Bộ Tài chính:
Kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có nội dung liên quan đến phương pháp tính thuế theo tỷ lệ cho doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ. Về vấn đề này, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm ở một số nước.
Thuế ưu đãi ở mức thấp tại một số quốc gia
DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, khi chiếm tới 97%-99% trong tổng số DN và được xác định là “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, mức độ hỗ trợ DNNVV tập trung vào các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng hoặc miễn giảm thuế.
Cụ thể ở Thái Lan, thuế TNDN phổ thông là 20%, nhưng các DNNVV được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Theo đó, các DNNVV có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Bath trở xuống được miễn thuế, từ 300.001 - 3.000.000 Bath được áp dụng mức thuế suất 15% và trên 3.000.000 Bath áp dụng mức thuế suất phổ thông 20%.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2017, để thúc đẩy sự phát triển của DNNVV, Thái Lan thực hiện ưu đãi từ 1/1/2016 - 31/12/2016 miễn thuế hoàn toàn cho DNNVV; từ 1/1/2017 - 31/12/2017, DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Bath trở xuống, được miễn thuế; DN có thu nhập chịu thuế lớn hơn 300.000 Bath, được áp dụng thuế suất 10%.
Để được ưu đãi thuế, các DNNVV phải đáp ứng điều kiện: vốn góp tại thời điểm cuối của bất kỳ kỳ kế toán nào không vượt 5 triệu Bath; thu nhập từ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ của bất kỳ kỳ kế toán nào không vượt 30 triệu Bath; và DN được thành lập trước ngày 1/1/2016.
Trong khi đó tại Indonesia, hiện thuế TNDN phổ thông là 25%. Tuy nhiên, các DN có doanh thu nhỏ hơn 4,8 tỷ Rupi được áp dụng mức thuế suất 1% tính trên doanh thu năm; có doanh thu từ 4,8 tỷ Rupi đến 50 tỷ rupi được áp dụng mức thuế suất 12,5% đối với phần thu nhập chịu thuế tương ứng với mức doanh thu 4,8 tỷ Rupi (giảm 50% so với mức thuế suất phổ thông là 25%). Từ 1/7/2018, thuế suất thuế TNDN đối với DNNVV giảm từ 1% xuống còn 0,5% (tính trên doanh thu.
Tương tự, Singapore áp dụng thuế TNDN phổ thông hiện hành ở mức 17%, nhưng đối với các DNNVV, mức thuế suất áp dụng thấp hơn. Cụ thể, 0% đối với thu nhập tính thuế không quá 100.000 SGD; 8,5% đối với thu nhập tính thuế từ trên 100.000 SGD đến không quá 300.000 SGD; DN có thu nhập tính thuế vượt quá 300.000 SGD thì áp dụng mức thuế suất phổ thông là 17%.
Với Trung Quốc, từ 1/1/2019-31/12/2021, cho phép nới rộng tiêu chí về DN nhỏ và lợi nhuận để các DN được hưởng mức thuế ưu đãi hơn. Cụ thể đối với tiêu chí DN nhỏ, nếu như trước đây căn cứ vào mức có thu nhập tính thuế dưới 1 triệu NDT, thì nay là dưới 3 triệu NDT; số lao động dưới 300 người (cũ là dưới 80); tổng tài sản dưới 50 triệu NDT (cũ là dưới 10 triệu NDT).
Về thuế suất, trước đây mức thuế TNDN ưu đãi là 10% đối với DN có thu nhập chịu thuế hàng năm lên tới 1 triệu NDT, nhưng hiện nay, các DN đủ điều kiện sẽ chỉ phải nộp thuế ở mức 5% đối với 1 triệu NDT thu nhập tính thuế đầu tiên và 10% cho 2 triệu NDT thu nhập tính thuế tiếp theo.
Ngược lại, Hàn Quốc, Hà Lan, Brazin không có quy định về mức thuế TNDN phổ thông, cũng như mức thuế ưu đãi đối với DNNVV. Tuy nhiên, thuế TNDN được đánh lũy tiến với các mức thuế suất cao hơn áp dụng đối với phần thu nhập chịu thuế ở mức cao.
