Kinh tế liên kết và phát triển bền vững
Để có thể đưa nền kinh tế phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã chọn mô hình "kinh tế liên kết" thay cho "kinh tế phân cách".
Tuy nhiên, nhiều quốc gia Đông Nam Á và Nam Á, khi áp dụng những chính sách phát triển vẫn tập trung đầu tư cho công nghiệp và đô thị, lấy đó làm động lực tăng trưởng.
Mô hình tăng trưởng "kinh tế phân cách" khiến nông nghiệp và nông thôn tụt hậu ngày càng xa, đánh mất thị trường của công nghiệp, trong khi đô thị quá tải lao động và dân cư, đưa đất nước rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Chọn mô hình tăng trưởng "kinh tế phân cách", kinh tế Trung Quốc đang trở nên kém bền vững, với khoảng cách thu nhập trung bình giữa đô thị gấp ba lần nông thôn, bất chấp hàng loạt chính sách thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn kể từ năm 2004, đe dọa thành tựu phát triển của nước này. Cuối thập kỷ 1980, trong khi vùng động lực đóng góp nhiều cho quốc gia thì vùng nông thôn rơi vào lạc hậu. Khoảng 700 triệu dân thoát khỏi tình trạng bần cùng, nhưng chỉ khoảng 400 triệu người lên mức trung lưu, hơn 900 triệu còn lại ở mức đủ sống.
Trung Quốc vừa là quốc gia có thành tích tốt nhất về xóa đói giảm nghèo, vừa trở thành nước có mức chênh lệch thu nhập lớn nhất thế giới. Hệ số Gini (đo bất bình đẳng thu nhập) của nước này vượt xa mức "bất bình đẳng nghiêm trọng" của Ngân hàng Thế giới.
Việt Nam tương tự Trung Quốc, có nền nông nghiệp sản xuất tốt và tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh, nhưng vẫn đậm nét "kinh tế phân cách" với đặc điểm "lương thực rẻ, lao động nông thôn rẻ, đất nông nghiệp rẻ”. Kinh tế Việt Nam phát triển tập trung vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và tăng trưởng chậm ở các tỉnh thuần nông, 26% tỉnh trong hai khu vực này cung cấp 76% ngân sách cả nước. Chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và đô thị cách nhau hai lần nhưng số liệu tuyệt đối đang giãn ra.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 5/8/2008), đảm bảo an ninh lương thực là lĩnh vực thành công rõ rệt nhất, những mục tiêu còn lại hầu hết chưa đạt, phát triển hòa giải giữa các vùng là một ví dụ.
Nhiều yếu kém về nhận thức về vị trí, vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Nghị quyết 26 chỉ ra từ đó đến nay chưa có chuyển biến đột phá, trong khi việc hoạch định và thi hành các cơ chế chính sách hạn chế, quản lý nhà nước bất cập, đầu tư ngân sách không hợp lý. Việc phát huy nguồn lực, đổi mới tổ chức sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh, chênh lệch giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội, đối phó với thiên tai... chuyển biến còn chậm.
Trong một nền "kinh tế liên kết", nguồn tích lũy của cả nước phải đến từ đông đảo người dân thông qua cơ hội việc làm và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thu hút ít lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp vẫn chiếm trên 40% tổng lao động xã hội.
Trong bối cảnh lao động rút ra rất ít và chậm, nếu quy hoạch "vùng kinh tế động lực" tập trung vào các đô thị lớn, sẽ tạo sức ép dân và lao động di cư dồn về các thành phố lớn. Do đó, giải pháp hợp lý nhất là chuyển mô hình tăng trưởng từ ưu tiên phát triển các vùng động lực sang phát triển bao trùm, tạo điều kiện để các vùng trong cả nước, nhất là các địa phương có lợi thế sản xuất nông nghiệp có thể phát huy nội lực.
Các quốc gia đi lên từ nông nghiệp, có cư dân nông thôn chiếm phần lớn dân cư, đã áp dụng hai nguyên tắc để có được thành công. Thứ nhất, nông dân giàu và phát triển đội ngũ doanh nhân. Các quốc gia thành công đã áp dụng ba giải pháp để nông dân giàu: Nâng mức thu nhập của nông thôn lên bằng mức thành phố, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển trang trại, tạo cơ hội chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp từ chính quá trình khởi nghiệp của nông dân.
Thứ hai, liên kết công nghiệp - nông nghiệp và đô thị - nông thôn, thông qua phát triển công nghiệp và đô thị trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho lao động ở ngay nông thôn để lao động nông nghiệp không di cư ra đô thị, tiến đến mức thu nhập cao hơn là chính thức hóa đội ngũ lao động "phi chính thức" bằng các tổ chức nghiệp đoàn, đăng ký lao động và trợ cấp hỗ trợ bảo hiểm.
Trên thế giới chỉ dăm ba nền kinh tế công nghiệp hóa thành công từ sau 1945. Trong nhiều yếu tố dẫn đến thành công đó có vai trò quan trọng của việc ưu tiên tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp trong giai đoạn đầu. Một nền kinh tế mà cơ sở hạ tầng, nhất là đường sắt, đường cao tốc được xây dựng để thu hút đầu tư công nghiệp và phát triển đô thị đến mọi miền nông thôn. Lao động nông thôn rời khỏi sản xuất nông nghiệp có thể chuyển sang sản xuất phi nông nghiệp ngay tại quê nhà.
Việt Nam, một nước có lợi thế nông nghiệp, nếu có quyết tâm và định hướng đúng, có thể tạo ra bước đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân làm nền tảng tích lũy công nghiệp hóa.