Kinh tế chia sẻ thúc đẩy sáng tạo và cạnh tranh công bằng
Tại Tọa đàm về kinh tế chia sẻ (KTCS) do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều ngày 15/10, tại Hà Nội, hầu hết các ý kiến cho rằng cần có chính sách khuyến khích mô hình kinh tế mới này phát triển, mặt khác vẫn đảm bảo sự cạnh tranh công bằng để thúc đẩy cạnh tranh.
Cần nhận thức đúng bản chất của kinh tế chia sẻ
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Đề án KTCS vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án được xây dựng nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình KTCS, từ đó phát huy những mặt tích cực và giảm thiểu rủi ro của mô hình kinh tế này ở Việt Nam.
Dự thảo Đề án nêu rõ, KTCS được hiểu là một hệ thống kinh tế mà ở đó tài sản hoặc dịch vụ được chia sẻ dùng chung giữa các cá nhân, hoặc không phải trả phí hoặc trả một khoản chi phí với tính chất điển hình thông qua các công cụ Internet. Bản chất của KTCS là sự cộng tác tiêu dùng, người tham gia cùng nhau tiếp cận với sản phẩm hoặc dịch vụ hơn là sở hữu cá nhân về sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Đối tượng tham gia KTCS có hể là người sử dụng cá nhân, doanh nghiệp xã hội/hợp tác xã, doanh nghiệp phi lợi nhuận, DN vì lợi nhuận, cộng đồng địa phương hoặc khu vực công/chính phủ.
Chia sẻ tại Tọa đàm, chuyên gia đến từ Đại sứ quán Australia nhìn nhận, việc nhận thức đúng bản chất của KTCS là vấn đề quan trọng. Hiện trên thế giới, ở nhiều nước phát triển, người ta gọi KTCS dưới nhiều tên gọi khác nhau như: kinh tế hỗn hợp, kinh tế nền tảng… “Việc nhận thức đúng sẽ giúp cho chúng ta có những định hướng phát triển phù hợp, khuyến khích đổi mới sáng tạo thay vì “chỉ đi hót những gì của người khác sáng tạo nên trong mô hình kinh doanh mới này”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Nghiên cứu về sự phát triển của KTCS, đại diện Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mô hình KTCS đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn 5 năm với Easy Taxi, sau đó là Uber và Grab. Các doanh nghiệp Việt đã có những startup cạnh tranh, đặc biệt là sau khi Uber rút khỏi Đông Nam Á như: FastGo, Go-Viet, Aber… Tuy nhiên, quản lý nhà nước rất lúng túng, gặp nhiều khó khăn với loại hình mới này. Doanh nghiệp truyền thống phản ứng nhưng buộc phải chấp nhận thay đổi để cạnh tranh. Người tiêu dùng cũng có những phản hồi tích cực, chấp nhận phương thức mới. “Thúc đẩy các startup trong nước, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ số và các loại hình kinh doanh mới, song dường như các startup trong nước đang thất thế so với các doanh nghiệp ngoại”, đại diện Viện Chiến lược phát triển nhận xét.
Khuyến khích ủng hộ cái mới
Nhìn về cách tiếp cận với mô hình kinh doanh mới, ông Cung cho rằng, mô hình kinh doanh mới hình thành đều có yếu tố của thị trường và muốn có cạnh tranh công bằng phải có chính sách cạnh tranh thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. “Chính sách chúng ta phải thay đổi như thế nào thì mới xử được với những mô hình kinh doanh mới xuất hiện như mô hình KTCS”, ông Cung nói.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến tại Tọa đàm nhấn mạnh, với KTCS, Chính phủ cần khuyến khích ủng hộ cái mới và điều chỉnh bất cập sau nhằm thúc đẩy phát triển các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ số, từ đó tạo ra áp ựng đổi mới cho các DN và tạo ra tiện ích cho người tiêu dùng. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Chính sách dịch vụ công thuộc CIEM - người chắp bút xây dựng Dự thảo Đề án KTCS - chia sẻ, vấn đề nổi lên và quan trọng nhất trong KTCS là cạnh tranh công bằng. Và để có được cạnh tranh công bằng, việc ủng hộ cái mới xuất hiện là rất tốt, nhưng mô hình kinh doanh mới cũng phải đảm bảo cạnh tranh công bằng mới những mô hình kinh doanh truyền thống.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, ông Vũ Tú Thành thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã có bài tham luận về KTCS với nội dung thách thức và cơ hội cho quản lý nhà nước. Tham luận chỉ rõ các cấp độ cho công tác quản lý đối với mô hình KTCS, đó là: xu hướng siết chặt, xu hướng cơi nới chính sách và xu hướng xây dựng từ đầu. Quan điểm của ông Thành với mô hình KTCS là nhấn mạnh nguyên tắc kinh tế thị trường tự do, Nhà nước không nên can thiệp vào việc định giá dịch vụ hay các quyết sách kinh doanh của doanh nghiệp, cần tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh phát triển lành mạnh, để cho thị trường tự điều chỉnh để đạt được điểm cân bằng mới.