Kinh tế đất nước đang đà tăng trưởng mạnh mẽ
Sáng 20/10/2015, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc. Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt, năm 2015, trong số 14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch…
Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ
Theo Báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp hầu hết các lĩnh vực đều đã đạt kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn khoảng 2% vào năm 2015, thấp nhất trong 15 năm qua; Mặt bằng lãi suất giảm, năm 2015 chỉ bằng 40% so với năm 2011; Dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ năm 2011, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện; Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, khắc phục một bước quan trọng tình trạng đô-la hoá, vàng hoá trong nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%/năm, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng mạnh; nhập khẩu tăng 15%/năm; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Quản lý ngân sách nhà nước được tăng cường. Thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách năm 2015 vẫn tăng 7,4% và 5 năm gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Chi ngân sách gấp 2,17 lần, tăng chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội. Bội chi bình quân khoảng 5% GDP/năm. Nợ công tập trung cho đầu tư phát triển. Đến hết năm 2015, nợ công khoảng 61,3% GDP, nợ Chính phủ 48,9%, nợ nước ngoài của quốc gia 41,5%, trong giới hạn an toàn theo quy định.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31,2% GDP. Vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31%. Vốn ODA giải ngân đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 70,5%.
Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tái cơ cấu nông nghiệp...
Trong tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã triển khai thực hiện Luật Đầu tư công; Ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức và phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn, tập trung cho các dự án quan trọng và vốn đối ứng ODA; Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; ưu tiên xử lý nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư. Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015, đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.
Việc thực hiện tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ đã chỉ đạo tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các ngân hàng thương mại bằng các biện pháp chủ động tự xử lý nợ xấu là chủ yếu; đồng thời phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tin dụng (VAMC) tham gia xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ. Đến tháng 9 năm 2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm; cung ứng vốn tốt hơn cho nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quy mô thị trường chứng khoán tăng, mức vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 33% GDP và thị trường trái phiếu đạt khoảng 23% vào cuối năm 2015.
Cùng với đó, hoạt động tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty cũng được quyết liệt tập trung thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường. Đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 DN. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại các DN cổ phần hóa thu về cao hơn giá trị sổ sách, gấp 1,47 lần. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN được nâng lên; vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển. DNNN cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Trong tái cơ cấu nông nghiệp, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện tổ chức lại sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ... Đồng thời, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn; Thu hút được nhiều nguồn lực và sự tham gia của người dân vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, đã có 9 huyện và 1.132 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 12,7%. Dự kiến đến cuối năm 2015, có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn, chiếm 16,8%....
Bảng: Chỉ tiêu phát triền kinh tế xã hội năm 2015-2020.
Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 12/2014, bình quân 9 tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ 15 năm qua.
Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 10,78% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,62%), cao hơn gần 1% so với tốc độ tăng tiền gửi; cho thấy có sự cải thiện khá rõ nét trong việc khai thông nguồn vốn tín dụng cho phát triển đầu tư, kinh doanh.
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng ước đạt 683 nghìn tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 140,97 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.
Những yếu kém cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn báo cáo về những tồn tại, khó khăn của kinh tế - xã hội đất nước cần khắc phục, vượt qua. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc; Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao; Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn; Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế…
Nguyên nhân của những hạn chế, trên là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau; Việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Việc quán triệt và thể chế hóa thành luật pháp, cơ chế, chính sách trong nhiều trường hợp chưa sâu, còn chậm, chất lượng thấp, tính khả thi chưa cao, thiếu trách nhiệm, thực thi nhiệm vụ kém hiệu quả. Mặt khác, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khả năng phân tích, dự báo và phản ứng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu trước tình hình quốc tế biến động rất nhanh, phức tạp…
Giải pháp thực hiện nhiệm vụ mới
Trên cơ sở đánh giá tình hình thời gian qua và triển vọng sắp tới, căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chính phủ hoạch định một số mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2016 với định hướng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững. Theo đó, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu 2016 với GDP tăng khoảng 6,7% so với năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%... Để đạt được các mục tiêu trên, các giải pháp cần triển khai thực hiện là:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá phải theo cơ chế thị trường. Đồng thời sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và các công cụ điều tiết, chính sách phân phối, phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu năm 2016 với GDP tăng khoảng 6,7% so với năm 2015. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 24,5 giường. Tỷ lệ dân số tham gia Bảo hiểm y tế đạt 76%...
Điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát tốt lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Phát triển mạnh thị trường trong nước; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh - bền vững. Kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; gắn kết hài hoà tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ...
Thứ tư, phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước…