Kinh nghiệm của Pháp trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Mặc dù, theo Báo cáo triển vọng toàn cầu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng kinh tế chậm sẽ đẩy Pháp ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, song Pháp vẫn là quốc gia hấp dẫn nhất đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài về lĩnh vực công nghiệp tại châu Âu - vị trí dẫn đầu mà nước này đã giữ trong hơn 20 năm. 2024 là năm thứ năm liên tiếp, Pháp giữ vững vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng sức hấp dẫn của châu Âu với 1.194 dự án. Bài viết này trao đổi về tiềm năng, thực trạng và bài học kinh nghiệm trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Pháp.
Tiềm năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Pháp
Pháp là một trong mười cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Bên cạnh việc đã ký kết các hiệp định đầu tư song phương với 115 quốc gia, Pháp có khá nhiều yếu tố vượt trội so với nhiều quốc gia khác để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như: Vị trí địa lý chiến lược ở trung tâm Tây Âu; Có một nền kinh tế phát triển; Có một ngành công nghiệp du lịch phát triển, cơ sở công nghiệp rộng lớn và năng lực sản xuất nông nghiệp mạnh mẽ; Lực lượng lao động lành nghề và năng suất cao (quốc gia thứ 2 ở châu Âu về năng suất theo giờ) và cơ cấu dân số năng động; Môi trường kinh doanh thân thiện với đầu tư và khuôn khổ pháp lý tương đối ổn định và minh bạch; Một nền kinh tế đa dạng với sự tham gia của nhiều đối tượng, từ các công ty đa quốc gia lớn đến các công ty khởi nghiệp công nghệ cao (Santander, 2024).
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng hàng đầu và các dịch vụ công chất lượng cao cũng là yếu tố hấp dẫn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Pháp. Nổi tiếng với cơ sở hạ tầng đặc biệt, Pháp có đường sắt tốc độ cao, nhiều cảng biển, mạng lưới đường bộ rộng lớn, hệ thống giao thông công cộng toàn diện và kết nối liên phương thức liền mạch. Phạm vi phủ sóng di động tốc độ cao rất rộng rãi, với 5G hiện có thể truy cập được ở nhiều khu vực đô thị lớn và vừa. Tất cả những yếu tố cơ sở hạ tầng này được kết nối, tích hợp và khai thác tối đa nhằm mang lại hiệu quả cho nền kinh tế của từng thành phố lẫn quốc gia.
Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Pháp
Theo Khảo sát sức hấp dẫn của Pháp năm 2024 của Hãng dịch vụ kiểm toán Ernst & Young Global Limited (2024), trong bối cảnh quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài hướng đến châu Âu đang suy giảm (giảm -23% tại Liên minh châu Âu theo dữ liệu năm 2024 của UNCTAD) trong vài năm trở lại đây, thì Pháp vẫn duy trì được niềm tin của nhà đầu tư.
Theo đó, 2024 là năm thứ năm liên tiếp, Pháp giữ vững vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng sức hấp dẫn của châu Âu với 1.194 dự án được xác định (Xếp sau Pháp là Vương quốc Anh với 985 dự án và Đức với 733 dự án). Theo BusinessFrance (2024), trong năm 2023, Pháp tiếp nhận đến 21% tổng vốn FDI vào khu vực châu Âu, so với 18,7% vào năm 2019. Mặc dù, số lượng dự án FDI được công bố tại châu Âu năm 2023 giảm (5.694 dự án, giảm 4% so với năm 2022) và khối lượng FDI vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch COVID-19 (6.653 dự án năm 2017), Pháp vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với số lượng áp đảo cả về mới đăng ký lẫn đang thực hiện.
