Kinh nghiệm phát triển thị trường vốn của Hàn Quốc

ThS. TRƯƠNG THANH HÀ - Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính

Thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn Việt Nam nói riêng trong thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Hàn Quốc - quốc gia có thị trường tài chính phát triển mạnh trong thời gian gần đây, bài viết tập trung vào tình hình phát triển thị trường, các chính sách Hàn Quốc đã áp dụng và đưa ra bài học hữu ích cho Việt Nam trong việc phát triển thị trường vốn ổn định và bền vững.

TTCK Hàn Quốc ra đời và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1956. Nguồn: internet
TTCK Hàn Quốc ra đời và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1956. Nguồn: internet

Thực trạng thị trường tài chính Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu phát hành trái phiếu chính phủ vào năm 1949. Năm 1953, Hiệp hội các nhà giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KSDA) đã được tổ chức và vào năm 1956, Sàn Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KSE) đã được thành lập. Cũng từ năm này, thị trường vốn Hàn Quốc đã bắt đầu hình thành. Thị trường vốn Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng song song với sự phát triển của nền kinh tế.

Quá trình phát triển thị trường vốn của Hàn Quốc có thể chia thành 6 giai đoạn, gồm: (i) Giai đoạn đầu của hiện đại hóa (1953 - 1967); (ii) Phát triển thị trường vốn (1968 - 1978); (iii) Tự do hóa thị trường (1979 - 1985); (iv) Mở rộng thị trường vốn (1986 - 1995); (v) Khủng hoảng tài chính châu Á và các biện pháp cải cách (1996 - 2003); (vi) Tính cạnh tranh tăng cao của thị trường vốn (2004 - 2013).

Vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường tài chính Hàn Quốc đã tương đối ổn định, bất chấp những làn sóng tăng biến động của các thị trường tài chính ở nhiều nền kinh tế mới nổi giữa năm 2013. Tuy nhiên, nhiều rủi ro bên ngoài vẫn đe dọa lĩnh vực tài chính Hàn Quốc, chẳng hạn như nợ kéo dài của châu Âu và những bất ổn tài chính ở các thị trường mới nổi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm dần nới lỏng định lượng, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc...

Tỷ trọng tài sản tài chính và thị trường vốn so với GDP

Tỷ trọng tài sản tài chính so với GDP và quy mô thị trường vốn so với GDP của Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng trong năm 2014, tương ứng tăng 4,2 lần và 0,9 lần. Trong giai đoạn 2000-2014, giá trị tài sản tài chính và vốn hóa thị trường tăng tương ứng là 4,2 lần và 6,2 lần, trong khi đó GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2,5 lần.

Quy mô vốn thị trường Hàn Quốc

Thị trường vốn trong nước của Hàn Quốc đạt 2.792 nghìn tỷ Won tính đến cuối năm 2014, tăng gấp 14 lần so với năm 1994. Cũng trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán (TTCK) tăng quy mô xấp xỉ 9 lần, từ 151 nghìn tỷ Won lên 1.336 nghìn tỷ Won, trong khi đó thị trường trái phiếu tăng gấp 14 lần, từ mức 102 nghìn tỷ năm 1994 lên 1.456 nghìn tỷ Won.

Bảng 2 cho thấy, TTCK phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng lớn trong năm 2010, trong khi đó thị trường trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn vào năm 2002. Tuy nhiên, xu hướng gần đây cho thấy thị trường trái phiếu đang ngày càng mở rộng nhanh chóng so với TTCK. Năm 2014, thị trường trái phiếu chiếm 52% trong khi TTCK chỉ chiếm 48%.

TTCK Hàn Quốc ra đời và chính thức đi vào hoạt động vào năm 1956. Từ đó đến nay, TTCK Hàn Quốc đã trở thành một trong 10 TTCK lớn nhất thế giới. Quy mô vốn chứng khoán có xu hướng ngày càng tăng và đến năm 2014 đạt 1.336.766 tỷ Won. Đến tháng cuối năm 2014, tổng số công ty chứng khoán hoạt động tại Hàn Quốc là 58 công ty, tổng tài sản tăng từ 270,5 nghìn tỷ Won năm 2013 lên 313,5 nghìn tỷ Won.

Chính sách tài chính Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng

Để có được những thành công như hiện nay, Hàn Quốc đã thực hiện cải cách thị trường vốn mạnh mẽ thông qua việc: (i) Ban hành Luật các Thị trường vốn và Dịch vụ đầu tư tài chính (FSCMA) để hợp nhất các văn bản Luật điều chỉnh thị trường vào năm 2007, có hiệu lực năm 2009; (ii) Bảo hộ nhà đầu tư; (iii) Tăng cường giám sát thị trường vốn.

