Kinh nghiệm quốc tế về tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam


Trong những năm gần đây, kế toán quản trị chi phí đã từng bước được hoàn thiện, song thực tế, hệ thống kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị, chưa kết nối và đồng bộ với hệ thống các phương pháp quản trị hiện đại…

Kế toán quản trị chi phí đang ở giai đoạn khởi đầu tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam
Kế toán quản trị chi phí đang ở giai đoạn khởi đầu tại các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam

Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí là một trong những giải pháp nhằm hoàn thiện cách thức tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí, giúp cho doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Kế toán quản trị chi phí tại châu Âu

Kế toán quản trị (KTQT) tại các nước châu Âu có sự chuyên môn hóa cao, với nhu cầu thông tin thực hiện các chức năng quản trị, trong đó đề cao vai trò của thông tin phục vụ kiểm soát và đánh giá trách nhiệm quản trị của từng nhà quản lý.

Hệ thống KTQT chi phí (KTQTCP) tại châu Âu thường được tổ chức thành bộ máy riêng, sử dụng hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo kế toán nội bộ tách rời với kế toán tài chính (KTTC). KTQTCP là công việc riêng của doanh nghiệp (DN), các DN tự xây dựng hệ thống thông tin chi tiết nhằm cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý và tổ chức hệ thống sổ sách, báo cáo phục vụ cho mục tiêu quản trị DN.

Tại các nước châu Âu, KTQTCP đặt trọng tâm vào xác định và kiểm soát chi phí ở các DN sản xuất bằng cách chia chi phí theo các trung tâm trách nhiệm quản lý, phân tích đánh giá và tìm các nguyên nhân làm sai lệch chi phí và cuối cùng điều hòa giữa KTTC và KTQT.

Năm 2013, các tác giả Micheal Lucas, Malcolm Prowle và Glynn Lowth đã công bố báo cáo của dự án nghiên cứu được bảo trợ của Viện KTQT Anh Quốc - CIMA về việc áp dụng KTQT trong các DN nhỏ và vừa. Nghiên cứu tập trung vào việc tìm hiểu xem trong số những công cụ KTQT thông dụng thì những công cụ nào được sử dụng, những công cụ nào không hoặc hiếm khi được sử dụng trong các DN và nguyên nhân của việc không sử dụng một số công cụ.

Các công cụ KTQTCP được xem xét bao gồm: Kế toán chi phí và giá thành (bao gồm cả các phương pháp phân bổ chi phí gián tiếp); Lập dự toán cho mục đích lập kế hoạch và kiểm soát; Chi phí tiêu chuẩn và phân tich sai lệch; Phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng – lợi nhuận (CVP) bao gồm việc phân tích điểm hòa vốn; Kế toán trung tâm trách nhiệm; Các kỹ thuật đánh giá/thẩm định quyết định đầu tư vốn; Đo lường vốn lưu động; Các kỹ thuật phân tích phục vụ việc ra quyết định ngắn hạn (phân tích chi phí thích hợp, phân tích rủi ro và không chắc chắn); Các công cụ KTQTCP mang tính chiến lược (ví dụ đánh giá chuỗi giá trị, phân tích lợi nhuận theo khách hàng, thẻ điểm cân bằng, chi phí theo vòng đời sản phẩm, chi phí mục tiêu, chi phí chất lượng…)

Các quy định chung về kế toán tại các nước châu Âu hướng dẫn DN đánh giá hoạt động bằng cách lập báo cáo thực hiện dự toán trên cơ sở các số liệu kế toán nhưng trên thực tế, hầu hết các DN lập các báo cáo đánh giá hoạt động chỉ dựa vào các thông tin phi tài chính chứ không dựa vào các số liệu tài chính do kế toán cung cấp. Các báo cáo này có sự khác biệt đáng kể so với các báo cáo bộ phận của các trung tâm trách nhiệm theo hệ thống KTQT của Mỹ.

Kế toán quản trị chi phí tại châu Á

Ở hầu hết các nước châu Á, KTQTCP xuất hiện vào những thập niên gần đây cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường. Tại các quốc gia này, DN thường được phân biệt thành 2 loại chính: các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau nên KTQTCP trong các DN cũng được tổ chức có điểm khác nhau. Đối với các DN trong nước, KTQTCP mới chỉ được áp dụng ở dạng học hỏi, manh mún, phương pháp còn lạc hậu.

Tác giả Kamilah Ahmad, Đại học Exeter trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra vai trò của KTQT trong công tác quản lý tại các DN Malaysia thông qua bảng tổng hợp cung cấp kết quả chi tiết về mức độ áp dụng KTQTCP trong phạm vi các DN nhỏ và vừa. Nghiên cứu chỉ ra rằng, đa số các DN đều sử dụng một trong 5 công cụ KTQT: Kế toán chi phí và giá thành, lập dự toán, đánh giá hiệu quả hoạt động, công cụ phân tích hỗ trợ việc ra quyết định và KTQT chiến lược. Theo đó, tỷ lệ sử dụng kế toán chi phí và giá thành, lập dự toán và hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động là cao hơn việc sử dụng công cụ phân tích hỗ trợ việc ra quyết định và KTQT chiến lược.

Tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

Các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là các DN tiên phong đưa các mô hình quản trị DN hiện đại vào Việt Nam, trong đó có lĩnh vực kế toán. Các nhà quản trị DN FDI có xu hướng tổ chức công tác KTQTCP theo phương pháp chi phí mục tiêu hoặc quản trị ngân sách.

Phương pháp chi phí mục tiêu giúp các DN FDI có thể liên tục cắt giảm được chi phí kinh doanh để từ đó có thể tăng hiệu quả kinh doanh. Tùy thuộc vào đặc điểm riêng, DN có thể tập trung mục tiêu xây dựng hệ thống KTQTCP phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh, đồng thời xây dựng một loạt các kỹ thuật hoặc các thủ tục KTQT trong hệ thống kiểm soát chi phí bao gồm:

Thứ nhất, hệ thống lương thưởng được thiết kế lại để đảm bảo rằng từng người lao động ở từng vị trí phải có trách nhiệm cắt giảm chi phí sản xuất cũng như chi phí quản lý.

Thứ hai, hệ thống các biện pháp khuyến khích hoặc xử phạt đối với nhà quản trị các cấp được thiết kế lại để xử lý những hành vi không tuân thủ việc cắt giảm chi phí hoặc không đạt được mục tiêu chi phí; Kế hoạch cắt giảm chi phí hằng tháng, hằng năm được ký kết rõ ràng giữa Ban Giám đốc với các nhà quản trị từng cấp, trách nhiệm cũng như khoản thưởng được ghi rõ trong kế hoạch này.

Thứ ba, hệ thống đánh giá kết quả thực hiện việc cắt giảm chi phí được xây dựng, hoạt động độc lập và thường xuyên.

Thứ tư, liên kết hệ thống đánh giá kết quả “Thưởng- Phạt” rất rõ ràng với hoạt động sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, tiêu hao nguyên vật liệu, chi phí, mức lợi nhuận nội bộ và bộ chi phí tiêu chuẩn.

Thứ năm, ngoài các biện pháp trên, các DN FDI còn sử dụng các biện pháp khác để kiểm soát chi phí như sau:

- Chuẩn bị một hệ thống quản trị ngân sách toàn diện và hiệu quả. Dự toán ngân sách của các DN FDI là chia ngân sách của DN thành dự toán ngân sách tổng thể và dự toán ngân sách bộ phận. Dự toán ngân sách tổng thể định hướng quá trình sản xuất và tổ chức của DN. Dự toán ngân sách bộ phận tập trung vào kế hoạch chi phí sản xuất và chi tiêu thường xuyên.

- Tăng cường kiểm soát chi phí, đặc biệt là tập trung vào vai trò của chi phí trong quản trị sản xuất nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm và năng suất hoạt động.

- Phấn đấu giảm chi phí đầu vào, chi phí sửa chữa và quản trị các khoản chi một cách tốt nhất.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thông tin quản trị chi phí, thiết lập các hệ thống kiểm soát chi phí trên cơ sở các trung tâm trách nhiệm.

Các DN FDI kiểm soát chi phí theo các trung tâm trách nhiệm. Đó là chi phí mục tiêu được giao cho các cấp độ khác nhau của trung tâm trách nhiệm. Việc đánh giá hiệu quả sẽ được thực hiện trên cơ sở thực hiện các mục tiêu chi phí.

Kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam

Phần đông các DN Việt Nam hiện nay, việc phân loại chi phí sản xuất chưa hướng tới kế toán cung cấp thông tin cho yêu cầu KTQT DN. Các DN sản xuất tại Việt Nam, hệ thống tài khoản kế toán đã có sự chi tiết nhưng chưa phù hợp với việc phân tích chi phí theo định phí, biến phí để từ đó có thể phân tích chênh lệch giữa chi phí thực tế và định mức.

Việc lập dự toán và định mức các khoản chi phí chưa được quan tâm đúng mức, bởi vậy mà chưa có sự chủ động trong kế hoạch sản xuất, hầu hết phụ thuộc vào đối tác. Công tác phân tích chi phí-khối lượng-lợi nhuận chưa được các DN thực hiện, do vậy thông tin chi phí chưa phát huy tác dụng trong việc lựa chọn những phương án sản xuất tối ưu…

Việc nghiên cứu tổ chức công tác KTQT chi phí ở các quốc gia khác và các DN FDI giúp các DN, tiếp thu được kinh nghiệm để vận dụng vào thực tiễn như sau:

Thứ nhất, các DN sản xuất nên tổ chức kế toán theo mô hình kết hợp KTQT và kế toán tài chính trong cùng một hệ thống kế toán là phù hợp, bởi mô hình này cho phép kế thừa được những nội dung của kế toán tài chính đã tồn tại và biểu hiện cụ thể trong hệ thống kế toán hiện hành. Thực chất kế toán tài chính và KTQT đều nghiên cứu sự biến động chi phí và kết quả của hoạt động. Song KTQT mang nội dung chủ yếu vì nó cung cấp hệ thống thông tin về chi phí để các nhà quản trị đưa ra hàng loạt các quyết định. Mặt khác, việc tồn tại một hệ thống kế toán sẽ tiết kiệm được chi phí trong hạch toán kế toán, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả hơn là áp dụng mô hình tách rời dường như sẽ tốn kém chi phí nhiều hơn so với lợi ích thu được. Điều này cũng phù hợp với các DN sản xuất vì chiếm đến 95% các DN hiện nay là các DN vừa và nhỏ, nó phù hợp với trình độ cán bộ kế toán tại các đơn vị, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.

Thứ hai, tổ chức phân loại chi phí sản xuất theo mô hình tính phí dựa trên hoạt động (ABC): DN hiểu được bản chất của từng yếu tố chi phí phát sinh, từ đó phân loại chi phí thành chi phí bất biến và chi phí khả biến góp phần kiểm soát chi phí và dự toán chi phí cho kỳ tới, cho các phương án sắp lựa chọn.

Chi phí khả biến bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, Chi phí nhân công, Chi phí sản xuất chung như chi phí công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, động lực, chi phí tiền lương nhân viên quản lý phân xưởng ngoài lương cơ bản như khoản chi phí làm thêm giờ, tiền thưởng. Chi phí điện nước, điện thoại phục vụ sản xuất như các khoản tiền phải trả cho lượng điện, nước, điện thoại tiêu hao tại các phân xưởng sản xuất ngoài phần chi phí cố định phải trả hàng tháng.

Chi phí bất biến: bao gồm những khoản chi phí mang tính chất cố định hàng tháng phát sinh.

Thứ ba, hầu hết KTQTCP tại các DN sản xuất ở Việt Nam đang còn ở bước đầu, chính vì vậy cần có sự kết hợp các phương pháp xác định giá phí truyền thống và xác định giá phí hiện đại (ABC) theo KTQTCP của Mỹ; Nâng cao chất lượng các phương pháp KTQTCP truyền thống, đồng thời học hỏi thêm các phương pháp KTQT hiện đại như việc áp dụng mô hình ABC tại các DN may tại Mỹ nhằm phát huy tối đa vai trò của KTQT chi phí trong DN.

Thứ tư, xây dựng hệ thống tài khoản kế toán: Để tổng hợp và phân tích thông tin kế toán kịp thời và chính xác về chi phí thì kế toán tài chính nên sử dụng các tài khoản tổng hợp, báo cáo tài chính, còn KTQT nên sử dụng các tài khoản chi tiết báo cáo bộ phận để thu nhận và xử lý thông tin phục vụ cho việc ra quyết định trong quá trình sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết dựa trên cơ sở hệ thống tài khoản kế toán được Bộ Tài chính ban hành nhằm phục vụ công tác theo dõi tình hình sản xuất và lập các báo cáo KTQT là công việc cần thiết đối với các DN. Để hệ thống hóa và cung cấp thông tin kế toán cho việc lập các báo cáo KTQT chi phí theo yêu cầu quản lý, các doanh nghiệp cần lựa chọn, thiết kế hệ thống tài khoản chi tiết cấp 2.3.4... cho phù hợp.

Thứ năm, tổ chức xây dựng hệ thống báo cáo kiểm soát chi phí: Cần quan tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và dự toán quá trình sản xuất kinh doanh một cách khoa học, hợp lý, cần quan tâm đến việc phân tích kết quả trong mối quan hệ với chi phí bỏ ra, mọi sự sại lệch đều phải tìm nguyên nhân và bộ phận chịu trách nhiệm để có biện pháp điều chỉnh hợp lý kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Thị Thủy (2007), “Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm ở Việt Nam”, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân;

2. Đoàn Xuân Tiên (2013), Giáo trình kế toán quản trị, NXB Tài chính;

3. Nguyễn Đào Tùng, 2012, “Tổ chức kế toán quản trị chi phí và giá thành sản phẩm trong doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí Việt Nam”, Luận án tiến sỹ;

4. Atkinson và cộng sự (2001) Management Accounting, 3th edition, Prentice Hall International;

5. Ahmed Riahi-Belkaoui (2002), ‘Behavioral management accounting’, Wile Publishing, Inc.

(*) NCS., ThS. Nguyễn Xuân Hoàng – Học viện Cảnh sát nhân dân.

(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021.