Kinh nghiệm quản lý nhà nước về quản trị tài chính tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Đỗ Anh Trường – Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Quản trị tài chính hợp lý, hiệu quả sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp bảo hiểm mà còn cho cả cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.Việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với quản trị tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là một yêu cầu tất yếu đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý nhà nước đối với hoạt động quả trị tại các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam.

Giới thiệu

Sau hơn 20 năm phát triển, thị trường bảo hiểm đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng. Tính đến cuối năm 2022, thị trường bảo hiểm có 81 doanh nghiệp và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ nước ngoài và 19 văn phòng đại diện của các DNBH, tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm tại Việt Nam. Doanh thu phí bảo hiểm giai đoạn 2018-2022 tăng trưởng bình quân 17,75%/năm, đạt 251.306 tỷ đồng vào năm 2022.

Thị trường bảo hiểm ngày càng đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, như: Góp phần thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng tích lũy tiết kiệm cho nền kinh tế; bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội; bảo vệ tài chính cho các nhà đầu tư; thúc đẩy hội nhập, hợp tác kinh tế quốc tế; góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ.

Trong hoạt động của DNBH, tài chính được ví như huyết mạch thì quản trị tài chính được xem là cách thức giúp huyết mạch của DNBH luôn được lưu thông. Quản trị tài chính giúp xác định mục tiêu, xây dựng chính sách, đưa ra các thủ tục, thực hiện các chương trình liên quan đến các hoạt động tài chính của một doanh nghiệp.

Hoạt động quản trị tài chính các DNBH nói chung và các DNBH phi nhân thọ nói riêng càng được quan tâm hơn khi Quốc hội thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 05/01/2023.

Theo đó, DNBH phi nhân thọ tại Việt Nam tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động; xây dựng chiến lược, quy trình, quy chế, thủ tục, cơ cấu tổ chức để thực hiện việc quản lý, giám sát hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật; chủ động phòng, ngừa và giảm thiểu rủi ro. Do vậy, công tác quản lý đối với quản trị tài chính DNBH phi nhân thọ cần được nghiên cứu, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Quy định về hoạt động quản lý, giám sát từ xa

Quy định của Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế

Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS) đã đưa ra 28 chuẩn mực quản lý, giám sát, trong đó có 04 chuẩn mực với nội dung liên quan đến công tác quản trị rủi ro tài chính của DNBH, gồm nguyên tắc số 05 về người quản trị điều hành, Nguyên tắc số 07 về quản trị doanh nghiệp, Nguyên tắc số 08 về quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ và Nguyên tắc số 16 về quản trị rủi ro doanh nghiệp cho mục đích về khả năng thanh toán.

IAIS có những nguyên tắc về việc giám sát các DNBH, trong đó, để đảm bảo việc quản lý, giám sát nhà nước được hiệu quả thì sẽ phụ thuộc vào các điều kiện như chính sách, khuôn khổ pháp lý cho công tác giám sát tài chính, cơ sở hạ tầng cho thị trường tài chính phát triển và hiệu quả (Nguyên tắc số 1).

IAIS cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm (CQQL), phải các mục tiêu giám sát cơ bản phải được xác định rõ ràng (Nguyên tắc số 2). Khi đó, Luật bảo hiểm cần thể hiện rõ quyền hạn, trách nhiệm của CQQL. Do được quy định trong luật nên chức năng và nhiệm vụ của CQQL không thể thay đổi. Các quy định tạo nên một khung pháp lý hay cơ sở khái niệm cho các tổ chức liên quan trong việc hoạch định và thực thi chính sách, xác định các tổ chức tài chính liên quan và bản chất mối quan hệ giữa các cơ quan.

IAIS quy định CQQL có đủ quyền hạn, cơ sở pháp lý và nguồn lực tài chính để thực hiện chức năng và quyền hạn của mình; Hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm thực hiện chức năng và quyền hạn của mình; Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ và bảo mật thông tin (Nguyên tắc số 3).

Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, CQQL là Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm Hoa Kỳ (NAIC). NAIC có chức năng quản lý các cơ quan quản lý bảo hiểm tại mỗi bang. DNBH hoạt động kinh doanh ở bang nào thì phải xin cấp phép từ cơ quan quản lý bảo hiểm tại bang đó.