(i) Văn bản hợp nhất - Luật các Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư tài chính (FSCMA)

Tại thời điểm năm 2007, thị trường vốn của Hàn Quốc mất cân bằng nghiêm trọng, do chức năng môi giới tài chính kém phát triển. Sự tăng trưởng thiếu bền vững và hoàn thiện của ngành Tài chính trong thị trường vốn đã ngày càng làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giữa ngành đầu tư tài chính trực tiếp và gián tiếp. Thêm vào đó, hệ thống quản lý khác nhau đã tách rời kiểm soát các hoạt động chứng khoán, quyền chọn và kinh doanh quản lý tài sản đã tạo ra các rào cản cho sự cải tiến dịch vụ và sản phẩm.

Xuất phát từ bối cảnh này cùng với việc nghiên cứu và phân tích kinh nghiệm của các nước khác như Anh, Australia và Nhật Bản, trên cơ sở hệ thống luật pháp hiện có và đặc điểm thị trường, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật FSCMA năm 2007, có hiệu lực năm 2009, nhằm đẩy mạnh hơn nữa thị trường vốn của Hàn Quốc. Việc thông qua văn bản Luật này được coi là mang tính cách mạng của quá trình cải cách nhằm phát triển hơn nữa thị trường vốn của Hàn Quốc. Luật này là văn bản hợp nhất từ các đạo luật trước đó điều chỉnh thị trường vốn của Hàn Quốc nhằm nỗ lực tăng cường tính cạnh tranh và sự phát triển của thị trường tài chính, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư thông qua các biện pháp bảo hộ đầu tư mạnh mẽ hơn.

Luật FSCMA đã đưa ra định nghĩa toàn diện về “công cụ đầu tư tài chính”, mở rộng đáng kể phạm vi các công cụ tài chính mà các công ty tài chính nắm giữ. Ngoài ra, Luật quy định về “rủi ro đầu tư”. Theo đó, tất cả các công cụ tài chính được bán trên thị trường tài chính Hàn Quốc được phân loại là có cả những rủi ro tài chính, được biết như là sản phẩm đầu tư, hoặc không có rủi ro đầu tư như tiền gửi ngân hàng và các chính sách bảo hiểm có yếu tố bảo đảm. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường tài chính vì Luật đã bao hàm các công cụ đầu tư tài chính như các hợp đồng đầu tư và đầu tư gián tiếp không điển hình mà trước đó chưa được điều chỉnh bởi luật nên không có cơ chế bảo hộ nhà đầu tư.

Luật FSCMA cũng xác định chứng khoán vốn, chứng khoán nợ và tổng hợp các loại chứng khoán mới, như chứng khoán hợp đồng đầu tư và chứng khoán kết nối sản phẩm phái sinh. Các lĩnh vực kinh doanh đầu tư tài chính trước đây bị tách riêng rẽ như kinh doanh chứng khoán, kinh doanh quyền chọn tương lai, kinh doanh quản lý tài sản và kinh doanh tín thác nay đã được tổng hợp vào Luật FSCMA. Theo đó, kinh doanh đầu tư tài chính được phân loại gồm sáu lĩnh vực, gồm: giao dịch, môi giới, tư vấn đầu tư, đầu tư linh hoạt và đầu tư tín thác.

Nhờ có sự hoàn thiện trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến tài chính này, thị trường tài chính Hàn Quốc đã có những chuyển biến rõ rệt và theo hướng tích cực. Cụ thể, vốn hóa thị trường so với GDP ngày càng tăng và tăng mạnh nhất vào năm 2010, thời gian sau khi Luật FSCMA có hiệu lực. Tài sản tài chính trong nước do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ ngày càng tăng (dưới dạng cổ phiếu, quỹ đầu tư và trái phiếu). Năm 2014, tỷ lệ chứng khoán vốn và quỹ đầu tư chiếm 45,5% trong tổng số đầu tư nước ngoài đối với tài sản tài chính trong nước, trong khi đó trái phiếu chỉ chiếm 27,2%. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến chứng khoán vốn và quỹ đầu tư hơn so với các tài sản khác.

(ii) Bảo hộ nhà đầu tư

Điều 1 của FSCMA quy định “mục đích của Luật là nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy đổi mới tài chính và cạnh tranh công bằng trong thị trường vốn, bảo hộ nhà đầu tư, tăng cường sự phát triển kinh doanh đầu tư tài chính…”. Việc tài sản tài chính của nhà đầu tư lẻ bị tổ chức kinh doanh đầu tư tài chính đối xử không công bằng hoặc khi tổ chức đó sử dụng các thông tin sai lệch để khuyến nghị công cụ đầu tư tài chính không phù hợp với mục đích của nhà đầu tư thì niềm tin của nhà đầu tư ở thị trường vốn sẽ bị suy yếu. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định bảo hộ đầu tư là cần thiết, nó không chỉ để bảo vệ quyền của nhà đầu tư như người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường vốn.