Về lĩnh vực đầu tư, Pháp vẫn là quốc gia hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực công nghiệp tại châu Âu, với 530 dự án được ghi nhận và đây cũng là vị trí dẫn đầu mà nước này đã giữ trong hơn 20 năm. Nước này cũng đứng đầu châu Âu về số lượng nhà máy được xây dựng hoặc mở rộng và về số lượng việc làm được tạo ra tại các địa điểm sản xuất. Trong thời gian qua, Pháp đã áp dụng một chiến lược công nghiệp đầy tham vọng nhằm giúp nước này trở nên cạnh tranh và là điểm đến hấp dẫn cho các dự án công nghiệp. Bên cạnh đó, Pháp vẫn giữ vững danh hiệu nhà vô địch về đổi mới sáng tạo tại châu Âu với 123 dự án năm 2023 trong lĩnh vực R&D. Các nghiên cứu cho thấy, tầm nhìn rõ ràng, dài hơi và đầy tham vọng thông qua Kế hoạch “Pháp 2030” đóng vai trò là lợi thế so sánh thực sự trước sự cạnh tranh toàn cầu gia tăng. Đáng chú ý, Pháp là điểm đến hàng đầu tại châu Âu cho đầu tư nước ngoài vào trí tuệ nhân tạo (AI) – một lĩnh vực rất mới đầy tiềm năng, với 17 dự án được xác định vào năm 2023, vượt qua cả Vương quốc Anh (12 dự án) và Đức (9 dự án).
Về khu vực thu hút đầu tư, 5 vùng của Pháp, gồm Ile de France (khu vực Paris), Auvergne-Rhône-Alpes, Grand Est, Hauts de France và Occitanie nằm trong số 15 khu vực (vùng) hấp dẫn nhất ở châu Âu về số lượng dự án đầu tư nước ngoài. Điều này minh chứng cho khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài của các vùng của Pháp, không chỉ ở các thành phố lớn như nhiều quốc gia khác.
Về đối tượng đầu tư, hiện nay, Pháp cũng thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu đến đầu tư. Chẳng hạn, hãng Microsoft tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng một trung tâm dữ liệu mới ở miền đông nước Pháp, gần Mulhouse, trong khi các địa điểm ở khu vực Paris và Marseille sẽ được mở rộng. Hay như gã khổng lồ Amazon của Hoa Kỳ cam kết sẽ đầu tư 1,2 tỷ Euro vào các trung tâm dữ liệu cho doanh nghiệp đám mây của mình, đặc biệt là AI và vào các kho hậu cần, tạo ra hơn 3.000 việc làm cho các địa phương của Pháp. Hiện nay, còn rất nhiều dự án khác được công bố như: Dự án xây dựng nhà máy phân bón carbon thấp mới ở Somme (1,2 tỷ Euro); các dây chuyền sản xuất khoai tây chiên McCain French mới ở các vùng Pas-de-Calais và Marne (350 triệu Euro); Dự án nhà máy tinh luyện niken gần Bordeaux (300 triệu Euro); Các khoản đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm với sự xuất hiện của các tên tuổi hàng đầu như: Pfizer (500 triệu Euro), AstraZeneca (365 triệu Euro), GSK (140 triệu Euro)...
Theo khảo sát của Ernst & Young Global Limited (2024), 76% giám đốc điều hành được hỏi cho biết họ tự tin hơn về khả năng duy trì hoặc thậm chí tăng sức hấp dẫn của Pháp (so với 53% vào năm 2023). Sự gia tăng rõ ràng này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong nhận thức chung về Pháp như một điểm đến cho đầu tư và phát triển kinh tế. Nền kinh tế Pháp có vẻ hấp dẫn hơn trong mắt thế giới, từ đó khuyến khích nhiều đầu tư nước ngoài hơn lựa chọn Pháp dù vẫn có những cảnh báo về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế chậm sẽ đẩy Pháp ra khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới (Quỹ Tiền tệ Quốc tế, 2024). Các nhà đầu tư nước ngoài công nhận nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã định vị Pháp là một nước dẫn đầu châu Âu trong thu hút vốn FDI.
