Thúc đẩy tăng trưởng – tâm điểm của G20 và APEC
Sau hai ngày nhóm họp tại thành phố Antalya (miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung, trong đó kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để đạt được sự tăng trưởng kinh tế cân bằng, vững mạnh, mang lại lợi ích cho các bên.
G20 thúc đẩy tăng trưởng cân bằng
Tuyên bố chung cho thấy các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí với những giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng di cư, thuế quan, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
Bên cạnh đó, những vấn đề kinh tế, tài chính khó khăn và cấp bách cũng được tập trung hơn cả. G20 tái khẳng định mục tiêu nâng GDP của toàn nhóm thêm 2% vào năm 2018, vốn đã được đặt ra cách đây một năm tại hội nghị thượng đỉnh ở Brisbane (Australia).
Hướng đến mục tiêu này, “một trong những ưu tiên hàng đầu của G20 sẽ là thực hiện một cách kịp thời và hiệu quả các chiến lược tăng trưởng, trong đó bao gồm các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu và tái cơ cấu”. Tuyên bố chung khẳng định các thành viên G20 sẽ cẩn trọng kiểm tra và trao đổi rõ ràng các quyết sách lớn về tiền tệ cũng như các vấn đề khác, qua đó giảm tính khó dự báo, giảm thiểu những tín hiệu tiêu cực và tăng cường sự minh bạch.
Lãnh đạo G20 nhấn mạnh vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như “xương sống” của hệ thống thương mại đa phương, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn cầu.
Bên cạnh đó, tuyên bố chung của G20 cũng đề cập tới các vấn đề cải cách hệ thống thuế quốc tế, cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thúc đẩy tạo việc làm, đầu tư, đẩy mạnh hợp tác xóa đói nghèo, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.
Các thành viên trong G20 cam kết sử dụng mọi công cụ chính sách để thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế còn yếu và không đồng đều trên thế giới. G20 đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu kém hơn mong đợi, bất chấp triển vọng tích cực tại một số nền kinh tế lớn. Nhu cầu yếu và các vấn đề trong cơ cấu vẫn là những nhân tố gây áp lực lên nhịp độ tăng trưởng hiện nay và tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Các nhà lãnh đạo G20 nhất trí đưa ra các quy định siết chặt luật thuế quốc tế hiện hành để giải quyết tình trạng trốn thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia, đồng thời nhấn mạnh các nước cần chung tay chia sẻ gánh nặng của cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra ở châu Âu. Ước tính, Liên minh châu Âu mỗi năm thất thu khoảng 1.000 tỷ euro từ nạn chuyển giá trốn thuế.
Ngoài những vấn đề về kinh tế, đáng chú ý là Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đã ra một tuyên bố riêng rẽ về vấn đề chống khủng bố, cam kết mang lại hòa bình cho Syria, diệt trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan.
Các nhà lãnh đạo G20 đã lên án loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) cũng như vụ đánh bom kép tại Ankara ngày 10/10 vừa qua là “sự xúc phạm không thể chấp nhận được đối với toàn bộ nhân loại”, đồng thời cam kết sẽ chia sẻ thông tin tình báo.
Bên cạnh đó, tuyên bố của hội nghị cũng hối thúc tất cả các quốc gia chia sẻ gánh nặng về cuộc khủng hoảng di cư hiện nay với dòng người ồ ạt đổ vào châu Âu, và cũng kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tiến trình thông qua chương trình cải tổ IMF.
APEC tăng cường đẩy mạnh tăng trưởng
Hội nghị cấp cao diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ngày 18/11 tại Manila của Philippines tập trung vào hợp tác kinh tế và phát triển một môi trường thuận lợi cho hợp tác và tăng trưởng của khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, hy vọng hội nghị lần này của APEC sẽ mang lại các kết quả có lợi để thúc đẩy hợp tác và tăng cường kết nối quốc tế giữa các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hơn 700 triệu người dân vẫn sống dưới mức thu nhập 1,25 USD/ngày. Đầu tháng Mười vừa qua, IMF đã hạ mức dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 3,1% năm 2015, từ mức ước tăng 3,3% đưa ra trước đó, nhấn mạnh những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Trước đó, phiên họp toàn thể của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 27 của APEC diễn ra ngày 17/11 tại Manila (Philippines), với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế của 21 nền kinh tế thành viên.
Các bộ trưởng đã tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác APEC để ứng phó với các thách thức trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng. Các Bộ trưởng nhấn mạnh APEC cần triển khai các chương trình, dự án cụ thể, cùng nhau hành động nhằm duy trì hoà bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển ở khu vực.
Trong đó APEC cần chú trọng tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, hợp tác nông nghiệp, môi trường, đô thị hóa, phát triển nguồn nhân lực, quan tâm hơn nữa đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như phụ nữ, thanh niên, người khuyết tật và người cao tuổi. Trong bối cảnh các vụ tấn công vừa xảy ra tại Paris, các bộ trưởng nhất trí APEC tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về chống khủng bố.
Là một trong những Bộ trưởng được mời phát biểu đầu tiên tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình thế giới và khu vực năm 2015 tiếp tục diễn biến phức tạp, song cộng đồng quốc tế và khu vực đang có thêm những động lực và niềm tin mới về xu thế hợp tác, liên kết và tăng trưởng bền vững.
Nổi bật là việc Liên hợp quốc nhất trí thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và nỗ lực hướng tới một thỏa thuận mới toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vào tháng 12/2015. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.