Kinh tế chuyển biến tích cực nhờ quyết liệt trong điều hành
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.
Các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp
“Các thành viên Chính phủ đều khẳng định 10 tháng qua có nhiều nét nổi bật, đặc biệt là sự quyết liệt, đổi mới trong công tác điều hành đã phát huy hiệu quả” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết như vậy tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, cuối tuần qua. Và theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chính từ sự quyết liệt trong điều hành đã mang lại hiệu quả khi kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 ước tăng 0,41% so với tháng trước; tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 10/2017 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,32 so với cùng kỳ năm trước; bình quân 10 tháng tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ.
Về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, Chính phủ đánh giá, các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng diễn biến phù hợp với định hướng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm và đến hết tháng 10 tín dụng tăng 12,69% so với tháng 12/2016. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần nhờ việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng lên 45 tỷ USD.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng tăng 8,7% (cùng kỳ năm trước tăng 7,3%), trong đó: ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng cao, đạt mức 13,6% (cùng kỳ tăng 10,8%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,3% (cùng kỳ tăng 12,2%). Đặc biệt, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nổi trội trong tháng 10 là ngành khai khoáng tăng trưởng dương được 2,1%, nhưng tính chung 10 tháng thì khai khoáng giảm 7,4% (cùng kỳ giảm 5,7%).
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa năm nay cũng đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP với những con số khá ấn tượng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, một thông tin tích cực nữa trong tháng qua là Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam lên 14 bậc từ 82 lên 68, thực hiện mục tiêu đứng đầu trong các nước ASEAN, xếp trên nhiều nước trong khu vực. Cùng với đó Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moodys vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả dịp cuối năm
Tuy nhiên, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số tồn tại và khó khăn thách thức và đề nghị các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong công tác chỉ đạo điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay.
Lưu ý với các bộ, ngành về tình trạng chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản vẫn tiếp diễn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh tình trạng này. Ngoài việc hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu phải giải ngân hết vốn đầu tư 2017, nếu không giải quyết được thì kiên quyết cắt giảm vốn của các công trình giải ngân chậm để ưu tiên bố trí vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách khác.
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá biến động mạnh vào dịp cuối năm. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với chất lượng tín dụng; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Tăng cường chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Thực hiện chủ trương chưa tăng các loại thuế, phí, lệ phí làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Một vấn đề quan trọng Thủ tướng nêu ra là việc Ủy ban châu Âu (EC) đã rút thẻ vàng đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Nêu rõ khoảng cách giữa thẻ vàng và thẻ đỏ cách nhau không lớn, Thủ tướng chỉ đạo: “Những giải pháp khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo đúng quy định, đề nghị những vấn đề này phải được Chính phủ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương quyết liệt hơn nữa, kịp thời hơn nữa trong việc đánh bắt cá trái phép. Và vấn đề đánh bắt cá bất kỳ loại gì tồn tại, hủy diệt mức độ như vậy, chúng ta phải nghiêm khắc. Cuộc họp lần này nhấn mạnh vấn đề này, đừng để thẻ vàng sang thẻ đỏ, thì nguy hại sẽ rất lớn, vì thủy sản chiếm vị trí rất quan trọng đối với nhân dân và hướng về xuất khẩu”.
Thủ tướng lưu ý, đây là dịp cuối năm, chính vì thế ngành Công thương và các ngành chức năng cần ngăn chặn tình trạng buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội ngày càng tin tưởng đối với cải cách của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các Nghị quyết đã ban hành mạnh mẽ hơn nữa. “Phải khẩn trương hướng dẫn triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV. Tinh thần là trong mọi giấy tờ, thủ tục phải đổi mới, chuyển dần từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm. Không để tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng lại mọc giấy phép con. Tất cả chính quyền địa phương, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông”, Thủ tướng nhấn mạnh.