Thực tế cho thấy, FSCMA đã tăng cường đáng kể các biện pháp bảo hộ đầu tư nhằm củng cố niềm tin đối với thị trường vốn Hàn Quốc. Cụ thể, Luật đã phân biệt giữa nhà đầu tư chuyên nghiệp với nhà đầu tư lẻ thông thường dựa trên các biến động rủi ro, phụ thuộc các yếu tố như tổng tài sản tài chính. Điều này tạo điều kiện tập trung hơn vào việc bảo hộ các nhà đầu tư lẻ (những người phải chịu nhiều ảnh hưởng rủi ro đầu tư). Để bảo vệ các nhà đầu tư lẻ, FSCMA quy định hạn chế các khuyến nghị đầu tư.

Theo đó, tại Điều 50 của Luật, Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) thiết lập các thủ tục tiêu chuẩn đối với các khuyến nghị đầu tư, cung cấp các hướng dẫn cụ thể về các khuyến nghị đầu tư cho khách hàng. Đối với các sản phẩm phái sinh hoặc sản phẩm tài chính rủi ro cao, FSCMA yêu cầu các công ty đầu tư tài chính đánh giá sự phù hợp của sản phẩm. Nếu sản phẩm không phù hợp để đầu tư, công ty phải thông báo cho các nhà đầu tư cá nhân về các rủi ro, thậm chí ngay cả trong trường hợp các nhà đầu tư tự quyết định mà không theo khuyến nghị của công ty.

Công ty tài chính phải thu thập các thông tin liên quan đến lịch sử đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả mục đích đầu tư, vốn và kinh nghiệm đầu tư thông qua tham vấn hoặc phỏng vấn trước khi đưa ra các khuyến nghị về các sản phẩm cụ thể. Trên cơ sở các thông tin thu thập được về một sản phẩm cụ thể, nếu công ty quyết định sản phẩm này không phù hợp để đầu tư thì công ty phải thông báo cho nhà đầu tư và có xác nhận của nhà đầu tư bằng chữ ký, chữ ký có đóng dấu hoặc thu âm.

(iii) Tăng cường giám sát thị trường vốn

Hệ thống giám sát tài chính của Hàn Quốc bị phân tán trong một thời gian dài, việc cấp phép và quyền phê duyệt, giám sát và điều tra được giao cho các cơ quan khác nhau. Đối với thị trường vốn, quyền cấp phép và phê duyệt các công ty chứng khoán thuộc về Bộ Tài chính và Kinh tế (MOFE), trong khi Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) và Ban Giám sát chứng khoán chịu trách nhiệm phê duyệt, đặt lệnh và điều tra.

Tuy nhiên, trước tình hình khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Chính phủ Hàn Quốc đã buộc phải cơ cấu lại hệ thống giám sát tài chính. Năm 2008, Ủy ban Dịch vụ tài chính mới (FSC) đã được thành lập, tiếp quản vai trò dự thảo các Luật từ Bộ Tài chính và Kinh tế Hàn Quốc và cơ quan quản lý cũ.

FSC hiện nay là một tổ chức hành chính trực thuộc Văn phòng Thủ tướng. Tuy nhiên, không giống các tổ chức Chính phủ khác vốn được thực hiện theo Luật Tổ chức Chính phủ, FSC thực hiện theo Luật Thành lập các Tổ chức Giám sát tài chính (AEFSO), Nghị định của Chủ tịch nước về FSC và các tổ chức liên kết và các Luật khác về giám sát tài chính. FSC phụ trách các vấn đề liên quan đến chính sách và thể chế tài chính, bao gồm điều tra và đưa ra các hạn chế các tổ chức tài chính, cấp phép các tổ chức tài chính mới, quản lý, giám sát và triển khai giám sát thị trường vốn, triển khai thực thi các quy định và sửa đổi chính sách và hệ thống tài chính.

Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và quyền chọn tương lai (SFC) hiện nay chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh doanh, hoạt động và quản lý của cơ quan giám sát tài chính. Việc thành lập FSC khẳng định một lần nữa Chính phủ Hàn Quốc thực hiện tái cơ cấu thị trường vốn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường.

Tài liệu tham khảo:

1. Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA), Thị trường vốn Hàn Quốc năm 2015, tháng 7/2015;

2. Hidetoshi, Mitsui, Tài chính trong thị trường vốn và đánh giá hệ số tín nhiệm ở Hàn Quốc (The Finance in the Capital Market and Credit Rating in Korea), 2008.