Kinh nghiệm quốc tế về quản lý, giám sát thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách so với thị trường tín dụng. Trong giai đoạn 2020 - 2022, TTCK Việt Nam là thị trường biến động mạnh nhất thế giới khi tăng trưởng kỷ lục và cũng giảm mạnh tương ứng trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến tháng 10/2022. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác quản lý, giám sát thị trường trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững.
Kinh nghiệm quản lý, giám sát thị trường chứng khoán của một số nước
Hoàn thiện quy định về quản lý, giám sát thị trường
Tại Hàn Quốc: Chính phủ nước này đã có thay đổi mang tính bước ngoặt về hoạt động giám sát thị trường vốn. Năm 1998, với các quy định tại Luật Cải cách ngành Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính (FSC - Financial Supervisory Commission) được thành lập. Luật này đưa ra quy định áp dụng hệ thống giám sát hợp nhất, đặt trách nhiệm giám sát TTCK thuộc thẩm quyền quản lý của FSC.
Điều này đã giảm sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát đảm bảo tính thống nhất và kịp thời. FSC thuộc quyền quản lý của Chính phủ để đảm bảo tính trung lập.
Đến năm 1999, tất cả các cơ quan điều hành, giám sát riêng biệt đã được hợp nhất thành tổ chức duy nhất là Dịch vụ giám sát tài chính (FSS – Financial Supervisory Service), là tổ chức điều hành của FSC, hiện đang giám sát toàn bộ ngành Tài chính gồm: Ngân hàng, TTCK và bảo hiểm.
Về hoạt động, FSC là tổ chức hành chính trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, thực hiện theo Luật Thành lập các Tổ chức Giám sát tài chính (AEFSO), FSC phụ trách các vấn đề liên quan đến chính sách và thể chế tài chính, bao gồm điều tra và đưa ra các hạn chế các tổ chức tài chính, cấp phép các tổ chức tài chính mới, quản lý, giám sát và triển khai giám sát thị trường vốn; triển khai thực thi các quy định và sửa đổi chính sách và hệ thống tài chính.
Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và quyền chọn tương lai (SFC) chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động kinh doanh và quản lý của cơ quan giám sát tài chính.
Tại Thái Lan: Nhằm tăng tính công khai, minh bạch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, Chính quyền Thái Lan đã ban hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) để bảo vệ nhà đầu tư, phòng ngừa rủi ro hệ thống và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, hệ thống pháp luật đã đưa ra các quy định nhằm ngăn chặn sự lạm dụng tràn lan và thiếu minh bạch trên TTCK; tăng cường kỷ luật quản lý doanh nghiệp và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp thông qua các yêu cầu về cải thiện chất lượng kế toán và công bố thông tin chặt chẽ hơn và giám sát tốt hơn bởi các nhà quản lý, giám đốc công ty độc lập và kiểm toán viên.
Các công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán khi đáp ứng được yêu cầu công bố thông tin nhất định, công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các thông tin đó.
Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC) quy định về hậu kiểm rất chặt chẽ, thường xuyên yêu cầu các công ty niêm yết sửa đổi báo cáo tài chính, phạt rất nặng với các công ty niêm yết khi công bố sai hoặc trễ hạn; đồng thời, phạt cả các công ty chứng khoán có liên quan.
Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Tại Hàn Quốc: Hoạt động bảo vệ các nhà đầu tư luôn được Chính phủ nước này quan tâm và coi là tiền đề phát triển ổn định, lâu dài kinh tế đất nước.
Tại Điều 50 của Luật Các thị trường vốn và Dịch vụ đầu tư tài chính (FSCMA) ban hành năm 2007 và có hiệu lực năm 2009 quy định Hiệp hội Đầu tư tài chính Hàn Quốc (KOFIA) phải thiết lập các thủ tục tiêu chuẩn đối với các khuyến nghị đầu tư, cung cấp các hướng dẫn cụ thể về các khuyến nghị đầu tư cho khách hàng.
Đối với các sản phẩm phái sinh hoặc sản phẩm tài chính rủi ro cao, FSCMA yêu cầu các công ty đầu tư tài chính đánh giá sự phù hợp của sản phẩm.
Công ty tài chính phải thu thập các thông tin liên quan đến lịch sử đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, bao gồm cả mục đích đầu tư, vốn và kinh nghiệm đầu tư thông qua tham vấn hoặc phỏng vấn trước khi đưa ra các khuyến nghị về các sản phẩm cụ thể. Việc làm này sẽ làm tăng lòng tin và cơ sở cho việc ra các quyết định chính xác của các nhà đầu tư.
Tại Nhật Bản: Chính phủ tăng cường bảo vệ các nhà đầu tư bằng việc đưa ra những quy định trong Luật Chứng khoán và giao dịch, đặc biệt đối với chứng khoán phái sinh trên thị trường OTC, trong đó các quy tắc trao đổi minh bạch và những điều khoản trừng phạt sẽ được chú trọng.
Chế độ kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh qua việc tăng cường chức năng của ban giám sát chứng khoán và giao dịch. Thiết lập hệ thống giải quyết tranh chấp trong giao dịch chứng khoán bằng các biện pháp như: Hợp pháp hóa hệ thống các tổ chức tự điều chỉnh được khuyến khích trong Luật Chứng khoán và giao dịch.
Đồng thời, thực hiện nghiêm ngặt việc quản lý tài sản riêng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Quỹ đền bù tiền gửi có bảo đảm. Đền bù tiền gửi được phán quyết theo Luật Chứng khoán và giao dịch được thực hiện trong năm tài chính 1997.
Các giao dịch mang tính chất đầu cơ cao và hàm chứa nhiều rủi ro, Chính phủ Nhật Bản đã quy định một số nguyên tắc ứng xử đối với thị trường. Đó là khi giá của thị trường hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn vượt quá giá của chỉ số cổ phiếu cơ sở thì dừng giao dịch tạm thời 15 phút.
Khi Chỉ số TOPIX dao động ngoài khoảng cho phép, thị trường phải hạn chế giao dịch đối với những tài khoản đồng sở hữu của các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Tại Thái Lan: Quốc gia này đã nghiên cứu, triển khai Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) nhằm thu hút nguồn vốn ngoại trong bối cảnh bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu.
Sự ra đời của NVDR đã được đón nhận bởi các nhà đầu tư trên toàn cầu, TTCK theo đó được cải thiện đáng kể về mức giao dịch, cũng như đạt được tỷ trọng cao hơn trong chỉ số MSCI Emerging Market.
Bên cạnh đó, Thái Lan dần xoá bỏ hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số ngành, nghề nhất định.
Theo đó, Luật Kinh doanh nước ngoài năm 2017 đã loại bỏ 19 lĩnh vực kinh doanh ra khỏi nhóm 3, năm 2018 tiếp tục xem xét loại bỏ 5 lĩnh vực kinh doanh ra khỏi nhóm này trong kế hoạch tự do hoá danh mục tại nhóm 3, tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tham gia vào lĩnh vực tài chính, các dự án cơ sở hạ tầng…
Trước đó, Luật Tổ chức tài chính được thông qua vào cuối năm 2007 đã trao quyền cho Ngân hàng Trung ương Thái Lan tăng giới hạn sở hữu nước ngoài tại một số ngân hàng trong nước từ 25% lên 49% trong từng trường hợp cụ thể.
Đạo luật này cũng cho phép, Bộ trưởng Bộ Tài chính được sở hữu nước ngoài trên 49% chỉ khi được Ngân hàng trung ương khuyến nghị.
Thực tế, tháng 1/2009, Bộ Tài chính đã cho phép Tập đoàn CIMB của Malaysia nắm giữ cổ phần đa số (khoảng 93%) tại BankThai, ngân hàng thương mại lớn thứ 9 của Thái Lan; tháng 2/2010, Bộ Tài chính cũng đã cấp cho Ngân hàng công thương Trung Quốc tăng giới hạn sở hữu nước ngoài từ 49% lên mức 97,24% tại ngân hàng ACL…
Hoàn thiện các mô hình giám sát
Tại Mỹ: Theo quy định, hoạt động giám sát các giao dịch hàng ngày và việc công bố thông tin của các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán được thực hiện bởi Sở Giao dịch chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Mỹ (SEC) thực hiện các hoạt động giám sát gián tiếp thông qua việc xem xét, chấp thuận các quy định tự quản của Sở Giao dịch chứ khoán và chế độ báo cáo, trao đổi thông tin giữa Sở Giao dịch chứng khoán với SEC.
Hoạt động giám sát TTCKcủa SEC được giao cho các đơn vị chức năng, chủ yếu là Vụ Quản lý giao dịch và Thị trường, cùng với Văn phòng Giám sát và Kiểm tra.
Hoạt động giám sát của Văn phòng Giám sát và Kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho SEC các thông tin về diễn biến tình hình các đối tượng chịu sự quản lý một cách kịp thời thông qua tiến hành kiểm tra định kỳ và thường xuyên.
Từ kết quả giám sát này, những thiếu sót trong các quy định pháp luật được khắc phục kịp thời, đảm bảo sự vận hành khách quan của TTCK.
Tại Nhật Bản: Hoạt động giám sát toàn TTCK của nước này do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SESC) thực hiện. Các đơn vị trong SESC trực tiếp tiến hành các hoạt động giám sát đối với giao dịch hàng ngày trên thị trường, giám sát công ty đại chúng và các định chế trung gian thị trường, bao gồm cả Quỹ Đầu tư, công ty giám sát và các tổ chức tự quản.
Đối với mỗi đối tượng và nội dung cụ thể, hoạt động giám sát được giao nhiệm vụ cho các Phòng chức năng.
Theo đó, nhiệm vụ giám sát giao dịch hàng ngày trên thị trường được phân công cho Phòng Giám sát thị trường thực hiện. Giám sát công ty đại chúng do Phòng Giám sát công bố Thông tin thực hiện.
Giám sát các định chế trung gian thị trường và các tổ chức tự quản do Phòng Giám sát tuân thủ đảm nhiệm. Ủy ban Chứng khoán Nhật Bản là cơ quan trực tiếp giám sát các công ty đại chúng.
Phòng Giám sát công bố thông tin và điều tra, xử phạt dân sự của SESC có quyền yêu cầu các công ty gửi báo cáo chi tiết và thực hiện giám sát, điều tra đối với việc công bố thông tin của công ty đại chúng.
Chức năng giám sát trực tiếp đối với các giao dịch hàng ngày và giám sát công bố thông tin trên thị trường thứ cấp của công ty đại chúng được thực hiện bởi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Chứng khoán và tổ chức tự quản. Luật pháp Nhật Bản quy định Ủy ban Chứng khoán có chức năng giám sát bao trùm toàn bộ TTCK.
Tại Hàn Quốc: Hoạt động giám sát TTCK được thực hiện theo mô hình 3 cấp. Theo đó, giám sát cấp 1 là hoạt động giám sát của các công ty chứng khoán.
Giám sát cấp 2 là hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán và Ban giám sát thị trường thực hiện chức năng giám sát của tổ chức tự quản.
Giám sát cấp 3 là hoạt động giám sát của Uỷ ban Dịch vụ tài chính – cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý cao cấp nhất đối với TTCK, được thành lập theo Luật về thành lập Tổ chức giám sát Tài chính.
Uỷ ban Dịch vụ tài chính có hai cơ quan giám sát chuyên biệt trực thuộc là cơ quan Giám sát tài chính và Uỷ ban chứng khoán và hợp đồng tương lai đối với các định chế tham gia TTCK và các thị trường giao dịch có tổ chức.
Theo quy định, ba tháng một lần, Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện kiểm tra hệ thống giám sát của các công ty chứng khoán. Bất cứ khi nào phát hiện nghi vấn, Sở Giao dịch chứng khoán thông báo cho công ty chứng khoán và đề nghị công ty này phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm.
Pháp luật cũng quy định, trong một số trường hợp, công ty chứng khoán phải từ chối đặt lệnh cho khách hàng đang bị tình nghi. Trường hợp không áp dụng các biện pháp cần thiết theo yêu cầu của Sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán sẽ bị xử phạt.
Áp dụng các thông lệ quốc tế về quản lý các tập đoàn công nghiệp lớn
Hàn Quốc đã ban hành các quy định mới về tổ chức các tập đoàn công nghiệp lớn theo hướng có sự tham gia nhiều hơn từ phía các nhà đầu tư, giảm việc kiểm soát mang tính gia đình, khép kín, chặt chẽ.
Trước đó, cổ phần của cổ đông nội bộ của 30 tập đoàn công nghiệp lớn (Cheabol) lớn nhất trung bình chiếm 47% (tháng 12/1995), thậm chí còn cao hơn ở nhóm các công ty hàng đầu, điều này đã làm giảm hiệu quả về kinh tế và mức độ công khai, minh bạch của tập đoàn.
Các quy định mới yêu cầu các công ty niêm yết phải có hội đồng quản trị, ¼ trong số các thành viên phải độc lập, ngoài các chức vụ giám đốc.
Việc tăng cường quyền lợi cho các cổ đông thiểu số cũng được chú trọng. Theo đó, quy định quyền sở hữu cổ phần tối thiểu cần thiết để có thể nêu vấn đề với ban quản lý công ty đã giảm. Cổ đông chỉ cần có 0,01% cổ phần đang lưu hành đã có thể kiện, chống lại các thành viên của Hội đồng quản trị.
