý tài chính, nên ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ.
Thứ tư, các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV cũng chưa phát huy được vai trò cầu nối do gặp phải một số hạn chế, các quy định còn thiếu chi tiết và chặt chẽ; Hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương còn nhiều hạn chế; Các quy định hướng dẫn đối với hoạt động của Quỹ vẫn chưa được ban hành đầy đủ, nên việc hoạt động theo quy định mới (Luật Hỗ trợ DNNVV) triển khai chưa hiệu quả…
Những nguyên nhân trên làm dãn rộng thêm khoảng cách giữa DNNVV và ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng để phát triển sản xuất – kinh doanh.
Khơi dòng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để khơi thông dòng vốn tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, hỗ trợ DN phát triển, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Đối với hệ thống ngân hàng thương mại
- Chủ động nâng cấp hệ thống, đầu tư xây dựng nền tảng tài chính kỹ thuật số, sử dụng quy trình xử lý hệ thống tự động để nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ tài chính đến DNNVV.
- Tăng cường tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các lĩnh vực kinh doanh đặc thù của các DNNVV.
- Thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù, phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.
- Cải tiến, đơn giản hóa quy trình cho vay, yêu cầu thông tin cung cấp phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các DNNVV có thể dễ dàng nắm bắt và thực hiện.
- Tổ chức các diễn đàn/hội thảo để kết nối DNNVV và ngân hàng nhằm cung cấp thông tin và tư vấn cho DN về sản phẩm, thủ tục vay vốn.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Chủ động nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động, quản trị điều hành để đáp ứng các điều kiện vay vốn từ ngân hàng.
- Nâng cao chất lượng, trình độ quản trị DN, quản trị rủi ro và quản lý tài chính.
- Tích cực tham gia các hiệp hội DN để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với DNNVV của Chính phủ, Nhà nước cũng như các TCTD.
- Hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.