Đẩy mạnh Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại
Sáng ngày 24/7/2018, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về "Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899); Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban 1899; Đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành; Đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Các hiệp hội... và đại diện nhiều địa phương tại các điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, 02 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban 1899, các Bộ ngành, đặc biệt là ngành Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, như: Tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp lý; Đầu tư xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin kết nối các Bộ, ngành; Tuyên truyền, đào tạo… về NSW, ASW và các giải pháp tạo thuận lợi cho thương mại và giao lưu hàng hóa qua biên giới.
Từ cuối năm 2014, khi bắt đầu kết nối 05 thủ tục hành chính của 05 Bộ, ngành qua NSW, đến nay đã có 11 Bộ, ngành kết nối 53 thủ tục hành chính. Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Đến ngày 15/7/2018, Việt Nam đã nhận gần 33 nghìn và gửi đi trên 16 nghìn chứng nhận xuất xứ mẫu D tới 04 nước nêu trên.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, từ khoảng 82 nghìn mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan tại cửa khẩu năm 2015, đã cắt giảm xuống còn khoảng 78 nghìn mặt hàng đến hết quý I/2018. Một số Bộ, cơ quan đã bắt đầu đổi mới phương thức quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tỷ lệ tờ khai hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30% năm 2015 đã giảm xuống còn 19% vào cuối năm 2017.
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả triển khai và giải pháp thúc đẩy NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, một số Bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm triển khai NSW như sớm ban hành kế hoạch hành động, tích cực hoàn thiện cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo tại Hội nghị. |
Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đáp ứng được yêu cầu Chính phủ. Đến tháng 02/2018, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 81 văn bản (chiếm 93%) về quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg. Các Bộ quản lý chuyên ngành đã rà soát, cắt giảm các mặt hàng chồng chéo, cùng lúc chịu nhiều hình thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan.
Việc triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại đã bước đầu mang lại hiệu quả, được các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai NSW, cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chuyên ngành.
Những nỗ lực triển khai NSW, ASW và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành thời gian qua đã giúp giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường quốc tế, đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Thúc đẩy triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại trong triển khai NSW, ASW và cải cách kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện. Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua NSW.
Đồng thời, trong năm 2018 và các năm tiếp theo, tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm số lô hàng nhập khẩu (tính theo tờ khai hải quan) thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu còn dưới 10%. Đến năm 2019, tất cả các lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí kiểm tra.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Tài chính đã đề ra nhiều nhóm giải pháp trọng tâm cần thực hiện như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin; Xây dựng và triển khai đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới; Thiết lập cơ chế giám sát, báo cáo và đánh giá độc lập; Cắt giảm, đơn giản hóa Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; Xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong triển khai NSW, ASW và cải cách kiểm tra chuyên ngành. Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện cơ chế cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); Đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD.
Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; Tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).