NAIC cung cấp các công cụ đánh giá (Valuation tools) nhằm hướng dẫn CQQL tại từng bang trong việc đánh giá, giám sát hoạt động của DNBH. Hiện tại, hoạt động quản lý, giám sát từ xa đối với tình hình hoạt động của các DNBH tại Hoa Kỳ có thể được dựa vào đồng thời nhiều hệ thống, công cụ quản lý, giám sát, cụ thể như sau:

- Hệ thống chỉ tiêu cảnh báo sớm: Đây là các chỉ tiêu định lượng. Mỗi chỉ tiêu đều có biên độ giới hạn, cho phép CQQL phát hiện ngay các vấn đề bất thường trong hoạt động kinh doanh của DNBH dựa trên các báo cáo tài chính và báo cáo nghiệp vụ mà chưa cần phải phân tích sâu các thông tin có liên quan. Trường hợp DNBH có chỉ tiêu nằm ngoài biên độ giới hạn được coi là bất thường. Hệ thống này định hướng cho CQQL tập trung thời gian để phân tích trước đối với những DNBH có dấu hiệu bất thường.

- Hệ thống chỉ tiêu đánh giá CAMELS hoặc CARAMELS cho phép đánh giá DNBH dựa trên các tiêu chí cơ bản về vốn, tài sản, tái bảo hiểm, quản trị điều hành, khả năng thanh toán, kết quả hoạt động kinh doanh. Nguồn thông tin để đánh giá từng chỉ tiêu vừa dựa trên báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ của DNBH, vừa dựa trên các thông tin thu thập được trong quá trình quản lý, giám sát.

- Hệ thống đánh giá DNBH dựa trên cơ sở rủi ro cho phép đánh giá DNBH dựa trên các rủi ro cơ bản trong quá trình hoạt động kinh doanh của DNBH. CQQL sẽ đánh giá mức độ rủi ro của từng DNBH, từ đó áp dụng biện pháp quản lý phù hợp. Hệ thống này phù hợp với các quốc gia thực hiện quản lý, giám sát DNBH dựa trên cơ sở rủi ro.

- Các hệ thống đánh giá khác: NAIC sử dụng hệ thống FAST (Financial Analysis and Solvency Tracking system) để trợ giúp phát hiện và ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán của các DNBH lớn, hoặc hàng năm, các DNBH của Hoa Kỳ phải áp dụng mô hình phân tích tình huống (scenario analysis) và kiểm định luồng tiền (cash flow testing) để tự đánh giá tình hình hoạt động của DNBH, báo cáo cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, NAIC có quy định và triển khai thực hiện hệ thống hỗ trợ, hệ thống dữ liệu toàn thị trường phục vụ công tác quản lý, giám sát và công tác bồi thường của DNBH. Đây cũng là dữ liệu để NAIC và cơ quan quản lý bảo hiểm tại từng bang khai thác phục vụ công tác quản lý, giám sát từ xa và kiểm tra, thanh tra tại chỗ.

Kinh nghiệm Nhật Bản

Ở Nhật Bản, CQQL là một Cục trong Cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ tài chính JFSA (Japanese Financial Services Agency) được thành lập vào ngày 01/7/2000. JFSA chịu trách nhiệm quản lý dịch vụ tài chính, từ xây dựng hệ thống tài chính cho đến kiểm tra, giám sát các họat động tài chính. JFSA cơ quan độc lập trực thuộc Văn phòng Nội các, có chức năng quản lý, giám sát đối với các định chế tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.

Trước năm 2013, JFSA thực hiện trên nguyên tắc ban hành quy định pháp luật và thực hiện quản lý, giám sát trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật. Sau năm 2013, cơ quan này thực hiện kết hợp quản lý, giám sát trên cơ sở tuân thủ và trên cơ sở rủi ro đối với hoạt động của DNBH, trong đó có hoạt động quản trị tài chính. Tương tự Hoa Kỳ, JFSA cũng sử dụng hệ thống công cụ đánh giá như: Hệ thống báo cáo, hệ thống đánh giá cảnh báo sớm...

Kinh nghiệm Hồng Kông

CQQL của Hồng Kông là Văn phòng giám sát bảo hiểm (OCI), một cơ quan độc lập chuyên về giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Kể từ ngày 26/6/2017, Cơ quan quản lý bảo hiểm (IA), đã tiếp quản các chức năng từ OCI và trở thành một cơ quan quản lý độc lập, điều hành Pháp lệnh Bảo hiểm của Hồng Kông, điều chỉnh hoạt động của các DNBH và trung gian bảo hiểm (đại lý và môi giới) tại Hồng Kông.