Khó khăn, rào cản
Theo Santander (2024), có một số trở ngại chính, ảnh hưởng đến việc thu hút FDI vào Pháp là: Mức thuế doanh nghiệp cao nhất thế giới; Chi phí lao động cao; Mức thuế và chế độ làm việc nặng nề; Tỷ lệ thất nghiệp cao (7,9% vào năm 2021, INSEE) đặc biệt ảnh hưởng đến người trẻ và người lao động lớn tuổi; Bất bình đẳng ngày càng tăng; Chi tiêu công cao thúc đẩy nợ công vốn đã đáng kể (112,3% GDP vào năm 2021, IMF); Mức độ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động để xuất khẩu hoặc đầu tư vào đổi mới thấp.
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào Pháp cũng phải công bố thông tin và thực hiện theo quy định rà soát, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý. Chẳng hạn, các khoản đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực chiến lược nhất định phải tuân theo quy trình rà soát trước khi đóng sổ bắt buộc. Quá trình đánh giá được xử lý bởi Cục Kiểm soát Đầu tư Nước ngoài tại Pháp (CIEF) thuộc Kho bạc Pháp dưới sự giám sát của Bộ Kinh tế. Những thay đổi quan trọng nhất về quy định kiểm tra này được quy định rõ tại Luật “PACTE” và Sắc lệnh “Le Maire” từ năm 2019/2020.
Ngoài ra, từ năm 2023, một số sửa đổi đối với chế độ hiện hành đã được đưa ra. Cụ thể, ngày 28/12/2023, Chính phủ Pháp đã ban hành Nghị định số 2023-1293 và một lệnh hành chính tương ứng, mở rộng phạm vi áp dụng của các quy tắc FDI của Pháp. Những thay đổi đáng chú ý bao gồm mở rộng phạm vi kiểm soát việc mua lại các “cơ sở thương mại” chưa hợp nhất tại Pháp do các công ty nước ngoài sở hữu, thiết lập ngưỡng kích hoạt quyền biểu quyết cố định 10% cho các nhà đầu tư không thuộc Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế không thuộc châu Âu tại các công ty đại chúng của Pháp. Theo quy định mới, việc mua lại các công ty hoặc công ty con có trụ sở tại Pháp tham gia vào các lĩnh vực quan trọng gắn liền với lợi ích quốc gia, trật tự công cộng, an ninh và quốc phòng, hoặc tham gia vào hoạt động R&D về các công nghệ quan trọng thì cần phải thông báo trước, phải được xem xét và phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Kinh tế.
Kinh nghiệm của Pháp trong thu hút vốn FDI
Bảng 1: Các lĩnh vực khuyến khích thu hút vốn FDI của Pháp |
|
Lĩnh vực chính |
Cụ thể |
Các ngành then chốt của nền kinh tế quốc dân |
Hàng không vũ trụ, ô tô, công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp thời trang và xa xỉ, công nghệ vi điện tử, hậu cần, thiết bị y tế |
Các ngành có tiềm năng cao |
Công nghệ sinh học, viễn thông, dịch vụ doanh nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường |
Chương trình tư nhân hóa |
Điện, khí đốt, vận tải đường sắt và dịch vụ bưu chính |
Đấu thầu, Dự án và Mua sắm công |
Mua sắm công Thông tin đấu thầu, Đấu thầu tại Pháp Thị trường công cộng và các dự án tại Pháp... |
Nguồn: Santander (2024) |
Có thể thấy, việc Pháp được công nhận là quốc gia hấp dẫn nhất châu Âu đối với đầu tư nước ngoài mà không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của nỗ lực các cải cách được thực hiện từ năm 2017 theo sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Pháp lúc đó. Trong những năm gần đây, Pháp đã tiến hành nhiều cải cách nổi bật như: Số lượng thủ tục hành chính để thành lập công ty nước ngoài đã được giảm bớt; Thiết lập chương trình tín dụng thuế 20 tỷ EUR (tín dụng thuế cạnh tranh), bãi bỏ thuế đoàn kết và tạo ra tín dụng thuế nghiên cứu và các ưu đãi cho các công ty đổi mới trẻ; Cải cách Luật Lao động tăng cường đào tạo nghề và tăng tính linh hoạt cho thị trường lao động; Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 33% xuống 25% vào năm 2022; Đánh thuế cạnh tranh đối với nghiên cứu và các thỏa thuận miễn trừ tạm thời cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp mới; Các công ty nước ngoài được hưởng các khoản trợ cấp giống như các công ty Pháp (hỗ trợ đầu tư sản xuất, R&D, đào tạo nghề, tạo việc làm...). Về thủ tục hành chính, kể từ ngày 1/10/2023, quy trình nộp hồ sơ đã tiếp tục được đơn giản hóa và chuẩn hóa, đồng thời một nền tảng điện tử mới đã được thiết lập, giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ.
