Kinh nghiệm của Nhật Bản giải quyết bong bóng bất động sản
(Tài chính) Một đất nước có nền kinh tế lớn và mạnh như Nhật Bản, không ai, ngay cả những nhà lãnh đạo Nhật Bản lúc đó nghĩ rằng phải tới 15 năm mới giải quyết được hậu quả của việc bong bóng bất động sản bị vỡ đầu những năm 1990. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, có thể nghiên cứu giúp thị trường bất động sản Việt Nam ấm lên. Chuyên gia của JICA, Dự án hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Việt Nam Takashi Hara chia sẻ một số vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản.
Theo chuyên gia Takashi Hara, bong bóng bất động sản tại Nhật Bản được tích tụ từ năm 1980 và đỉnh điểm là năm 1990. Khi đó, nhà đầu tư đặt lòng tin vào thị trường bất động sản, cho rằng, giá sẽ tiếp tục tăng cùng với sự tăng giá mạnh của chứng khoán - giá cổ phiếu lúc đó tăng 200%. Tuy nhiên sau đó, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nhất là vào năm 1989. Còn đỉnh điểm của giá bất động sản là năm 1990. Các ngân hàng đổ vốn lớn cho các nhà đầu tư tích tụ bất động sản, và tài sản thế chấp lại chính bằng các bất động sản đó. Khi bong bóng vỡ, tất cả các ngân hàng đều bị ảnh hưởng. Giá trị thế chấp không đủ để bù đắp khoản cho vay dẫn đến nợ xấu tăng.
Ông Takashi Hara cho biết, trước khi bong bóng bất động sản bị vỡ, người dân cố gắng làm việc để có nhà, đó là giấc mơ và tương lai của họ. Nhưng khi bong bóng vỡ thì giấc mơ của họ cũng vỡ theo. Các nhà điều hành kinh tế nhận ra điều đó và đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, đã thắt chặt tài chính, hạn chế nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản. Khi đó, các ngân hàng cũng thu hẹp cho vay. Tình thế bên đi vay và bên cho vay đều khó khăn.
Vỡ bong bóng bất động sản đã kéo theo khó khăn lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Lúc đầu cũng có nhà kinh tế Nhật Bản và người dân cho rằng, kinh tế sẽ chỉ khó khăn tạm thời rồi sẽ hồi phục. Thế nhưng thực tế, Nhật Bản đã mất 15 năm để thoát khỏi khủng hoảng. Câu hỏi lớn là tại sao Nhật Bản lại mất quá nhiều thời gian để thoát khỏi khủng hoảng? Đó chính là bài học: cần chính sách nào, thời điểm nào, tốc độ nào để chuyển đổi được chính sách và xoay chuyển tình hình?
Thực tế, ngay cả khi bong bóng bất động sản vỡ, thì kinh tế Nhật Bản vẫn có cơ hội thoát khỏi vòng tuần hoàn xấu này. Năm 1996, nước này vẫn có GDP khá lớn. Song, kèm theo bong bóng bất động sản lại đổ vỡ bong bóng thị trường công nghệ thông tin. Những ngành công nghiệp mới phát triển ở Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đầu tư trẻ, mạo hiểm, phát triển mạnh và đổ vỡ. Lúc đó vẫn có sự sai lầm trong đưa ra các chính sách. Theo ông Takashi, Nhật Bản có thể thoát khỏi khủng hoảng sớm hơn nếu có chính sách hợp lý hơn và kịp thời hơn, trước khi xảy ra đổ vỡ bong bóng công nghệ thông tin giai đoạn 1999 – 2000. Có thể nói, lúc đó Nhật Bản mất cơ hội phục hồi, nợ xấu chồng chất.
Câu hỏi là tại sao lúc đó Nhật Bản lại không đưa ra được chính sách đúng đắn? Đó chính là tâm lý chủ quan của các bên tham gia thị trường. Bên cho vay nghĩ là nền kinh tế tự phục hồi, nền kinh tế chỉ hơi vỡ. Đó là quan điểm không đúng. Lúc đó các bên cho vay thấy tài sản cho vay, lĩnh vực kinh doanh đã được thẩm định chặt chẽ. Các ngân hàng đều tin tưởng tương lai giá trị tài sản thế chấp sẽ tăng, kinh tế sẽ phục hồi. Vì thế, các tiêu chí định giá tài sản không rõ ràng, các ngân hàng đã thẩm định tài sản chung chung. Điều đó khiến việc trích lập quỹ dự phòng không đủ, không thể can thiệp khi xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, một điểm quan trọng là nợ xấu không được thông tin đầy đủ, thiếu sự công khai. Trong khi đó, một trong những điểm yếu lúc đó của Nhật Bản chính là khâu giám sát, quản lý. Cuối những năm 80, cơ quan tài chính quản lý, giám sát ngân hàng, nhưng mô hình là bảo hộ, không cho phá sản, vì cho rằng gây hại đến nền kinh tế. Do đó, các ngân hàng không chuẩn bị cho sự phá sản.
Cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hệ thống ngân hàng cũng chưa đầy đủ, không rõ ràng. Khi xử lý nợ xấu, các nhà quản lý thấy cần sử dụng vốn công. Lúc đó người dân phản ứng rất mạnh, tại sao lại dùng thuế để xử lý và không đồng ý. Thông tin thiếu cũng gây ghi ngại cho người nước ngoài muốn mua nợ. Nhiều lần tiêu chí xác định các khoản nợ xấu được đưa ra, nhưng lại không phải là những con số chính xác. Lúc đó nhà đầu tư đòi hỏi Nhật Bản đưa ra các tiêu chí rõ ràng về phân loại nợ xấu.
Trong bối cảnh đó chính phủ Nhật Bản đã phải sửa đổi lại cơ chế giám sát tài chính. Nhật Bản đưa ra các tiêu chí chặt chẽ hơn, xây dựng các cuốn cẩm nang về kiểm tra, phương châm giám sát. Các tiêu chuẩn phân loại tài sản, định nghĩa nợ xấu được minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt, thông tin về nợ xấu đã được cung cấp đầy đủ, kịp thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Và đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản xác lập cơ chế cho phá sản ngân hàng. Trong đó hoàn thiện khung pháp lý, quốc hữu hóa có sử dụng vốn công; tăng cường vai trò của cơ quan bảo hiểm tiền gửi và cơ quan thu hồi xử lý nợ; khi tạo cơ chế cho phá sản thì đồng thời sử dụng nguồn vốn công để xử lý.
Những biện pháp đồng loạt đó đã giúp Nhật Bản thoát khỏi khủng hoảng sau 15 năm, kể từ khi vỡ bong bóng bất động sản năm 1990. Tuy nhiên theo ông Takashi, nói thì dễ còn thực tế thì, doanh nghiệp, ngân hàng và cơ quan chức năng rất vất vả. Và điều quan trọng là, nếu đưa ra chính sách kịp thời và chính xác hơn thì nền kinh tế Nhật Bản sẽ không mất đến 15 năm khủng hoảng.