Tăng cường nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh
Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt trước sự tác động của con người, làm gia tăng hàm lượng khí nhà kính dẫn đến gia tăng hiệu ứng nhà kính của khí quyển, nên chính sách tăng trưởng xanh đang được Chính phủ và các bộ, ngành chú trọng áp dụng. Bộ Tài chính hiện cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng xanh bằng các chính sách tài chính.
Sáng 21/12 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Đại học Tài chính - Marketing tổ chức.
Tại hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, tăng trưởng xanh được xác định là một chiến lược nhằm hướng đến phát triển bền vững. Để thực hiện các nhiệm vụ của chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020.
Bên cạnh đó, Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 của Bộ Tài chính ban hành kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 cũng đã xác định định hướng điều chỉnh chung, phương thức tổ chức thực hiện, cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, các chính sách tài chính hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào nhóm chính sách thuế, chính sách chi ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng.
Cụ thể là, các chính sách thuế, phí từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường. Chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Bên cạnh áp dụng thuế và phí cho đầu vào hoặc đầu ra của quá trình sản xuất gây suy thoái môi trường, cũng nên trợ cấp thuế cho các hoạt động thân thiện với môi trường. Nhà nước cũng cần đưa ra các chính sách hỗ trợ công nghệ xanh, các quy định chỉ đạo và kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp có tác động đến môi trường.