Hiện tại, khuôn khổ quản lý, giám sát từ xa đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tại Hồng Kông được xây dựng trên các cấu phần chính: Tiếp cận giám sát trên cơ sở rủi ro (Risk-based supervisory approach - RSA); Quy trình đánh giá thanh tra, giám sát (Supervisory review process - SRP); Đánh giá an toàn vi mô (micro-prudential) và đánh giá an toàn vĩ mô (macro-prudential); Các chương trình kiểm tra sức chịu đựng (Stress testing programme). Hạt nhân của khuôn khổ này là hệ thống giám sát trên cơ sở rủi ro. Bên cạnh đó, đánh giá an toàn vĩ mô là công cụ giám sát từ xa định kỳ được lập 06 tháng/lần, tập trung vào nhận diện các loại hình rủi ro xuất hiện trên toàn thị trường; xem xét các xu hướng an toàn vi mô liên quan đến hoạt động của thị trường bảo hiểm, giám sát tình hình thực hiện các khung ổn định tài chính.

Quy định về hoạt động quản lý, giám sát tại chỗ

Kinh nghiệm Hoa Kỳ

NAIC ban hành các quy trình, hướng dẫn công tác thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, trên cơ sở các kiến nghị qua công tác quản lý, giám sát từ xa, kết quả tính toán/báo cáo thông qua hệ thống công cụ đánh giá, CQQL tại từng bang tiến hành thanh tra trên cơ sở rủi ro, từ đó đưa ra các khuyến cáo, trường hợp cần thiết mới tiến hành thanh tra tại chỗ theo đối tượng, nội dung cụ thể.

Kinh nghiệm Nhật Bản

JFSA ban hành các quy trình, hướng dẫn công tác thanh tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, trước năm 2013, Bộ phận thanh tra của FSA thực hiện thanh tra tại chỗ đối với khoảng 15-20 DNBH/năm, thanh tra trên cơ sở tuân thủ. Ưu điểm của phương pháp này là các DNBH đều tuân thủ phần lớn các quy định của pháp luật, tuy nhiên FSA sẽ không nắm được đầy đủ rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động của DNBH. Do đó, từ năm 2013, FSA quyết định thay đổi tư duy trong công tác thanh tra, giám sát. Cụ thể:

- Quy trình thanh tra trước 2013: JFSA tiến hành thanh tra tại chỗ trên cơ sở rà soát việc tuân thủ quy định pháp luật.

JFSA ban hành Quy trình thanh tra và Sổ tay công tác thanh tra, theo đó quy trình thanh tra sẽ được công bố rộng rãi đối với thị trường bảo hiểm. Quy trình thanh tra và sổ tay hướng dẫn công tác thanh tra được xây dựng dựa trên việc đối chiếu các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và bảo đảm các nguyên tắc thận trọng, minh bạch, tuân thủ và các hoạt động đều phải được ghi nhận bằng biên bản.

- Quy trình thanh tra kể từ năm 2013 đến nay, JFSA tiến hành thanh tra theo phương thức kết hợp giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ trên cơ sở rủi ro.

Điều 128 Luật kinh doanh bảo hiểm Nhật Bản có quy định về các loại báo cáo mà DNBH phải nộp trong quá trình hoạt động. Trên cơ sở các báo cáo này và hệ thống phần mềm phân tích, đánh giá trên cơ sở rủi ro, Bộ phận thanh tra bảo hiểm sẽ tiến hành đánh giá tình hình hoạt động của các DNBH. Trường hợp phát hiện có vấn đề, Bộ phận thanh tra sẽ có công văn yêu cầu DNBH cung cấp thêm tài liệu, số liệu bổ sung hoặc yêu cầu làm việc trực tiếp. Sau khi có thêm các thông tin bổ sung, trường hợp phát hiện có vấn đề nghiêm trọng thì sẽ ra Quyết định thanh tra tại chỗ.

Theo cách thức tiến hành thanh tra, giám sát mới này, FSA có thể sẽ lựa chọn một số DNBH có rủi ro tương tự nhau hoặc đang tồn tại các vấn đề nổi cộm giống nhau hoặc dựa vào các số liệu khiếu nại của khách hàng... để thanh tra cùng một chuyên đề.

