Kinh tế Anh trước nhiều thử thách
Trong bối cảnh kinh tế Anh đang gặp phải nhiều bất ổn, sự ra đi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II khiến cho quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa, cũng như tạo áp lực lớn lên vai của tân Thủ tướng Liz Truss và Vua Charles III.
Nữ hoàng Elizabeth II là quốc vương trị vì lâu nhất của Vương quốc Anh, và là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất thế giới. Sau 70 năm tại vị, sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào hôm 8/9 được đánh giá có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Vương quốc Anh với thiệt hại hàng tỷ bảng Anh. Trong 10 ngày quốc tang, các doanh nghiệp sẽ đóng cửa, tiền tệ mới sẽ được in ra, hộ chiếu sẽ thay đổi, trang phục quân đội sẽ cần được trang bị lại, và bài quốc ca sẽ được thay đổi. Sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ làm rung chuyển một thế giới đã quá quen thuộc với sự trị vì của bà, cũng như làm thay đổi hoàn toàn cách thế giới nhìn về Vương quốc Anh ngày nay.
Giai đoạn bất ổn chưa từng có
Trong thời gian tới, một loạt sự kiện và nghi lễ sẽ diễn ra để chuẩn bị cho tang lễ của cố Nữ hoàng. Theo đó, Anh sẽ phải trì hoãn các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế đang đứng trước suy thoái, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hoãn cuộc họp chính sách của mình.
Hiện nay, nền kinh tế Anh đang trượt dài trong cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc, bất bình đẳng gia tăng và triển vọng kinh tế u ám nhất trong vòng nhiều năm. Theo số liệu được Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố, trong tháng 7, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 9,4% trong tháng 6 và cao nhất trong vòng 40 năm qua. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian “nghỉ ngơi ngắn ngủi” sau cuộc suy thoái đang rình rập phía trước, và có thể trở nên trầm trọng hơn khi quốc gia này đang trong thời gian quốc tang.
Chỉ vài giờ trước khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, tân Thủ tướng Liz Truss đã bắt đầu vạch ra kế hoạch để đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên nước Anh. Bà đã công bố gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm hỗ trợ người tiêu dùng Anh trang trải chi phí năng lượng, do ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine.
Theo Bộ Tài chính Anh, gói hỗ trợ dự kiến trị giá khoảng 100 tỷ bảng sẽ giúp giảm lạm phát 4-5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng, động thái này có thể thúc đẩy chi tiêu và khiến tình hình lạm phát càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tháng trước, BoE đã thực hiện đợt nâng lãi suất lớn nhất trong vòng 27 năm nhằm hạ nhiệt lạm phát. Giới đầu tư dự báo trong cuộc họp tới, BoE sẽ tiếp tục tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, trong khi đó một số thậm chí cho rằng ngân hàng trung ương nước này còn phải hành động mạnh tay và gấp rút hơn nữa.
Trong vài năm tới, nền kinh tế Anh sẽ có những thay đổi quan trọng. Đồng tiền mới sẽ phải được in lại với khuôn mặt của Vua Charles III trên đó, quá trình này sẽ phải mất thời gian khá dài để các tờ tiền cũ không còn lưu hành. Hộ chiếu của Anh cũng sẽ cần một số cập nhật, con tem cũng sẽ cần được sửa đổi và sẽ cần được thay thế bằng những ấn bản mới, mang hình ảnh của Vua Charles III.
Trong vòng một năm sau khi Nữ hoàng qua đời, lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra nếu nhà vua cho phép. Nếu theo nghi thức truyền thống thì sẽ có một kỳ nghỉ tiếp theo và các ngân hàng và thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa lần thứ ba kể từ khi Nữ hoàng qua đời, và nhiều doanh nghiệp có thể sẽ làm theo.
Ngày càng tiến gần đến nguy cơ suy thoái
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cảnh báo, rằng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Anh đang gia tăng, và có thể rơi vào suy thoái trong quý IV. Đây không phải lần đầu tiên các Ngân hàng cảnh báo như vậy, trước đó, BoE cũng từng đưa ra dự báo tương tự. Khi mùa đông đến, các hộ gia đình và doanh nghiệp Anh cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn. Đồng bảng Anh đã lao dốc trong vài tháng qua, xuống mức thấp nhất trong vòng 37 năm với 1,1469 USD đổi 1 bảng Anh. Điều này sẽ gây áp lực nặng nề hơn lên cả hai lãnh đạo mới của nước Anh Thủ tướng Liz Truss và Vua Charles III, với vai trò củng cố niềm tin trong thời kỳ khủng hoảng.
Bên cạnh đó, chế độ quân chủ của Anh cũng đang đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều vì bị cho đang tiêu tốn ngân sách công. Theo tờ Independent, Anh sẽ thiệt hại hàng tỷ bảng do những gián đoạn đối với các hoạt động kinh tế trong thời gian tiến hành các nghi thức tang lễ. Khi các ngân hàng, các doanh nghiệp đóng cửa, chi phí về tổ chức tang lễ, thay đổi hộ chiếu, trang phục của quân đội và cảnh sát. Đất nước sẽ tốn một khoản lớn để in tiền mới mang hình Vua Charles III và những thay đổi khác sau khi Nữ hoàng qua đời. Những thay đổi thể chế lớn nhỏ này dự kiến sẽ gây ra cho nền kinh tế Anh thiệt hại đến 7 tỷ USD. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên ví tiền của người dân. Giáo sư Andrew Roberts tại King’s College London nhận định rằng, Vua Charles III đã có những kế hoạch để thu gọn Hoàng gia Anh trong những tháng tới, và chắc chắn là nhiều năm nữa.
Các chuyên cũng nhận định thêm rằng, những sự thay đổi này sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời sẽ không chỉ được cảm nhận ở Anh mà còn ảnh hưởng trên toàn thế giới. Khối thịnh vượng chung Anh phát triển từ Đế chế Anh, và trong suốt thời gian tồn tại do Nữ hoàng Elizabeth II đứng đầu. Đây là một trong những tổ chức quốc tế lớn nhất trên thế giới, bao gồm 54 quốc gia và với tổng dân số 2,5 tỷ người. Các quốc gia hầu hết là thuộc địa cũ của Anh, bao gồm cả các quốc gia giàu có như Australia, New Zealand và Canada.