Ngoài ra, để triệu tập một cuộc họp cổ đông hoặc kiểm tra sổ sách kế toán của công ty, các cổ đông phải có tương ứng 3% và 1% cổ phần, tuy nhiên ngưỡng này cũng đã được hạ thấp xuống để bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong các vấn đề nghiêm trọng của công ty và để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ việc nghiên cứu quản lý, giám sát TTCK của các nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, giám sát TTCK đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của thị trường là việc các thành viên tham gia thị trường với các quyền, nghĩa vụ được quy định rõ ràng cụ thể trong các văn bản pháp luật, đặc biệt quan tâm đến việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm có thể xảy ra.
Do vậy, cần có các quy định về công bố thông tin đầy đủ, thiết lập các tiêu chuẩn và các biện pháp xử lý đủ mạnh để ngăn chặn vi phạm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên tham gia, nhất là các nhà đầu tư.
Hệ thống pháp luật cần xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với tình hình phát triển các hoạt động mới của TTCK, phù hợp với chuẩn mực quốc tế như: Hoạt động giao dịch tự động, quản lý danh mục tự động, tư vấn tự động, số hóa các tài sản tài chính trên TTCK áp dụng công nghệ tài chính mới, hoạt động huy động vốn cộng đồng.
Đồng thời, hoàn thiện các quy định hướng dẫn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty đại chúng, công ty niêm yết; về tự do hóa tài khoản vốn và kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài; sự tham gia của các ngân hàng thương mại trên TTCK phái sinh; mở rộng việc phát triển các công cụ phái sinh niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán dựa trên tài sản cơ sở là hàng hóa, lãi suất và tỷ giá.
Thứ hai, tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát, nhất là với dòng vốn đầu tư gián tiếp, nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với TTCK. Xây dựng cơ chế, quy trình giám sát phù hợp, hiệu quả đặc biệt là giám sát với các hành vi thường xảy ra vi phạm như công bố thông tin, giao dịch nội gián, giao dịch “chui”...
Xây dựng các văn bản quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, hoàn thiện các quy định về cách tính khoản thu lời bất hợp pháp, đối với nhà đầu tư trong xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán làm cơ sở cho hoạt động kiểm tra, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm.
Xây dựng hệ thống thống kê và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng chứng khoán các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ, từ đó phân tích, dự báo xu hướng biến động và những ảnh hưởng tạo ra từ động thái mua, bán chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài.
Tăng cường công tác tổng hợp phân tích thông tin nhằm giám sát hoạt động lưu chuyển vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế và sự an toàn của hệ thống tài chính quốc gia
Thứ ba, chú trọng bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và có chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư cần được xây dựng đồng bộ với các công cụ từ pháp luật, tài chính và giáo dục tài chính, trong đó, công cụ pháp luật là quan trọng nhất.
Việc này đòi hỏi đưa vào các quy định pháp luật các nội dung về bảo vệ nhà đầu tư (Luật riêng hoặc lồng ghép với các Luật khác), các quy định cụ thể về các hành vi được coi là vi phạm pháp luật về chứng khoán, các quy định cụ thể về xác định mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm, ban hành các quy định xử phạt đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm.
Đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc yêu cầu các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng chủ động thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài và pháp luật hiện tại. Mở rộng lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận, tiến tới dần xoá bỏ hạn chế trong một số lĩnh vực. Phát triển công khai, minh bạch, ổn định thị trường nhằm tạo lòng tin với các nhà đầu tư.
Thứ tư, hoàn thiện mô hình giám sát. Các nước tập trung vào việc thúc đẩy các định chế trung gian tích cực tham gia vào quá trình giám sát giao dịch trên thị trường.
Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng phải thiết lập hệ thống giám sát đặt lệnh như một bộ lọc để giám sát và phát hiện những hành vi bất thường của nhà đầu tư ngay từ khi đặt lệnh.
Các Sở Giao dịch chứng khoán cũng đẩy mạnh thực hiện vai trò giám sát đối với hệ thống giám sát của các công ty chứng khoán.
Tăng cường thực hiện phối hợp với các định chế trung gian, tổ chức phụ trợ thực hiện giám sát TTCK. Bên cạnh đó, xây dựng tiêu chí chí giám sát giao dịch chứng khoán nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tác động, thao túng hoặc cá trường hợp vi phạm khách trong giao dich chứng khoán.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Tiến Đạt, Trần Thị Hà (2018), Kinh nghiệm quốc tế về huy động nguồn lực tài chính cho nền qua thị trường chứng khoán, Kỷ yếu Diễn đàn Tài chính Việt Nam, 2018;
2. Phạm Tiến Đạt (2022), Rủi ro với các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam và khuyến nghị chính sách, Tạp chí Chứng khoán, tháng 4/2022;
3. Tạ Thanh Bình (2018), Phát triển bền vững thị trường chứng khoán: Cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng và giải pháp, Đề tài KHCN cấp Bộ, Bộ Tài chính.