Kiểm tra chuyên ngành: 9 bất cập, 6 nhiệm vụ đặt ra

PV.

Trong thời gian qua, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, công tác này vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ…

Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại Cảng Đà Nẵng (ngày 14/1/2016)
Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại Cảng Đà Nẵng (ngày 14/1/2016)

9 bất cập, tồn tại

Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đã đáp ứng được yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Có được kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  cùng Tổ công tác của Chính phủ và sự chủ động, vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra chuyên ngành này vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục.

Những bất cập này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu ra tại buổi kiểm tra các bộ trong việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh vào tháng 5/2018:

Thứ nhất, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành cần phải tiếp tục cải thiện hơn. Hiện mới có 3 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên gồm: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.

Thứ hai, một số phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành còn mang tính chất hình thức để đạt được mục tiêu của Chính phủ; một số phương án cắt giảm, đơn giản hoá danh mục sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành chỉ mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất các hàng hoá, sản phẩm này vẫn được thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

Thứ ba, một số bộ chưa đề xuất phương án xử lý đối với hàng hoá chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ hoặc đối với hàng hoá chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị trong một bộ.

Thứ tư, theo phản ánh, nhiều lô hàng xuất khẩu thuỷ sản của một số doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh qua Cảng sân bay Tân Sơn Nhất bị ách tắc do hải quan cửa khẩu yêu cầu phải xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch mới được thông quan. Doanh nghiệp cho rằng điều này là “vô lý” bởi Luật Thú y 2015 và Thông tư 26/2016/TT- NN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ năm, còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cơ quan hải quan không có sự kết nối đối với cổng một cửa do cơ quan hải quan phụ trách, quá trình điều phối diễn ra thủ công, nhiều tình huống kê khai đã hoàn tất nhưng sau đó phát sinh một số vấn đề mà cơ quan hải quan cũng không cập nhật lên cổng nên doanh nghiệp phải làm lại từ đầu.

Thứ sáu, một số danh mục hàng hoá đã ban hành nhưng chưa có mã số HS. Cụ thể: Y tế: 01; Công Thương: 04.

Thứ bảy, còn một số nhóm hàng hoá phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Cụ thể: Y tế: 04; Tài nguyên và Môi trường: 18; Công thương: 01; Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 01.

Thứ tám, một số danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành các bộ phải ban hành nhưng chưa ban hành. Cụ thể: Y tế: 03; Công an: 03; Quốc phòng: 01; Công thương: 18; Giao thông vận tải: 04; Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 04.

Thứ chín, còn nhiều danh mục hàng hoá phải thực hiện nhiều thủ tục quản lý/kiểm tra chuyên ngành khi làm thủ tục hải quan

6 nhiệm vụ đặt ra

Để thực hiện giảm chi phí hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành và các mục tiêu khác tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, Nghị quyết 01-2018/NQ-CP của Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ như:       

Một, rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; chỉ thực hiện quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

Hai là, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu. 

Ba là, rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước theo đúng tiến độ.

Bốn, cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng loại bỏ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành; ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành (trường hợp không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải công bố chỉ tiêu, phương pháp kiểm tra); ban hành Danh mục hàng hóa chuyên ngành kèm mã số HS; điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; áp dụng quản lý rủi ro.

Năm là, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Sáu là, xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm áp dụng cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.