Hồng Kông

OCI đã thí điểm áp dụng giảm số lần thanh tra thường kỳ và tập trung vào thanh tra chuyên đề. Một số DNBH có ý kiến với việc bị thanh tra đến 6-7 lần trong 01 năm, trong khi mỗi cuộc thanh tra kéo dài đến vài tuần và thanh tra viên đôi khi cần hàng tháng mới hoàn thiện được báo cáo thanh tra…

Nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên, OCI đã thực hiện một số phương án như: Giảm bớt tần suất thanh tra, kiểm tra; Cân bằng giữa thanh tra trên cơ sở rủi ro toàn diện với thanh tra chuyên đề dựa trên hồ sơ rủi ro của DNBH; Cân bằng cấp độ chi tiết của các cuộc thanh tra; Tận dụng nguồn báo cáo từ các tổ chức kiểm toán độc lập…

Việc quản lý, giám sát trên cơ sở quan sát hệ thống giám sát an toàn vĩ mô có tác dụng hỗ trợ giám sát từng DNBH qua việc tập trung vào các rủi ro mang tính hệ thống và cảnh báo sớm đối với các cú sốc hoặc áp lực, từ đó cả cơ quan quản lý và DNBH cùng đề ra biện pháp xử lý.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Về quản lý, giám sát từ xa

Có thể thấy CQQL của Hoa Kỳ, Hồng Kông, Singapore... đều đưa ra các quy định nhằm quản lý, giám sát hoạt động của DNBH vì mục tiêu tăng trưởng, an toàn, thận trọng và phù hợp chuẩn mực quốc tế.

CQQL về bảo hiểm thực hiện giám sát từ xa thông qua các báo cáo, hệ thống chỉ tiêu cảnh báo sớm, phân tích đánh giá, thông tin thu thập. Phần lớn các công cụ này có liên quan đến việc áp dụng mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro (RBC).

Hiện tại, Việt Nam chưa có các “công cụ” hay “hệ thống” để phục vụ công tác quản lý, giám sát như một số quốc gia nêu trên, ngoại trừ các báo cáo số liệu do DNBH nộp. CQQL cũng chưa ban hành các quy chế giám sát tài chính cụ thể để áp dụng cho cán bộ của cơ quan quản lý nói riêng và cho cả DNBH, khách hàng. Việt Nam cũng chưa áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro như phần lớn các nước phát triển và một số quốc gia trong khu vực.

Vì vậy, CQQL bảo hiểm Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá để tăng cường năng lực giám sát, phát hiện sớm các vấn đề bất ổn tại DNBH để có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đi cùng với các hệ thống chỉ tiêu này, cần có các chuyên gia phân tích tài chính, thống kê, tái bảo hiểm, đầu tư... và hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác kết nối, phân tích, đánh giá.

CQQL Việt Nam cần xây dựng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin; dữ liệu hóa các báo cáo, số liệu của thị trường; ban hành các quy chế quản lý giám sát hoặc Sổ tay giám sát dành riêng cho các cán bộ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm… Việc triển khai mô hình vốn trên cơ sở rủi ro là cần thiết và có một lộ trình nghiên cứu, thời gian áp dụng cụ thể.

Về quản lý, giám sát tại chỗ

Các CQQL bảo hiểm của các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore.. đều có quy định về thanh tra, kiểm tra thường xuyên/đột xuất đối với hoạt động của các DNBH; kiểm tra sau thanh tra. Việc quản lý giám sát tại chỗ được thực hiện thông qua việc sử dụng nhiều nguồn thông tin, trong đó có các thông tin phát hiện, tổng hợp từ công tác quản lý, giám sát.

Theo kinh nghiệm của các CQQL nêu trên, Việt Nam cần phải tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm về định phí bảo hiểm. Tại một số quốc gia, CQQL bảo hiểm được phép sử dụng dịch vụ thuê ngoài đối với các hoạt động về: Định phí bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán độc lập nhằm thực hiện soát xét số liệu, đánh giá hoạt động tài chính của DNBH (trong trường hợp cần thiết), từ đó, có cơ sở đưa ra đánh giá, nhận xét và các khuyến nghị về kết luận giám sát từ xa hay thanh tra, kiểm tra tại chỗ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2022), Luật kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 07/QĐ-TTg, Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030;
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2024