Kiên quyết chống buôn lậu, không vì lợi ích cục bộ địa phương
(Tài chính) "Các địa phương phải xử lý kiên quyết, không được vì lợi ích cục bộ của địa phương mà gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho lợi ích của đất nước”. Đây là yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc chống buôn lậu tại các địa phương.
Trong 2 ngày 30 – 31/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7 với nhiều nội dung quan trọng. Mặc dù tình hình 7 tháng còn nhiều khó khăn, song Thủ tướng khẳng định Chính phủ không điều chỉnh mà quyết tâm phấn đấu để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Sớm ban hành một loạt giải pháp về thuế để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN)
Để đạt được các chỉ tiêu này, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung chỉ đạo, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tăng dư nợ tín dụng, tái cơ cấu nền kinh tế, cải cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu DN Nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, trong đó có Tập đoàn Than - Khoáng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án nhanh chóng giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tăng dư nợ tín dụng nhằm góp phần tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Đặc biệt, tại Phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận, nhất trí sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN; trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm quyết định theo thẩm quyền đối với một số giải pháp như gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của DN, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với DN thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước đang chậm thanh toán; bổ sung quy định cho phép DN được trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi phúc lợi cho người lao động nếu có hóa đơn, chứng từ hợp lệ...
Đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới các giải pháp như bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN; bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ; bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng và một số giải pháp quan trọng khác.
Không vì lợi ích cục bộ địa phương
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có ý kiến chỉ đạo và kết luận về một số vấn đề mới đang được quan tâm như: đảm bảo an toàn cho hơn 1.500 lao động Việt Nam tại Libya; sớm ban hành Nghị quyết về mô hình và cơ chế, chính sách đổi mới cơ chế quản lý bệnh viện, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao; chấn chỉnh tình trạng các nhóm tội phạm bảo kê xe quá tải vượt trạm cân, khai thác cát trái phép…
Về tình trạng buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá qua biên giới gây thất thu thuế nghiêm trọng (ước tính hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm), Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải kiên quyết ngăn chặn, trong đó có việc xử lý nghiêm minh các đối tượng bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu. “Các địa phương phải xử lý kiên quyết, không được vì lợi ích cục bộ của địa phương mà gây thiệt hại cho nền kinh tế, cho lợi ích của đất nước” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Tại Phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận về một số dự án Luật. Đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các ý kiến nhất trí không quy định việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có ga không cồn; nhất trí tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu bia nhưng có lộ trình cụ thể, hợp lý.
Không đột phá, sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng
Tại buổi họp báo thường kỳ sau phiên họp, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng đại diện các Bộ, ngành đã cung cấp thêm nhiều thông tin về các vấn đề đang được quan tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, Chính phủ đã nhận định nếu duy trì tăng trưởng như hiện nay thì sự trì trệ chung của nền kinh tế vẫn chưa vượt qua được. Nếu không có đột biến trong chỉ đạo điều hành thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng là rất khó khi mà tổng cầu yếu, tăng trưởng tín dụng yếu.
Vì vậy, trong tháng 8 và thời gian tới, sẽ phải tập trung đẩy mạnh tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, cũng phải gắn liền với việc kiểm soát chặt chẽ để tránh những tiêu cực, như vụ việc tại Ngân hàng Xây dựng vừa qua.
Cắt giảm 75% thời gian làm thủ tục thuế, hải quan cho DN
Cung cấp thêm thông tin về các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN do Bộ Tài chính đề xuất, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 8 nhóm giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 15 nhóm giải pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Một nửa trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, mục tiêu đến hết năm 2015 thời gian kê khai thuế của DN là 171 giờ, thay vì trên 700 giờ như hiện nay và 872 giờ của năm 2012.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nêu ví dụ cụ thể về gỡ vướng mắc cho DN như điều chỉnh bất hợp lý trong việc kê khai thuế liên quan đến ngoại tệ, hay việc tạo thuận lợi cho DN nhập khẩu máy móc thiết bị. Hiện nay các DN đang nhập khẩu trên 30 tỷ USD máy móc thiết bị hàng năm. Theo Luật thuế GTGT, các DN sẽ phải nộp thuế GTGT ngay khi thông quan, sau đó làm thủ tục hoàn thuế, theo quy định là từ 60 – 95 ngày. Việc cải cách lần này sẽ cho phép DN được thông quan ngay, tạm chậm nộp tối đa 60 ngày để làm thủ tục hoàn ngay, giảm chi phí vốn cho DN. Chỉ riêng chi phí đó ước tính khoảng 1.700 – 1.800 tỷ đồng/năm, Thứ trưởng cho biết.
Trả lời về mức tồn ngân của Kho bạc Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 63,5% so với dự toán, chi ngân sách đạt 59%. Có việc tồn ngân này là do dự án đầu tư giải ngân chậm.
Qua quá trình giám sát giải ngân đã cho thấy nguyên nhân chính là giải phóng mặt bằng chậm. Cùng với đó là thủ tục hành chính trong xây dựng dự án, đấu thầu dù đã cải thiện song vẫn còn kéo dài so với yêu cầu cải cách. Một nguyên nhân nữa là sự việc giữa tháng 5 vừa qua cũng đã ảnh hưởng đến 14 – 15 dự án. Hiện nay, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp cùng các bộ, ban, ngành, địa phương để khắc phục nguyên nhân, đẩy nhanh giải ngân cho các dự án.