Kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2017, kế hoạch năm 2018
Chú trọng chất lượng tăng trưởng
Sáng nay, 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT - XH) năm 2017, kế hoạch năm 2018.
Năm 2017, nhìn bức tranh kinh tế của nước ta, cử tri sẽ rất phấn khởi với những kết quả đã đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch. Không chỉ là những con số, thực tiễn cuộc sống người dân, doanh nghiệp chung cảm nhận rằng nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Khách du lịch đến ngày càng nhiều, xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm... Mặt khác, tốc độ tăng tưởng kinh tế quý III đạt mức 7,46% cần được ghi nhận. Tôi nghĩ với đà tăng trưởng này cùng với điều kiện bình thường thì khả năng chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 sẽ đạt 6,7%...
Tuy nhiên, từ thực tiễn ở một số địa phương, tôi vẫn thấy còn những điều trăn trở, khó khăn về thu ngân sách, thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn nông thôn, miền núi; thị trường tiêu thụ nông sản, thiên tai bão lũ vẫn hiện hữu là thách thức đối với tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, tiềm ẩn rủi ro tác động đến quá trình tăng trưởng của nền kinh tế thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn một số vấn đề sau: QLNN trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng, các dự án BOT giao thông, tài nguyên ở nhiều địa phương còn sơ hở, thiếu sót; tình trạng khai thác khoáng sản tại các địa phương diễn ra hết sức phức tạp nhưng chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý; tình trạng phá rừng nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, gây lo lắng trong nhân dân.
Thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật, theo tôi Chính phủ phải hành động quyết liệt hơn nữa trên nhiều phương diện.
Trong đó, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế có trọng tâm, trọng điểm; xác định đầu tư đúng hướng, phù hợp với thực tế, chống thất thoát, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp, dân doanh; xử lý những tồn đọng, hạn chế mà Báo cáo của Chính phủ đã nêu… Với những chủ trương và quyết đáp đúng đắn của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, tôi tin rằng kinh tế tư nhân sẽ thực sự trở thành động lực quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước, xây dựng thành công nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nghệ An Trần Đình Toàn: Có chính sách “đòn bẩy” cho doanh nghiệp trong nước
Bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta thẳng thắn thấy rằng, kinh tế nước ta tăng trưởng chưa bền vững; chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân ngày càng giảm. Từ thực tế này, năm 2018, theo tôi Chính phủ cần có cái nhìn sâu, rộng, dài hạn hơn để khắc phục hạn chế đã bộc lộ thời gian qua.
Chúng ta không nên chạy theo tăng trưởng nhanh mà cần chú trọng chất lượng tăng trưởng, tính bền vững của tăng trưởng, hết sức tránh những rủi ro phát sinh tiêu cực như “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, bất động sản và khả năng lạm phát tăng cao từ các chính sách đốc thúc tăng trưởng đã và đang triển khai.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2018, tôi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không để xảy ra những biến động về lạm phát, tỷ giá... nhằm tạo niềm tin cho thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh những giải pháp đang làm nhưng hiệu quả còn thấp như CCHC, thủ tục thuế; tập trung giảm chi thường xuyên, chống lãng phí ngân sách… Bên cạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, muốn tăng trưởng kinh tế bền vững phải có các giải pháp căn cơ, tăng cường sức sáng tạo cho nền kinh tế; tạo dựng những chính sách “đòn bẩy” cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tránh sự chèn ép có thể có của khối doanh nghiệp FDI.
Mặt khác, việc siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách nhà nước, đẩy mạnh khoán chi hành chính, đặt hàng cung cấp dịch vụ công là các giải pháp tiết kiệm chi cần thiết.
Bên cạnh đó, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công, đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện hướng dẫn cơ chế tài chính đặc thù áp dụng cho các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực để chúng thực sự là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước.