Kinh nghiệm phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ tại một số nước
Trước những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, một số quốc gia đã đưa ra các chính sách vĩ mô để kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong đó, giải pháp được cho là hữu hiệu nhất là việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Kinh nghiệm của một số nước về việc phối hợp điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là những bài học hữu ích cho các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách của Việt Nam tham khảo.
Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ tại một số quốc gia
Nhật Bản
Sự phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là yếu tố quan trọng để khôi phục sự ổn định của kinh tế nước này sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, tháng 01/2009, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua “CSTK trung và dài hạn - tổng quan về kinh tế và tài khóa trong vòng 10 năm tới”, nhằm tiếp tục khôi phục kinh tế và củng cố vị thế của nước này.
Cụ thể, về ngắn hạn, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản là tập trung vào khôi phục kinh tế trong vòng 3 năm (kể từ năm 2009). Các giải pháp để đạt mục tiêu này thông qua việc thực hiện các gói kích thích kinh tế, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do khủng hoảng tài chính thông qua 3 gói kích thích kinh tế trị giá 75.000 tỷ Yên, bao gồm việc giảm thuế, cấp một khoản tiền trợ cấp nhất định cho một số đối tượng, trợ cấp nhà ở và chi tiêu cho người thất nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, chương trình hỗ trợ việc làm...
Về trung và dài hạn, CSTK của Nhật Bản hướng tới mục tiêu tập trung thu ngân sách. Trong bối cảnh thu thuế giảm mạnh do khủng hoảng và suy giảm kinh tế, mục tiêu tập trung thu ngân sách của Chính phủ Nhật bản được đặc biệt chú trọng, để đạt được mức thặng dư ngân sách cơ bản vào năm 2011. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản cũng chú trọng cân đối giữa hai mục tiêu, đảm bảo phục hồi kinh tế trong ngắn hạn, song không trì hoãn mà sẽ thực hiện CSTK thắt chặt đúng thời điểm nhằm duy trì kỷ luật tài chính và đạt mức thặng dư ngân sách cơ bản.
Bên cạnh những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nền kinh tế Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi động đất và sóng thần hồi tháng tháng 03/2011. Thảm họa thiên tai này đã tàn phá, nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng của nước này và gây thiệt hại lớn về kinh tế đổi mới nước này. Để vực dậy nền kinh tế nước này sau thảm họa động đất, sóng thần, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định thông qua gói ngân sách bổ sung 778 tỷ Yên (tương đương với 6,58 tỷ USD).
Trong đó, 700 tỷ Yên (5,9 tỷ USD) được dùng để hỗ trợ tái thiết các DN bị ảnh hưởng bởi động đất, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại cũng như khắc phục thiệt hại đối với ngành Nông nghiệp; 78 tỷ Yên (0,6 tỷ USD) được chi vào việc giúp người dân tái thiết cuộc sống, xây dựng nhà tạm và các trung tâm sơ tán.
Tiếp đến, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 3.500 tỷ Yên (khoảng 29,6 tỷ USD) cho năm tài khóa 2015 (kết thúc vào cuối tháng 3/2016). Khoản ngân sách này được dùng để phục vụ cho việc trợ cấp người cao tuổi thu nhập thấp, hỗ trợ nông dân ứng phó với các tác động từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cùng với CSTK mở rộng, CSTT tiếp tục được Chính phủ Nhật Bản nới lỏng nhằm hỗ trợ cho các hoạt động tái thiết nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục giữ mức lãi suất thấp từ 0 - 0,1%, đồng thời cung cấp thanh khoản cho thị trường bằng các đợt “bơm” tiền liên tục sau thảm họa kép năm 2011. Với cam kết thúc đẩy phục hồi tài chính trong năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ mới ở mức 41.250 tỷ Yên, giảm 1.600 tỷ Yên so với tài khóa 2013, do doanh thu thuế giảm.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2016, BOJ đã quyết định áp dụng chính sách lãi suất âm lần đầu tiên. Theo đó, lãi suất hàng năm được áp dụng ở mức - 0,1% đối với một số tài khoản do các thể chế tài chính nắm giữ tại BOJ. Trong thời gian đầu, khoảng 10.000 tỷ Yên (tương đương 88 tỷ USD) áp dụng mức lãi suất -0,1%, chiếm khoảng 4% tổng số tiền trong các tài khoản ngân hàng. BOJ cũng cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng mức lãi suất - 0,1% đối với 210.000 tỷ Yên tiền gửi trong năm 2015 thông qua việc mua trái phiếu chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ.
Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc đang xây dựng kế hoạch cho gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 20.000 tỷ Won (tương đương khoảng 17 tỷ USD), nhằm hỗ trợ kích thích nền kinh tế phát triển và đối phó với hậu Brexit. Trong gói kích thích kinh tế này bao gồm cả việc bổ sung 10.000 tỷ Won vào ngân sách để hỗ trợ việc làm và các địa phương trong quá trình tái cấu trúc công ty. Quyết sách này được xem xét trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc đang phải đối mặt với những khó khăn về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu có xu hướng giảm.
Về điều hành CSTT, ngày 9/6/2016, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc thông báo giảm mức lãi suất cơ bản thấp từ mức 1,5% xuống 1,25%. Đây là lần đầu tiên giảm lãi suất cơ bản sau 11 tháng liên tiếp giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục tại nước này. Động thái trên được dự báo là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa. Ngày 11/8/2016, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,25% trong bối cảnh cơ quan chính sách của Hàn Quốc muốn đánh giá kỹ hơn về triển vọng của nền kinh tế của nước này.
Trung Quốc:
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra cho năm 2016 là từ 6,5 - 7%, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng CSTK và CSTT nới lỏng để tăng đầu tư và tạo đà cho tăng trưởng. Cụ thể, từ ngày 01/5/2016, Trung Quốc chính thức áp dụng chính sách thuế mới đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ và khuyến khích các DN đầu tư, nâng cấp công nghệ.
