6 tháng đầu năm 2022:
Kiến nghị xử lý tài chính trên 21.190 tỷ đồng qua công tác thanh tra tài chính
Sáng nay, ngày 5/7/2022, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 28.350 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 21.192,6 tỷ đồng...
Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện kịp thời, hiệu quả
Ngay từ những tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính đã tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị...
Báo cáo tại Hội nghị sơ kết, ông Vũ Hồng Hải – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 28.350 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 438.563 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 21.192,6 tỷ đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 5.650 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính 13.998,6 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.543,8 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp 4.124,4 tỷ đồng; đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách...
Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Vũ Hồng Hải, có được những kết quả trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao. Nhờ đó, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao; các kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.
Tại Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cũng thông tin thêm, ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch, Thanh tra Bộ còn thực hiện 11 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo (Kiểm tra 07 đơn vị thuộc Bộ Tài chính về việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch COVID-19; Kiểm tra 03 cơ sở nhà, đất tại TP. Hồ Chí Minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị tại Tổng cục Hải quan từ năm 2015 đến nay, theo chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính)...
Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và Chính phủ. Thanh tra Bộ, các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành và các đoàn thanh tra, kiểm tra đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đầy đủ quy chế giám sát hoạt động Đoàn thanh tra; Tổ giám sát đoàn thanh tra hoạt động đúng quy định, có hiệu quả, giúp cho việc chấp hành các quy định, quy trình, quy chế đoàn thanh tra được nâng cao; kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ được tăng cường; Không sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.
Các đoàn thanh tra chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục; đảm bảo thời gian và kế hoạch được duyệt; thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra đều chấp hành nghiêm kỷ luật và quy chế. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý nghiêm theo quy định các sai phạm trong công tác quản lý tài chính - ngân sách; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với các ngành, lĩnh vực...
Tại Hội nghị sơ kết, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cũng đã có những đánh giá về kết quả công tác thanh tra, kiểm tra 6 tháng đầu năm, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trong những tháng cuối năm.
Ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 26.910 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 33,64% kế hoạch và bằng 77,15% so với cùng kỳ; kiểm tra được 437.747 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế bằng 93,9% so với cùng kỳ. Theo Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng, đạt được kết quả trên là nhờ sự tham gia phối hợp, hỗ trợ tích cực của Thanh tra Bộ Tài chính, do đó, Tổng cục Thuế đã nâng cao năng lực thanh tra kiểm tra, xử lý sau thanh tra, từ đó nâng cao tính tự giác của người nộp thuế, chống gian lận thuế...
Trong khi đó, ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng khẳng định, được sự chỉ đạo, hỗ trợ từ phía Thanh tra Bộ, đơn vị đã thực hiện được 45 cuộc thanh tra chuyên ngành và 44 cuộc kiểm tra nội bộ. Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, cơ quan hải quan đã lựa chọn các lĩnh vực có rủi ro cao để tiến hành thanh tra, kiểm tra. Việc lựa chọn này là cơ sở để điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp thực tiễn, đồng thời, giảm bớt những ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Toàn ngành Hải quan cũng đã thực hiện 1.188 cuộc kiểm tra sau thông quan, trong đó có 372 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 816 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Kết quả kiến nghị xử lý hành chính 218,8 tỷ đồng, trong đó: số tiền ấn định thuế 172,3 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính là 46,4 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị đã nộp vào ngân sách nhà nước là 153,9 tỷ đồng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng đưa ra những kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra ngành trong những tháng cuối năm. Cụ thể, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan đề nghị Thanh tra Bộ sẽ tiến hành tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là việc tập huấn, trao đổi về những văn bản mới, hướng dẫn mới, qua đó giúp các đơn vị thanh tra chuyên ngành triển khai thống nhất, đồng bộ.
Về phía Tổng cục Dự trữ Nhà nước, ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng Cục Dự trữ Nhà nước) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai được 87 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại để các đơn vị hoàn thiện tốt hơn công tác quản lý hàng dự trữ theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hệ thống dự trữ nhà nước.
Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong 6 tháng đầu năm
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, cũng như các cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 150 lượt với 257 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Qua công tác tiếp công dân đã xem xét, hướng dẫn, giải quyết là 134 vụ việc. Trong đó, cơ quan Bộ Tài chính đã tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 14 lượt (khoảng 110 người). Tổng số đơn tiếp nhận 2.728 đơn; số đơn đủ điều kiện xử lý 2.005 đơn, số vụ việc đủ điều kiện xử lý 1.680 vụ việc...
Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết: “Thanh tra Bộ duy trì, thực hiện tốt hoạt động của điện thoại đường dây nóng, hòm thư điện tử và bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc, phản ánh, tố cáo của người dân và đơn vị, tổ chức; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát đơn thư tại các đơn vị trực thuộc; rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu kiện kéo dài.”
Phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính
Phát biểu về phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, ông Trần Huy Trường – Chánh Thanh tra Bộ Tài chính bày tỏ sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn cơ quan tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 đã được phê duyệt; thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho phù hợp với tình hình thực tế và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thành các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ; Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của Lãnh đạo Bộ. Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính cũng sẽ nỗ lực thực hiện tốt cơ chế giám sát Đoàn Thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Trong nửa cuối năm 2022, Thanh tra Bộ Tài chính tăng cường tham mưu trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc để phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, nâng cao sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để chủ động cung cấp các thông tin phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2023 được kịp thời và đúng đối tượng.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, đơn vị sẽ chủ động rà soát, đề xuất xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế, bám sát định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ; gắn liền với nhiệm vụ, yêu cầu quản lý của Bộ, của Ngành tập trung vào đơn vị có rủi ro cao.
Để thực hiện thành công những phương hướng, nhiệm vụ đề ra, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường cũng nhấn mạnh, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra cần đặc biệt chú trọng. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra, kiểm tra tài chính trong sạch, vững mạnh, có tâm, có tầm, có khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng thanh tra góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Thanh tra Tài chính.