Kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam: Vẫn lạc quan trong khủng hoảng

Nghi Thu

Trong khi số lượng ngân hàng “ra đi” ở Mỹ trong năm nay đã lên đến con số 17, lĩnh vực tài chính toàn cầu vẫn chưa hết lao đao thì theo tờ Thời báo Tài chính (Anh), kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam vẫn lạc quan và hấp dẫn.

Theo tờ báo này, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã thông báo đạt lợi nhuận cao trong năm 2008 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Điều đặc biệt nhất đó là những khó khăn chung của thế giới và trong nước lần lượt tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng, song phần lớn ngân hàng rất biết cách tạo ra thu nhập từ các lĩnh vực kinh doanh khác. Đây chính là hướng đi hợp lí đối với các ngân hàng nội trong bối cảnh hội nhập nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào phương cách kinh doanh truyền thống lâu nay là tín dụng.
 
Cụ thể, hai tháng đầu năm 2009, theo Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đã ước đạt 222,8 tỷ đồng. Sacombank đặt chỉ tiêu cả năm 2009 sẽ là 1.600 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 47% so với năm 2008, tổng tài sản đạt khoảng 97.000 tỷ đồng trong năm nay, tăng 44% so với cuối năm 2008; tổng nguồn vốn huy động đạt trên 85.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2008... Sacombank cũng dự kiến sẽ mở thêm 31 điểm giao dịch, trong đó có kế hoạch khai trương chi nhánh tại Campuchia vào tháng 6/2009 – chi nhánh ngân hàng Việt Nam đầu tiên tại nước này.
 
Ngoài ra, nắm bắt nhu cầu tham gia đầu tư trên sàn vàng tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng mạnh, trong tháng 3 này, Sacombank-SBJ sẽ có thêm 19 điểm giao dịch vàng tại các chi nhánh và phòng giao dịch của Sacombank thuộc khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ. Với số điểm giao dịch mới này, Sacombank-SBJ sẽ có tổng số 28 điểm giao dịch..., đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu trong cả nước về kinh doanh sàn vàng.
 
Lại nói về các lĩnh vực dịch vụ của ngân hàng, có thể nói kinh doanh sàn vàng hiện nay trở thành một nguồn thu quan trọng của nhiều ngân hàng nhất là ở những thời điểm thị trường vàng thế giới nổi “sóng” lớn như vào tháng 2 vừa rồi. Điển hình như trường hợp ngân hàng ACB mới đây đã công bố lãi lớn, một phần nhờ lợi nhuận từ kinh doanh sàn giao dịch vàng. Chính nguồn lợi nhuận này đã thay thế cho lĩnh vực khác trong tổng lợi nhuận ròng của ngân hàng. Nguồn phí thu từ sàn giao dịch vàng cũng tương đối ổn định, đủ để đảm bảo tính thanh khoản cho sàn vàng.
 
Việc kinh doanh trái phiếu cũng đã đem lại lợi nhuận “khổng lồ” cho ACB, dự tính không dưới 1.000 tỷ đồng. Mục tiêu của ACB là tăng thị phần tín dụng của mình lên mức 5%, và tăng tỷ lệ cho vay trên huy động từ 40% trong năm 2008 lên 50% trong năm 2009. Cũng trong năm nay, ACB dự kiến sẽ mở thêm 38 chi nhánh, phòng giao dịch mới... với mục tiêu lợi nhuận thu được chủ yếu từ hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng.
 
Thị phần hấp dẫn cũng khiến ngày càng nhiều ngân hàng ngoại đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Bất chấp khủng hoảng ông Marcus Agius, Chủ tịch Barclays - Tập đoàn ngân hàng lớn của nước Anh - nhấn mạnh: "Tôi mong muốn sớm nhìn thấy biểu tượng con đại bàng là logo của Barclays xuất hiện ở Việt Nam".
 
Được biết, ngân hàng này sẽ dành cho Việt Nam 4 gói sản phẩm mà Barclays đang dẫn đầu với tư cách là một ngân hàng toàn cầu bao gồm: thu xếp vốn cho chính phủ hoặc các tập đoàn lớn; cung cấp các dịch vụ để cải thiện bảng quyết toán công ty liên quan đên vấn đề ngoại hối cũng như là bảo toàn những cam kết trên thị trường; các sản phẩm đầu tư để có thể cải thiện nguồn lực của họ và nhờ đó cải thiện được chất lượng của bảng quyết toán, cân đối thu chi; cung cấp các dịch vụ liên quan đến vấn đề tư vấn, xếp hạng cũng như việc sáp nhập và mua lại...
 
Được biết, NHNN vừa cho phép 5 ngân hàng quốc tế chuyển đổi sự có mặt của chi nhánh thành các thực thể 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Mới đây nhất, Thống đốc NHNN đã cấp giấy phép số 48/GP-NHNN cho phép Ngân hàng Bangkok Bank Public Company Limited của Thái Lan mở chi nhánh tại Hà Nội, được phép thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn; hoạt động tín dụng; dịch vụ thanh toán và ngân quỹ; và các hoạt động khác, được quy định cụ thể trong giấy phép...

Điều này cho thấy, bất chấp khủng hoảng tiềm năng kinh doanh lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam vẫn rất lạc quan và hấp dẫn - đúng như nhận định của các chuyên gia kinh tế tài chính trên tờ Thời báo Tài chính của Anh.