Theo đó, Trung Quốc đã áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các DN trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tài chính và dịch vụ tiêu dùng.Những DN sản xuất hiện đã áp dụng tính thuế GTGT sẽ được giảm thuế để có tiền đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chính sách tính thuế mới sẽ giúp DN nước này tiết kiệm được khoảng 500 tỷ NDT (tương đương 77 tỷ USD) trong năm 2016.
Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2017 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Singapore
Theo dự báo của Chính phủ Singapore, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt mức trong khoảng từ 1% - 3% trong năm 2016. Tuy nhiên, các nhà kinh tế khu vực tư nhân cho rằng, kinh tế nước này sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 1% trong năm 2016, giảm 1% so với mức tăng trưởng 2% năm 2015. Trong khi đó, có dự báo cho rằng kinh tế Singapore có thể rơi vào tình trạng suy thoái trong thời gian tới.
Do đó, Chính phủ Singapore đã phối hợp điều hành CSTK và CSTT linh hoạt, một mặt tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác nhằm đạt được mục tiêu an sinh xã hội. Chính phủ nước này đã thực hiện cơ chế thực hiện thu thuế thu nhập cá nhân với các nước trên thế giới, góp phần cải thiện nguồn thu bổ sung cho Chính phủ để thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội cũng như tạo ra sự bình đẳng trong xã hội. Cụ thể, Singapore đã tiến hành điều chỉnh tỷ lệ tính thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, người có thu nhập cao hơn sẽ phải đóng thuế nhiều hơn cho nhà nước (Bảng 1).
Trong điều hành CSTT, Ngân hàng Trung ương Singapore đã thông báo kịp thời nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với dự báo suy giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc. Theo đó, chính sách giữ mức tăng đồng nội tệ ở mức “vừa phải và dần dần” trước đây đang chuyển sang chính sách giữ cho tỷ giá của đồng đôla Singapore không thay đổi.
Vương quốc Anh
Trong 6 tháng đầu năm 2016, chỉ số PMI sản xuất của nước này có xu hướng giảm, từ mức 52,9 điểm xuống còn 49,4 và 50,1 điểm trong tháng 4 và tháng 5; chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm từ mức 0 điểm trong tháng 2 và tháng 3 xuống còn -3 và -1 điểm trong tháng 4 và tháng 5, điều này cho thấy nền kinh tế đang bị thu hẹp lại. Hơn nữa, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi khu vực châu Âu đã gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế và buộc nước Anh phải tiến hành thực hiện một số điều chỉnh về mặt chính sách.
Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ổn định và khuyến khích sản xuất trong nước, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tiếp tục có các biện pháp khác để hỗ trợ cho các DN và đơn vị sản xuất kinh doanh, như tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính thuế, hải quan, chống buôn lậu, chống chuyển giá…
Bên cạnh đó, Chính phủ Anh sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các công ty xăng dầu từ mức 20% hiện nay, xuống 10% nhằm thúc đẩy doanh thu của các DN này. Đối với CSTT, ngày 4/8/2016, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định hạ lãi suất từ mức 0,5% xuống mức 0,25%. Đây là mức lãi suất cơ bản thấp nhất kể từ năm 2009. Song song với đó, BOE còn thực hiện việc mua lại trái phiếu chính phủ Anh trị giá 60 tỷ Bảng Anh cùng với trái phiếu DN lên tới 10 tỷ Bảng Anh.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Anh là kịp thời với bối cảnh mới của nước này hậu Brexit. Với những điều chỉnh này, kinh tế Anh được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2016 với động lực chính là chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Theo Ngân hàng Thế giới (tháng 06/2016), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ đạt 2,0% và 2,1% trong năm 2016 và 2017.
Hàm ý cho Việt Nam
Năm 2016, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2017 là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước. Từ kinh nghiệm của các nước trên, bài viết đưa ra một số đề xuất để đạt được hiệu quả trong phối hợp CSTK và CSTT trong giai đoạn 2016-2017, cụ thể là:
Thứ nhất, duy trì mức lãi suất thấp để thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Hệ thống ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp áp dụng với các khoản vay tiêu dùng sẽ là yếu tố quan trọng để kích cầu tiêu dùng – yếu tố này sẽ tác động mạnh đến mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam nên xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, để gia tăng khoản vay của ngân hàng cho nền kinh tế.
Thứ hai, cũng giống như một số nước, Việt Nam đã thực hiện việc hỗ trợ cho các DN trong nước và khuyến khích DN nước ngoài đầu tư, mở rộng hoạt động, sản xuất kinh doanh thông qua hình thức giảm, giãn thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ổn định và khuyến khích sản xuất trong nước, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài thì Việt Nam cần tiếp tục có các biện pháp khác để hỗ trợ cho các DN và đơn vị sản xuất kinh doanh như tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính thuế, hải quan, chống buôn lậu, chống chuyển giá…
Thứ ba, trong vấn đề chi ngân sách nhà nước, Việt Nam nên thực hiện quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước làm sao thực hiện tiết kiệm một cách tối đa. Đồng thời, nên từng bước tinh giảm bộ máy biên chế và cơ quan quản lý công. Đây là hoạt động mà chúng ta đã bắt đầu triển khai thực hiện, tuy nhiên, trong thời gian tới cần có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để duy trì một mức ngân sách cân bằng và tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1. WB, tháng 6/2016, “Global Economic Prospects Divergences and Risks”;
2. IMF, tháng 7/2016, “World Economic Outlook (WEO), update: Too slow for too long”;
3. IMF, tháng 4/2016, “Fiscal Monitor: Acting now, Acting together”.