Vận dụng công cụ quản lý của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp dệt may

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2020

Để giúp cho nhà quản trị đưa ra quyết định phù hợp, cung cấp các thông tin hữu ích về các nội dung trong kế toán quản trị như phân loại chi phí, kiểm soát chi phí, lập dự toán trong doanh nghiệp, phân tích thông tin thì cần phải vận dụng đúng đắn các công cụ quản lý của kế toán quản trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bài viết này bàn về việc vận dụng các công cụ quản lý của kế toán quản trị và đưa ra một số hạn chế khi vận dụng tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhằm đề xuất một số phương hướng, giải pháp vận dụng các công cụ quản lý của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp này.

Đặt vấn đề

Thông tin kế toán quản trị (KTQT) đặc biệt quan trọng trong quá trình ra quyết định của nhà quản trị, giúp các nhà quản lý đưa ra các phương thức để quản lý, kiểm soát, đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN) tốt hơn. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành Dệt may Việt Nam là một trong các ngành gặp nhiều khó khăn do trình độ phát triển khả năng cạnh tranh tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, các DN dệt may Việt Nam cần phải sử dụng các công cụ quản trị hiệu quả. Vì vậy, thực hiện việc vận dụng các công cụ quản lý của KTQT trong DN dệt may là cần thiết nhằm đưa ra các quyết định đúng đắn, kịp thời.

Giới thiệu các công cụ quản lý trong kế toán quản trị

Từ đầu những năm 1980, một số kỹ thuật KTQT sáng tạo đã được phát triển như: Kế toán chi phí dựa trên hoạt động, KTQT chiến lược, thẻ điểm cân bằng… Những kỹ thuật mới này được thiết kế để hỗ trợ các công nghệ hiện đại và quy trình quản lý mới để đáp ứng những thách thức toàn cầu. Theo đó, bài viết đưa ra các công cụ quản lý hiện đại áp dụng trong KTQT như: KTQT chiến lược, bảng điểm cân bằng, phương pháp xác định chi phí theo hoạt động và kế toán tinh gọn.

Kế toán quản trị chiến lược

KTQT chiến lược là việc cung cấp và phân tích dữ liệu KTQT về một DN và các đối thủ cạnh tranh được sử dụng trong phát triển và giám sát chiến lược của DN. Cooper và Kaplan nhấn mạnh, các kỹ thuật kế toán chiến lược được sử dụng để hỗ trợ chiến lược cạnh tranh tổng thể của DN, chủ yếu bằng sức mạnh của việc sử dụng công nghệ thông tin, nhằm phát triển chi phí sản phẩm và dịch vụ một cách tinh tế hơn.

Theo Cadez và Guilding (2008), DN xác định được chiến lược hiệu quả có thể phát triển và tạo ra được lợi thế cạnh tranh bền vững bằng cách sử dụng thông tin chi phí dựa trên thông tin chiến lược và marketing. Theo đó, kỹ thuật chi phí được xác định bao gồm 7 kỹ thuật sau: Chi phí thuộc tính; Chi phí vòng đời sản phẩm; Chi phí chất lượng; Chi phí mục tiêu; Chi phí chuỗi giá trị; Chi phí dựa trên hoạt động; Chi phí Kaizen.

Bảng điểm cân bằng

Bảng điểm cân bằng (Balanced Scorecard – BSC) là phương pháp quản lý hiện đại dựa trên mục tiêu. Khái niệm thẻ điểm cân bằng lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1992 bởi hai giáo sư đại học Harvard là Robert S. Kaplan và David Norton với mục đích là thúc đẩy và đo lường hiệu quả hoạt động của các đơn vị kinh doanh.

Theo đó, định hướng phát triển của tổ chức, DN được thể hiện bằng các chỉ tiêu, các mục tiêu được xây dựng một cách hài hòa, cân đối dựa trên các ưu tiên quan trọng của tổ chức, DN. Hệ thống này giúp định hướng hành vi của toàn bộ các hệ thống trong công ty, qua đó giúp mọi người cùng hướng tới mục tiêu chung cũng như sự phát triển bền vững của DN và làm cơ sở cho hệ thống quản lý và đánh giá công việc.

Khái niệm Bảng điểm cân bằng trong ngành KTQT đã tạo lập nên điểm khởi đầu cho khái niệm về mục tiêu tổng thể của một DN là tạo ra giá trị kinh tế dài hạn, giúp cho các nhà quản lý có được bức tranh cân bằng về hiệu quả hoạt động hiện tại cũng như các nhân tố là động lực tăng trưởng cho tương lai. BSC nhanh chóng được hàng ngàn các DN, các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận khắp nơi trên thế giới áp dụng, trong đó có Việt Nam. 

BSC gồm 4 yếu tố cơ bản sau:

- Tài chính: Mục tiêu này đóng vai trò quan trọng trong việc hoạt động để tạo mục tiêu chung cho toàn công ty, phản ánh toàn bộ kết quả kinh tế của toàn công ty ở quá khứ, hiện tại và cả những chiến lược kinh doanh trong tương lai.

- Khách hàng: Bao gồm các chỉ tiêu của các bộ phận về khả năng thỏa mãn nhu cầu khách hàng, khả năng nắm giữ khách hàng…

- Hoạt động nội bộ: Các mục tiêu này tập trung vào kết quả về khả năng cung cấp các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng.

- Học tập, kinh nghiệm và tăng trưởng: Các mục tiêu này hướng tới sự tồn tại và phát triển lâu dài của DN vì nó xác định các yếu tố quan trọng nhất tạo ra giá trị cho DN.

Bảng điểm cân bằng cung cấp cho các nhà quản trị một khung mẫu toàn diện biến tầm nhìn chiến lược của công ty thành một tập hợp chặt chẽ các thước đo hiệu quả hoạt động. Xuất phát từ các mục tiêu của các khía cạnh nhà quản trị sẽ xây dựng các chỉ tiêu đo lường như trên nhằm mục đích cân đối mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn, giữa mục tiêu bên ngoài và mục tiêu bên trong DN.

Quản trị chi phí trong môi trường sản xuất tinh gọn

Kế toán tinh gọn (Just In Time- JIT) là mô hình kế toán áp dụng cho những DN thực hiện quy trình sản xuất tinh gọn. Mô hình này bao gồm những phương pháp như: Tổ chức và quản lý chi phí theo dòng giá trị, thay đổi kỹ thuật đánh giá hàng tồn kho và đưa thêm một số thông tin phi tài chính vào báo cáo tài chính công ty. Mô hình kế toán tinh gọn có thể cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời và có thể hiểu được một cách dễ dàng nhất để cải tiến quá trình chuyển đổi và truyền thông giữa các bộ phận trong DN.

Kế toán tinh gọn là mô hình kế toán áp dụng cho những doanh nghiệp ứng dụng quy trình sản xuất tinh gọn. Kế toán tinh gọn nhằm giảm thiểu các chi phí lãng phí trong quá trình sản xuất như: giảm chi phí hàng tồn kho, tìm cách loại bỏ sản phẩm dở dang, tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào với mức giá thấp…

KTQT chi phí trong môi trường sản xuất tinh gọn là kế toán kiểm soát chi phí trên cơ sở giảm thiểu những gì không cần thiết. Kế toán tinh gọn là mô hình kế toán áp dụng cho những DN ứng dụng quy trình sản xuất tinh gọn. Kế toán tinh gọn nhằm giảm thiểu các chi phí lãng phí trong quá trình sản xuất như: giảm chi phí hàng tồn kho, tìm cách loại bỏ sản phẩm dở dang, tìm kiếm nguyên vật liệu đầu vào với mức giá thấp…

Để có thể thay đổi và áp dụng thống nhất cho toàn DN, kế toán tinh gọn đã thực hiện một quy trình được gọi là quy trình quản lý dòng giá trị (cách thức để đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của một DN và yêu cầu phải thay đổi quy trình ra quyết định). Kế toán tinh gọn có ưu điểm là cắt giảm chi phí được thực hiện ngay từ khâu thiết kế sản phẩm, thu mua nguyên vật liệu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nhà quản trị kiểm soát tốt chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động

Kế toán chi phí theo phương pháp truyền thống dựa trên các tiêu thức phân bổ gián tiếp trong trường hợp DN sản xuất nhiều loại sản phẩm có thể dẫn đến kết quả là giá thành của các sản phẩm không chính xác. Vì vậy, có thể vận dụng các phương pháp kế toán chi phí hiện đại như: kế toán chi phí dựa trên hoạt động. Phương pháp xác định chi phí theo hoạt động (ABC) là phương pháp xác định chi phí dựa trên các hoạt động, căn cứ vào mối quan hệ giữa chi phí và hoạt động tạo ra chi phí. Phương pháp này  được thiết kế nhằm khắc phục các nhược điểm của những hệ thống tính giá thành truyền thống.

Robin Cooper, Robert Kaplan, và H. Thomas Johnson là những người đầu tiên đưa ra phương pháp ABC. Đây là phương pháp tính chi phí được sử dụng để tính thẳng chi phí chung vào các đối tượng tính chi phí (Cooper, 1988a; 1988b; 1990; Cooper và Kaplan, 1988; Johnson, 1990). ABC giúp cho nhà quản lý ra được những quyết định đúng tương ứng với cơ cấu sản phẩm và chiến lược cạnh tranh của DN mình.

Cooper đề xuất mô hình ABC hai giai đoạn (Cooper, 1987a; Cooper, 1987b). Trong giai đoạn đầu, chi phí được tính vào các hoạt động theo từng trung tâm hoạt động, dựa trên tiêu thức phân bổ chi phí. Trong các phương pháp tính chi phí truyền thống không có công việc tương tự như vậy. Ở giai đoạn hai, chi phí được phân bổ từ các hoạt động đến từng sản phẩm dựa vào mức độ sử dụng các hoạt động đối với các sản phẩm đó. Giai đoạn này tương tự với phương pháp truyền thống, tuy nhiên, phương pháp truyền thống chỉ sử dụng những tiêu thức phân bổ liên quan đến sản lượng của phẩm mà không xem xét đến những yếu tố không hay không liên quan trực tiếp đến sản lượng.

Trong phương pháp ABC, cần quan tâm 4 nội dung sau: đối tượng chịu phí, tổng nguồn chi phí cần phân bổ, hoạt động, và tiêu thức phân bổ. Về mặt lý thuyết, vận dụng phương pháp ABC cần tiến hành qua các bước sau:

Xác định các hoạt động: Để có thể thực hiện được ABC thì toàn bộ quá trình kinh doanh phải được chia ra làm nhiều nhóm hoạt động. Để có thể thiết lập được những hoạt động cần thiết cho ABC, những quy trình đồng nhất phải được nhóm lại với nhau.

Xác định tổng chi phí phát sinh: Một khi những hoạt động chính đã được xác định thì tổng chi phí của từng hoạt động cần phải được tính toán. Trước tiên, nhóm chi phí liên quan đến từng hoạt động phải được ghi nhận. Để tính chính xác các chi phí này vào từng hoạt động thì những tiêu thức phân bổ chi phí trong giai đoạn một phải được ấn định cho từng nhóm chi phí.

Lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí: Trong giai đoạn hai, các hoạt động được tính cho các sản phẩm bằng việc sử dụng tiêu thức phân bổ chi phí giai đoạn hai. Cũng như tiêu thức phân bổ chi phí của giai đoạn một, thông tin cần thiết cho tiêu thức phân bổ chi phí giai đoạn hai có thể không dễ dàng có sẵn để thể hiện các tỉ lệ tương ứng cho từng loại sản phẩm.

Xác định chi phí đơn vị để phân bổ: Sau khi tập hợp chi phí và lựa chọn tiêu thức phân bổ thì việc xác định chi phí đơn vị là cơ sở để tập hợp chi phí theo đối tượng.

Tập hợp chi phí xác định theo đối tượng chịu phí: Trên cơ sở chi phí đơn vị và mức hoạt động cũng như sản xuất của từng đối tượng sẽ tiến hành lập chi phí cho từng đối tượng.

Hệ thống chi phí theo ABC đòi hỏi những thay đổi về tổ chức, chấp nhận của nhân viên, đầu tư vào phần mềm và phần cứng, thiết bị thu thập dữ liệu và nhiều nội dung khác. Phương pháp ABC khá phức tạp và tốn nhiều công sức hơn phương pháp truyền thống, tuy nhiên, khoa học công nghệ thông tin phát triển như hiện nay đã làm giảm nhiều thời gian, công sức cho việc áp dụng phương pháp này. Do vậy, phương pháp kế toán chi phí dựa trên hoạt động sẽ là công cụ để các nhà quản trị DN vận dụng.

Vận dụng các công cụ quản lý của kế toán quản trị trong doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Dệt may là ngành mà sản phẩm của nó thuộc nhóm sản phẩm thiết yếu. Sản phẩm dệt may là loại sản phẩm có yêu cầu rất phong phú, đa dạng tuỳ thuộc vào đối tượng tiêu dùng, đây là sản phẩm mang tính thời trang cao, phải thường xuyên thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, chất liệu để đáp ứng nhu cầu thích đổi mới, độc đáo và gây ấn tượng của người tiêu dùng.

Các DN dệt may Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, không chỉ về mặt giá trị kinh tế mà còn góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, ngành Dệt may cũng đứng trước những thách thức lớn. Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất. So với mục tiêu năm 2020 đề ra là 42 tỷ USD, xuất khẩu dệt may trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 59%.

Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 10 của Bộ Công Thương cho biết năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành Dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các DN dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm.

Trước tình hình đó, DN dệt may Việt Nam đã tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 548,8 triệu m2, tăng 4,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 782,7 triệu m2, giảm 10,6%; quần áo mặc thường ước đạt 3.639,2 triệu cái, giảm hơn 6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với 10 tháng đầu năm 2020. DN dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, trong đó công tác quản lý ở các DN cần có sự thay đổi như vận dụng các công cụ KTQT.

Nghiên cứu thực trạng về việc vận dụng các công cụ KTQT trong DN cho thấy, hầu hết các DN có áp dụng các các công cụ truyền thống trong KTQT như: kiểm soát, phân loại chi phí, phân tích chi phí - sản lượng - lợi nhuận… Tuy nhiên, rất ít các DN áp dụng các công cụ quản lý hiện đại như phương pháp ABC, phương pháp  JIT, BSC… mặc dù các công cụ này đóng vai trò quan trọng trong quản lý và kiểm soát của DN.

Một số giải pháp đề xuất

Nghiên cứu việc vận dụng các công cụ quản lý hiện đại là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN dệt may hiện nay. Thông qua đó, nhà quản trị có thể kiểm soát hoạt động, nhà quản trị DN có thể đánh giá chất lượng về kết quả của hoạt động của những bộ phận của đơn vị. Đối với các DN cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, đối với phương pháp xác định chi phí theo hoạt động: phương pháp này sẽ phù hợp với các DN dệt may vì các DN này sản phẩm đa dạng, quy trình sản xuất qua nhiều công đoạn, nhiều hoạt động. Phương pháp ABC không đồng nhất chi phí sản phẩm cho mọi mức độ sản xuất mà nó phân bổ chi phí hoạt động cho các đối tượng, không giống phương pháp tính giá truyền thống nên sẽ phù hợp đối với DN dệt may.

Hai là, đối với phương pháp bảng điểm cân bằng (BSC): Các nhà quản trị cần nhận thức được tầm quan trọng của bảng điểm cân bằng, cần tìm hiểu quy trình áp dụng của phương pháp này. DN cần xem xét, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng trước khi triển khai áp dụng, cần có chiến lược kinh doanh, mục tiêu cụ thể. Vì bảng điểm cân bằng cung cấp cho các nhà quản trị một mô hình toàn diện, đưa ra các thước đo hiệu quả hoạt động, các thước đo này thể hiện sự cân bằng giữa quá khứ và tương lai, giữa bên trong và bên ngoài nên cần đảm bảo các DN lập kế hoạch rõ ràng, thường xuyên.

Các nhà quản trị cần có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng cho các cấp quản lý, phương pháp bảng điểm cân bằng không chỉ là công cụ quản trị hiệu quả mà còn là phương thức truyền thông để các nhà quản lý trao đổi các kinh nghiệm, mục tiêu với nhau, cụ thể là các mục tiêu như giảm chi phí, tăng doanh thu, tiết kiệm nguyên vật liệu…

Ba là, đối với phương pháp kế toán tinh gọn: Cần xây dựng các thước đo đánh giá, kiểm soát, đo lường, sử dụng chi phí mục tiêu thay cho chi phí định mức truyền thống. Kế toán tinh gọn nhằm giảm thiểu các chi phí lãng phí trong quá trình sản xuất nên phải tận dụng tối đa nguyên vật liệu, sử dụng tiết kiệm, tập trung vào chất lượng sản phẩm, lập kế hoạch cụ thể từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.  

Tựu chung, các công cụ quản lý của KTQT đã được các nước trên thế giới áp dụng, nhất là đối với những nước có nền kinh tế phát triển. Tại Việt Nam, việc vận dụng các công cụ quản lý của kế toán quản trị vẫn là một vấn đề khá mới mẻ, đặc biệt là các DN quy mô lớn như DN dệt may. Vận dụng hiệu quả các công cụ quản lý này sẽ giúp cho việc kiểm soát và điều hành hoạt động kinh doanh của các nhà quản trị trong DN, qua đó sẽ giúp DN phát huy tối đa nguồn lực hiện có, đạt hiệu quả kinh doanh cao và tạo thế mạnh cạnh tranh trên thị trường.      

Tài liệu tham khảo:

Bộ Tài chính (2006), Thông tư số53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp;

Nguyễn Thị Minh Phương (2017), Một số phương hướng vận dụng công cụ quản lý của kế toán quản trị trong doanh nghiệp Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học;

http://eduviet.vn/tin-tuc/bsc-la-gi-khai-niem-the-diem-can-bang.html;

http://tapchitaichinh.vn