Kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình đặc khu kinh tế
Việc xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đã được một số quốc gia trên thế giới hình thành hơn 30 năm qua và tại Việt Nam mô hình này cũng đã được nghiên cứu, lựa chọn địa bàn để đầu tư xây dựng. Việc nhìn nhận đánh giá kinh nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế của một số nước sẽ là bài học thực tiễn hữu ích để xây dựng đặc khu kinh tế tại Việt Nam.
Đặc khu kinh tế – Một hình thức tổ chức đặc biệt
Khu kinh tế là khái niệm chỉ một khu vực có không gian kinh tế riêng biệt với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định của một quốc gia. Lịch sử hình thành và phát triển của khu kinh tế khởi đầu từ các khu thương mại tự do xuất hiện vào thế kỷ XVIII như “cảng tự do”, “khu quá cảnh” ở Singapore, Malaysia, Philippinnes, Hồng Kông…. Ban đầu, đó thường là những khu có vai trò thúc đẩy xuất khẩu và thường nằm ở biên giới một quốc gia, nơi giao nhau của các tuyến đường lưu thông hàng hóa trên thế giới.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các khu kinh tế phát triển không ngừng, ngày càng đa dạng, phong phú, chuyển dần từ hoạt động thương mại thuần túy sang sản xuất mang tính chất công nghiệp như khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và mang tính tổng hợp (gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật…) như đặc khu kinh tế, khu khai phát kinh tế-kỹ thuật và các thành phố mở cửa. Sự phát triển mạnh mẽ của khu kinh tế cả về loại hình lẫn số lượng, đã chứng tỏ đây là mô hình kinh tế đầy sức sống và mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.
Xét theo nghĩa rộng, tất cả các khu vực địa lý được áp dụng những chính sách kinh tế đặc biệt đều có thể được gọi là đặc khu kinh tế. Song theo nghĩa hẹp, đặc khu kinh tế là một hình thức tổ chức tiêu biểu của loại hình khu kinh tế hoạt động tổng hợp, theo mô hình “khu trong khu”, trong đó có cả các khu thương mại tự do, khu chế xuất, khu du lịch, khu đô thị… và các công trình hạ tầng đặc biệt như sân bay, cảng biển và có cả dân cư sinh sống; hoạt động dựa trên thể chế kinh tế mang tính quốc tế và thể chế hành chính có tính tự chủ cao.
Kinh nghiệm xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế ở một số nước
Đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc)
Quyết định liên quan đến việc thành lập đặc khu kinh tế ở Trung Quốc được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua vào tháng 7/1979 theo ý tưởng của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Vào năm 1980, các đặc khu kinh tế Thâm Quyến Chu Hải và Sán Đầu của tỉnh Quảng Đông và Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến lần lượt được thành lập. Đặc khu kinh tế Thâm Quyến, vốn là một làng chài nhỏ thuộc tỉnh Quảng Đông, với bước phát triển thần kỳ, đã nhanh chóng trở thành đô thị hiện đại, trung tâm kinh tế năng động hàng đầu của Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, GDP của Thâm Quyến năm 2014 đạt 1600,198 tỷ NDT (khoảng 256 tỷ USD). Thâm Quyến đứng đầu Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu, về tăng trưởng kinh tế, chỉ xếp sau 3 thành phố lớn Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu) và đứng đầu Trung Quốc về hiệu quả, chất lượng phát triển kinh tế và kinh tế tri thức.
Một trong những yếu tố làm nên thành công của Thâm Quyến phải kể đến lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý. Thâm Quyến chỉ cách Hồng Kông một con sông và cách trung tâm Hồng Kông khoảng 40km. Là thành phố nhiều cảng biển nhất Trung Quốc, Thâm Quyến trở thành đầu mối giao thông quan trọng của khu vực duyên hải phía nam Trung Quốc. Chiến lược ưu tiên phát triển công nghệ cao là bài học thành công tiếp theo của đặc khu Thâm Quyến. Hàng loạt các chính sách ưu đãi đặc biệt đã được đặt ra nhằm thu hút các nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại về điện tử, tin học, công nghệ sinh học, kỹ thuật số, vật liệu mới…
Với những chính sách đó, Thâm Quyến đã nhanh chóng thu hút được hàng trăm công ty kỹ thuật cao của các công ty xuyên quốc gia nổi tiếng thế giới như Genneral Electric, Intel, IBM, Siemen, Samsung… Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài thông qua tạo dựng, duy trì và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn và thuận lợi, đặc biệt về cơ chế, chính sách và nguồn nhân công cũng là một trong những điểm quan trọng làm nên thành công của đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Đặc biệt, từ năm 1992, được Trung ương trao quyền lập pháp, chính quyền đặc khu được tự chủ về kinh tế, có quyền chủ động đưa ra những cơ chế chính sách cần thiết, tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư vào Thâm Quyến.
Khu kinh tế tự do Incheon (Hàn Quốc)
Năm 2003 là năm đánh dấu sự hình thành 3 khu kinh tế tự do đầu tiên của Hàn Quốc là Incheon, Busan-Jinhae và Gwangyang. Sau 5 năm từ khi hình thành khu kinh tế đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc quyết định thành lập thêm 3 khu kinh tế tự do mới là Yellow Sea, Saemangeum-Gunsan và Daegu-Gyeongbuk. Trong đó, khu kinh tế Incheon đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trở thành trung tâm phát triển lĩnh vực logistics, kinh doanh dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và giải trí của cả vùng Đông Bắc Á.
Khu kinh tế tự do Incheon, có tổng diện tích 209.38 km2, nằm ở giữa bán đảo Hàn Quốc, trung tâm của biển Tây (Hoàng Hải), gần với nhiều thành phố quan trọng của Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải. Incheon là thành phố đầu tiên xây dựng những tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, mang lại cho Hàn Quốc những bước phát triển mạnh mẽ khiến thế giới phải ngạc nhiên.
Trong năm 2014, tổng đầu tư vào các khu kinh tế tự do ở nước này, bao gồm cả đầu tư trong và ngoài nước, đạt gần 58.000 tỷ won (khoảng 55 tỷ USD). Trong chính sách phát triển các khu kinh tế tự do của Hàn Quốc, việc xác định lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở lợi thế của từng khu kinh tế đã góp phần tránh sự cạnh tranh giữa các khu kinh tế và giúp khu kinh tế Incheon cũng như các khu kinh tế khác phát huy một cách tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình.
Vì vậy, có thể nói, lợi thế về vị trí địa lý, quy hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể, nhân lực trình độ cao, môi trường kinh doanh và môi trường sống mang chuẩn mực quốc tế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài là những yếu tố then chốt làm nên thành công của khu kinh tế ven biển Incheon.
Mô hình khu kinh tế tự do ở Dubai
Dubai là một trong bảy vương quốc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và cũng là thành phố lớn nhất của quốc gia này. Điểm sáng của Dubai là đóng góp vào GDP từ dầu mỏ chiếm 6%, phần còn lại thuộc về các ngành dịch vụ như cảng biển, du lịch và tài chính.
Các khu kinh tế tự do cũng là một động lực kinh tế quan trọng của thành phố này, trong đó Dubai có tới 11 khu trong tổng số 12 khu của UAE. Các khu kinh tế tự do ở Dubai có điểm nổi bật là tất cả đều có quy hoạch phát triển rất chi tiết theo hướng chuyên môn hóa cao. Có thể kể đến như Dubai International Academic City là nơi tập trung của khoảng 40 trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế; Dubai Internet City (DIC) là công viên công nghệ thông tin do Chính phủ Dubai thành lập nhằm thu hút các công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ thông tin đến đầu tư nghiên cứu, kinh doanh như Microsoft, IBM, Oracle, HP, Nokia…
Dubai Knowledge Village là một trong những khu kinh doanh giáo dục, đào tạo tự do 100% vốn nước ngoài với sự có mặt của hàng trăm chi nhánh của các trường đại học, trung tâm đào tạo, huấn luyện trên thế giới The Dubai International Finance Centre là khu tài chính tự do, được xây dựng nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng, tiến bộ và phát triển kinh tế của UAE và cả vùng Trung Đông. Có thể nói, tốc độ phát triển mạnh mẽ, những công trình kỷ lục, sự sang trọng và chuẩn mực quốc tế về môi trường và điều kiện kinh doanh là những yếu tố làm nên thương hiệu của các khu kinh tế tự do ở Dubai.
Bên cạnh những bài học thành công, thực tế cũng đã cho thấy có một số lượng không nhỏ các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do ở nhiều quốc gia hoạt động kém hiệu quả, thậm chí phải đóng cửa. Có thể kể đến Ấn Độ là một trường hợp điển hình về sự bất cập trong chính sách phát triển đặc khu kinh tế. Từ năm 2000 đến năm 2014, Ấn Độ đã cấp phép cho 564 đặc khu kinh tế, nhưng tính đến tháng 6/2014, chỉ có 192 khu là còn đang hoạt động và những đóng góp của các đặc khu này đối với nền kinh tế đất nước ngày càng giảm sút.
Vài hàm ý về chính sách xây dựng đặc khu kinh tế
Tính đến cuối năm 2015, ở Việt Nam có 16 khu kinh tế ven biển được thành lập và đi vào hoạt động, 02 khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển đến năm 2020. Ở Việt Nam, việc xây dựng và phát triển mô hình đặc khu kinh tế vẫn được coi là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.
Cho tới nay, đã có 3 đặc khu được Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương, dựa trên sự xem xét kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến vị trí địa lý, diện tích đất đai, tiềm năng phát triển và khả năng tạo đột phá về thể chế, đó là đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Gần đây nhất là đề xuất xây dựng đặc khu kinh tế của TP. Hồ Chí Minh thuộc địa bàn của 4 quận, huyện gồm quận 7, các huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ, nhằm tạo động lực, bước đột phá trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của Thành phố.
Để chính sách xây dựng đặc khu kinh tế được hiện thực hóa và mang lại những hiệu quả như mong đợi, bài viết đề xuất một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần thận trọng trong việc lựa chọn số lượng và địa điểm các đặc khu kinh tế nhằm tránh hiện tượng phát triển theo phong trào như trường hợp các khu kinh tế ven biển; đồng thời, xác định được những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế. Để có điều kiện phát triển tốt, đặc khu kinh tế cần phải được đặt ở những nơi có vị trí đặc biệt, thuận tiện cho giao lưu quốc tế như các vùng ven biển, biên giới hải đảo… Các địa điểm đó cần có thêm một tiêu chí không kém phần quan trọng, đó là có khả năng lan tỏa hiệu quả kinh tế - xã hội tới các vùng lân cận.
Thứ hai, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trong yếu tố của đặc khu kinh tế được coi là hấp dẫn đối với nhà đầu tư là hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài đặc khu kinh tế (thông tin liên lạc, cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, nhà xưởng, đường xá, sân bay, cảng biển, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa, đô thị…) tương đối đầy đủ, hoàn thiện và hiện đại.
Thứ ba, xây dựng thể chế kinh tế và hành chính vượt trội, thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế và các yêu cầu của thị trường cho các đặc khu kinh tế. Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu thì những ưu đãi về đầu tư sẽ ngày càng bị hạn chế và giảm tác dụng. Trong bối cảnh đó, các đặc khu kinh tế cần một cơ chế chính sách phát triển riêng, đặc thù theo hướng tự do hóa, cởi mở, thông thoáng, giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và nhà đầu tư chiến lược cho từng đặc khu kinh tế cũng là một bài học quan trọng quyết định sự thành công của việc vận hành mô hình kinh tế này. Điều này đòi hỏi phải xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của từng đặc khu kinh tế cũng như tham khảo nhu cầu, mong muốn của nhà đầu tư trong hoạch định phát triển các đặc khu kinh tế. Bên cạnh đó, việc tăng cường quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư lớn trên thế giới với những cam kết rõ ràng, nhất quán cũng là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Thu Anh, Thỏi nam châm Incheon, Báo điện tử Chính phủ ra ngày 24/4/2015;
2. Thúy Bình, Dubai - Điểm đến với những kỷ lục xa xỉ, Tạp chí Doanh nhân online ra ngày 25/8/2014;
3. Douglas Zhihua Zeng, Building Engines for Growth and Competitiveness in China: Experience With special economic zones and industrial cluster, Published by Worldbank, 2010;