Kiến tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa


Các ngành công nghiệp văn hóa có triển vọng lớn. Đây là những ngành có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển, phù hợp với xu thế thời đại. Tuy nhiên, cần có cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, lấy những người làm trong ngành sáng tạo là trọng tâm.

Cần chính sách đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn: VG
Cần chính sách đột phá phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nguồn: VG

Chưa phát huy tiềm năng đúng mức

“Tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70 - 90%. Doanh thu phim Việt khoảng 18 - 33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50 - 70%. Tỷ lệ bán vé những năm gần đây của Việt Nam tăng 20 - 40%. Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam lọt vào nhóm đó thì tỷ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài?”.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD - công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video - đặt vấn đề tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sáng 22/12. Từ góc nhìn của một doanh nghiệp đã hoạt động 27 năm lĩnh vực này, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho biết, những người hoạt động trong ngành điện ảnh gặp nhiều khó khăn: nguồn vốn vay cho văn hóa khó tiếp cận; bảo hộ bản quyền còn nhiều thách thức; thủ tục hành chính rườm rà; chưa có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa…

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nêu thực tế một lĩnh vực khác. Theo thống kê của Statista, doanh thu quảng cáo của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN; dự kiến năm 2023 sẽ đạt khoảng 2,144 tỷ USD. Những con số trên cho thấy, quảng cáo Việt Nam có tiềm năng và dư địa rất lớn. Tuy vậy, hoạt động quảng cáo tại Việt Nam từ trước đến nay bị chi phối, ràng buộc bởi những yếu tố đặc thù về văn hóa, con người, các mối quan hệ xã hội, kinh tế… nên đứng trước rất nhiều thách thức về cơ sở pháp lý. Các luật, nghị định, văn bản pháp luật liên quan chưa có sự đồng nhất.

Lĩnh vực quảng cáo liên quan đến nhiều bộ, ngành, cần sự phối hợp đồng bộ nhưng thực tế chưa được như mong muốn… 

Về phía những người sáng tạo, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Nhiều tác phẩm văn học được chuyển ngữ, xuất bản ở nước ngoài tiêu thụ khá tốt, được chuyển thể kịch bản thành những bộ phim ăn khách. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Múa rối Thăng Long diễn kín lịch mỗi ngày phục vụ du khách trong và ngoài nước. Việt Nam cũng trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ, ban nhạc nổi tiếng thế giới… Nói vậy để thấy, sáng tạo sẽ trở thành tài sản hữu ích khi tham gia vào thị trường văn hóa. 

Tuy nhiên, theo TS. Đoàn Thanh Nô, còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế của lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa được phát huy đúng mức. Nâng cao giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật trong môi trường số hiện nay là một tất yếu khách quan để văn nghệ sĩ dấn thân vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhưng cũng có không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo vệ tác phẩm khỏi bị sao chép trái phép…

Cần chính sách vượt trội, đột phá

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa trên phạm vi toàn cầu đã và đang tạo nên khả năng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Khẳng định vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm góp ý: Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng việc tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là "khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng, có đủ nguồn lực để trang trải". Hiện nay, việc Nhà nước tham gia thị trường và mua dịch vụ công trong rất nhiều lĩnh vực có vướng về cơ chế xác định giá, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình thẩm định phức tạp. 

Xác định công nghiệp văn hóa là ngành mới, rất tiềm năng và sẽ đóng góp tỉ trọng rất lớn vào sự phát triển của thành phố, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, vấn đề trọng tâm là đầu tư phát triển nguồn nhân lực, các thiết chế văn hóa, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hóa; nghiên cứu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế… trong lĩnh vực này. Ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sau hội nghị này có những định hướng phát triển các ngành chủ lực của công nghiệp văn hóa tại các địa bàn trọng điểm, phân công, phối hợp và đầu tư có trọng tâm.

Về khung pháp lý, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, ông Phan Văn Mãi góp ý, nên lấy doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực sáng tạo làm trọng tâm. Bên cạnh chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế… nên chú ý các cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, phù hợp với ngành công nghiệp sáng tạo chứ không như các ngành công nghiệp truyền thống. "Nên có nghị quyết riêng của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp này".

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển, định vị bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương, hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, ban hành và triển khai hướng dẫn thực hiện khung tiêu chí, chỉ số đánh giá các ngành công nghiệp văn hóa nhằm thống nhất trong công tác thống kê đánh giá chất lượng, hiệu quả cũng như kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách để khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa đúng định hướng, phát huy được tinh thần đổi mới sáng tạo...

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn