Kinh nghiệm triển khai Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế
(Taichinh) - Ngày 28/5/2015, Bộ Tài chính phối hợp với Hiệp Hội Kế Toán Công Chứng Australia (CPA Australia) đồng tổ chức hội thảo "Công tác triển khai hệ thống báo cáo tài chính Quốc tế ( IFRS) và chia sẻ kinh nghiệm Quốc tế của các nước Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương” với sự tham gia của diễn giả Ram Subramanian - Cố vấn Chính sách về Báo cáo và Kiểm toán, thuộc Ban Chính sách Kế toán và Cố vấn Chính sách Quản trị & Tiêu chuẩn Nghề nghiệp của CPA Australia.
Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác đã ký kết giữa CPA Australia và Bộ Tài chính từ năm 2012. Trong nhiều năm qua, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế Quốc tế, CPA Australia đã hợp tác và hỗ trợ Bộ Tài Chính hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hệ thống kế toán và kiểm toán Việt Nam trên cơ sở hệ thống chuẩn mực do Liên đoàn kế toán Quốc tế (IFAC) ban hành.
Nội dung của hội thảo lần này cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên của Bộ Tài Chính trong thời gian gần đây nhằm vận dụng kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt kinh nghiệm từ Australia và các nước trong khu vực về việc triển khai Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế IFRS.
Tham dự hội thảo có hơn một trăm đại biểu đến từ Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính, các tổ chức nghề nghiệp trong nước, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các công ty kế toán, kiểm toán trong nước và quốc tế, các Trường Đại học, cũng như nhiều hội viên của CPA Australia.
Bà Trần Thiên Hương, trưởng Đại diện Văn phòng CPA Australia tại Việt Nam cho rằng, một khi hệ thống IFRS được triển khai và áp dụng thành công tại Việt Nam, nó sẽ giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực báo cáo tài chính áp dụng cho các đơn vị kinh tế khác nhau trong việc đo lường, công khai và minh bạch. Thông qua việc áp dụng hệ thống báo cáo tài chính Quốc tế IFRS, các công ty ở Việt Nam sẽ có thể được hưởng lợi từ kinh tế hội nhập ví dụ như tiếp cận vốn, duy trì cạnh tranh và phát triển bền vững. Đây là điều hết sức quan trọng khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.