Pháp là quốc gia rất năng động, sáng tạo trong việc tổ chức các chương trình, kế hoạch để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, với chủ đề của kỳ Olympic năm 2024 là “Pháp - Đất nước của những nhà vô địch”, Chính phủ cố gắng tạo ra thông điệp để thu hút sự quy tụ của các nhà vô địch về đầu tư. Bên cạnh đó, thông qua tổ chức sự kiện “Chọn nước Pháp” với sự tham gia của khoảng 180 giám đốc điều hành từ khắp nơi trên thế giới và khoảng 60 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Pháp tại Cung điện Versailles, Pháp đã thu hút được lượng vốn FDI đăng ký kỷ lục cam kết lên đến 15 tỷ Euro (Laurent Geslin, 2024). Chính phủ Pháp cũng luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ngoài, chẳng hạn cho tự do thực hiện đầu tư bất động sản tại Pháp, đồng thời, có thể mua quyền sở hữu vĩnh viễn hoặc thuê dài hạn, xây dựng cơ sở công nghiệp và thương mại hoặc mua thông qua một công ty bất động sản.
Tuy nhiên, tất cả các khoản đầu tư nước ngoài phải được kê khai và thông báo chi tiết với Ngân hàng Trung ương Pháp. Phần lớn các khoản đầu tư nước ngoài cũng phải được khai báo với Kho bạc Nhà nước – cơ quan có thể kiểm tra xem có cần phải xin phép trước hay không. Ngoài ra, cơ chế sàng lọc FDI dựa trên sự cho phép trước của Bộ trưởng Bộ Kinh tế với các thủ tục cụ thể được quy định tại Điều L151-3 của Bộ luật Tiền tệ và Tài chính Pháp. Sự cho phép trước của Bộ trưởng Bộ Kinh tế là bắt buộc đối với bất kỳ khoản đầu tư nước ngoài nào vào hoạt động liên quan đến “các ngành công nghiệp nhạy cảm” (ví dụ: năng lượng, cung cấp nước và y tế công cộng). Điều này cho thấy, dù với nhiều chính sách rộng mở, song Pháp vẫn cẩn trọng trong việc kiểm soát dòng vốn nhằm đảm bảo phát triển ổn định vĩ mô, không gây hại đến môi trường và mang đến hiệu quả thực cho nền kinh tế và người dân.
Tài liệu tham khảo:
- BusinessFrance (2024), France, European champion for economic attractiveness for the fifth consecutive year. https://www.welcometofrance.com/en/france-the-most-attractive-country-in-europe-for-foreign-investment;
- White & Case LLP (2024), Update on French FDI Screening Trends: Continuity and Stability. https://www.whitecase.com/insight-alert/update-french-fdi-screening-trends-continuity-and-stability;
- Laurent Geslin (2024), France attracts €15 billion in foreign investment during the ‘Choose France’ forum. https://www.euractiv.com/section/politics/news/france-attracts-e15-billion-in-foreign-investment-during-the-choose-france-forum/;
- Santander (2024). France: Foreign investment. https://santandertrade.com/en/portal/establish-overseas/france/foreign-investment.