Theo đó, Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu Won chịu thuế đầu tiên, 20% đối với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu Won đến 20 tỷ Won, 22% đối với phần thu nhập chịu thuế trên 20 tỷ Won. Hà Lan áp dụng thuế suất 20% đối với 200.000 EUR thu nhập chịu thuế đầu tiên, 25% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 200.000 EUR.
Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ cho DN siêu nhỏ
Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, nhằm hỗ trợ DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn các nước áp dụng các phương thức xác định nghĩa vụ thuế đơn giản, bao gồm áp dụng thuế suất đơn nhất đối với doanh thu, hay thuế khoán.
Theo đó, đối với phương thức áp dụng một mức thuế suất đơn nhất tính trên tổng doanh thu của các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, từ 1/7/2013, tại Indonesia đối tượng nộp thuế là cá nhân và DN (ngoại trừ các DN có cơ sở trường trú vĩnh viễn) có tổng doanh thu dưới 4,8 tỷ Rp/năm phải chịu mức thuế suất là 1% trên tổng doanh thu hàng tháng.
Còn Pháp, mức thuế TNDN phổ thông là 33,33% cũng được áp dụng cho các loại hình DN nhỏ, tuy nhiên áp dụng trên một tỷ lệ nhất định của doanh thu. Cụ thể, đối với DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực bán hàng hóa có doanh thu thấp hơn 82.200 Euro/năm thì được miễn thuế GTGT và nộp thuế theo mức thuế suất thuế TNDN phổ thông trên 29% doanh thu hàng năm.
Đối với DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ có doanh thu thấp hơn 32.900 Euro được miễn thuế GTGT và nộp thuế theo mức thuế suất thuế TNDN phổ thông trên 50% doanh thu hàng năm.
Trong khi đó, tại Brazil, hình thức khoán theo chế độ thuế cá nhân vi mô chủ yếu áp dụng đối với các cá nhân tự làm chủ DN nhỏ, thuê tối đa một nhân viên và có doanh thu ít hơn 60 triệu BRL/năm. Theo đó, DN sẽ được miễn các loại thuế liên bang như thuế TNDN, nhưng sẽ phải trả thuế khoán hàng tháng, nhằm thực hiện công tác xã hội. Mức thuế khoán được quy định cụ thể: 40,4 RealBrazil (BRL)/tháng đối với thương mại và công nghiệp; 44,4 BRL/tháng đối với dịch vụ và 45,4 BRL/tháng thương mại và dịch vụ.
Ngoài ra, Brazil cũng áp dụng biểu thuế suất lũy tiến tính trên tiêu chí doanh thu của các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Các DN có tổng doanh thu tối đa đạt 3,6 tỷ BRL, có thể chọn áp dụng chế độ thuế đơn giản, với mức lũy tiến cho từng lĩnh vực. Ví dụ đối với lĩnh vực thương mại, thuế suất 4% đối với DN có doanh thu ít hơn 180.000 BRL; 11,61% với doanh thu đạt 3,4 - 3,6 triệu BRL. Đồng thời, các DN chỉ cần nộp một tờ khai thuế hàng năm, cũng như không cần phải giữ các sổ sách kế toán truyền thống, mà chỉ cần lưu giữ các báo cáo thuế theo quy định.
Riêng phương thức đơn giản hóa các yêu cầu liên quan đến việc nộp thuế (xét theo tiêu chí doanh thu), Đức không yêu cầu các DN nhỏ, siêu nhỏ giữ sổ sách kế toán cho mục đích thuế nếu có doanh thu dưới 500.000 Euro/năm.
Còn ở Ấn Độ, chỉ DN có thu nhập vượt quá 120.000 INR, hoặc trong bất kỳ năm nào của 3 năm liền kề trước đó, DN có thu nhập vượt quá 1 triệu INR, thì mới phải duy trì sổ sách kế toán.
Tại Chi Lê, mặc dù DNVVN không cần phải giữ các báo cáo cân đối kế toán, tồn kho, khấu hao tài sản hoặc các thông tin về lợi nhuận chịu thuế, song phải giữ các hồ sơ đăng ký tiền mặt theo thời gian và sổ cái về giao dịch mua bán.