Xác định rõ bản chất “kinh tế chia sẻ” để quản lý
“Kinh tế chia sẻ” là một mô hình kinh doanh đang có xu thế phát triển mở rộng, cách tiếp cận quản lý còn lúng túng, cần xác định rõ bản chất mô hình này để thống nhất quan điểm đưa ra các chính sách quản lý phù hợp.
“Kinh tế chia sẻ”, có thể hiểu là một mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng đầu cuối kết hợp trên nền tảng công nghệ. Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xây dựng - đối tượng này không sở hữu bất kỳ một nhà máy, một kho hàng nào, nhưng họ lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng tham gia thị trường bất cứ lúc nào có thể.
Theo ước tính, doanh thu từ mô hình “kinh tế chia sẻ” toàn cầu hiện nay đạt khoảng 15 tỷ USD, dự báo đạt khoảng 335 tỷ USD năm 2025. Một số điển hình thành công với mô hình “kinh tế chia sẻ” có thể kể đến như Grab, Uber, Lyft, Airbnb... Đây là các ứng dụng công nghệ vận hành trên nền tảng thiết bị di động, cho phép giao dịch giữa nhiều nhà cung cấp (cá nhân, đơn vị) với người tiêu dùng, khi tham gia thị trường đã làm thay đổi cách thức vận hành của ngành vận tải đường bộ, dịch vụ khách sạn/cho thuê nhà ở ngắn hạn... Trong đó, Uber và Airbnb mặc dù mới vận hành chưa đến 10 năm, nhưng giá trị doanh nghiệp của Uber đã được định giá ước tính khoảng 62,5 tỷ USD và Airbnb khoảng 25,5 tỷ USD.
Tại Việt Nam, mô hình “kinh tế chia sẻ” xuất hiện đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người tiêu dùng, mà còn các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ là các tổ chức hay doanh nghiệp lớn cũng như các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ và các đơn vị cung cấp hạ tầng công nghệ. Tuy nhiên, do mô hình này còn rất mới mẻ, đa dạng về hình thức hoạt động, đối tượng tham gia, lĩnh vực kinh doanh, nên đang đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý.
Thực tế hoạt động kết nối vận tải của Uber, Grab… ở Việt Nam cho thấy, công tác quản lý vẫn chưa có cách tiếp cận phù hợp. Việc xác định ranh giới hoạt động của Uber, Grab là công ty công nghệ hay công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, phân biệt ranh giới giữa dịch vụ xe taxi hay kinh doanh theo hợp đồng... của 2 doanh nghiệp này vẫn còn có ý kiến khác nhau, không thống nhất, do vậy vẫn chưa đưa ra được chính sách nhất quán để quản lý đảm hài hòa lợi ích song song với các mô hình kinh doanh truyền thống, cạnh tranh bình đẳng.
Bên cạnh đó, quản lý các giao dịch điện tử, thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia các mô hình “kinh tế chia sẻ” cũng như quản lý thuế… đối với loại hình này pháp luật của Việt Nam vẫn chưa bắt kịp xu thế để điều chỉnh.
Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp quản lý hiện nay đối với Uber là cần thống nhất quan điểm về cách thức quản lý giữa các cơ quan chức năng có liên quan theo các lĩnh vực chuyên ngành. Tương tự với Airbnb, việc xác định mô hình hoạt động của ứng dụng này là cung cấp dịch vụ khách sạn/nhà ở ngắn hạn hay cung cấp dịch vụ công nghệ kết nối cá nhân/đơn vị nhỏ lẻ với người dùng thiết bị đầu cuối cũng cần phải có sự thống nhất trong việc định hình một cách rõ ràng, qua đó mới đưa ra được chính sách quản lý phù hợp.
Những ứng dụng kết nối di động sẽ ngày càng phổ biến, hoàn toàn không chỉ giới hạn ở các dịch vụ vận tải, nhà ở như nêu trên, mà còn sẽ lan tỏa tới các lĩnh vực khác như cho vay, giúp việc, dịch vụ đặt món ăn, y tế, giáo dục.... Cần phải xác định được rõ bản chất mô hình hoạt động kinh doanh của các ứng dụng này như thế nào, từ đó thống nhất quan điểm ở nhiều góc độ chuyên ngành khác nhau (quản lý thuế, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý kinh doanh xuyên biên giới...) để đưa ra chính sách quản lý đảm bảo tối đa nhu cầu của người sử dụng đầu cuối, mà vẫn không đi ngược lại xu thế phát triển của công nghệ và mô hình “kinh tế chia sẻ” trên toàn cầu.