Kinh tế Pháp suy giảm 13,8% trong quý II
Do tác động của dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa kéo dài từ ngày 17-3 đến 11-5, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp giảm tới 13,8% trong quý II. Nhiều tập đoàn lớn của Pháp như Renault, Airbus, Total, Air France hay SNCF cũng thông báo các khoản lỗ ròng ở mức kỷ lục.
Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Thống kê Quốc gia Pháp (INSEE) công bố ngày 31/7, lệnh phong tỏa đã buộc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và công trường xây dựng phải đóng cửa trừ sản xuất và cung cấp hàng thiết yếu, dẫn tới sự sụt giảm mạnh của hoạt động kinh tế trong một thời gian dài. Tiêu dùng hộ gia đình thấp hơn 35% so với mức bình thường, giảm 11% và tăng trở lại ở mức 36,6% sau khi các cửa hàng mở cửa trở lại từ đầu tháng 5.
Về xuất khẩu, mức suy giảm là 25,5% so với - 6,1% trong quý đầu tiên, cao hơn nhập khẩu (- 17,3%). Như vậy, hoạt động ngoại thương của Pháp ghi nhận mức suy giảm 12,3%. Trong tháng 5, thâm hụt thương mại ở mức 7,1 tỷ euro, nhiều hơn 2 tỷ euro so với tháng 4 và gần bằng mức kỷ lục 7,4 tỷ euro vào tháng 1-2017. Sự phục hồi dần trong tiêu dùng dẫn tới mức nhập khẩu cao hơn, trong khi các lĩnh vực tham gia hoạt động xuất khẩu như hàng không còn gặp rất nhiều khó khăn. Tờ Le Monde dẫn lời chuyên gia kinh tế Ludovic Subran của Tập đoàn Allianz cho rằng, trong những tháng tới, thâm hụt thương mại của Pháp sẽ lớn hơn nữa.
Theo INSEE, mức suy giảm GDP thực tế của quý I là 5,9% so với mức ước tính trước đó là 5,3%. Kết quả của quý II cho thấy, nền kinh tế Pháp đã suy thoái liên tiếp trong ba quý vừa qua và xu hướng này sẽ tiếp tục trong mấy tháng tới.
INSEE dự báo tăng trưởng trong quý III sẽ tăng 19% nhưng khó có thể bù đắp mức suy giảm nghiêm trọng trong quý II. Do đó thử thách thật sự sẽ là quý IV nhằm phục hồi các tổn thất kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19. INSEE dự báo mức tăng trưởng 3% trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu dự báo mức suy giảm GDP của Pháp là 10,6% cho cả năm 2020, cao hơn mức trung bình của khu vực đồng euro (8,7%). Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Pháp sẽ suy thoái khoảng 11%.
Nhà phân tích kinh tế Daniela Ordonez thuộc Viện nghiên cứu Oxford Economics nhận định rằng, Pháp khó lấy lại mức tăng trưởng GDP như cuối năm 2019 và trước năm 2022. Năm 2021, tăng trường của Pháp có thể phục hồi ở mức 7% trừ khi xảy ra kịch bản xấu về đợt bùng phát dịch thứ hai. Như vậy, kinh tế Pháp vẫn bị suy thoái ở mức khoảng 5% trong năm tới.
Vấn đề đáng chú ý khác là Chính phủ Pháp chưa đưa ra nhiều biện pháp kích thích tiêu dùng như Đức đã triển khai từ đầu tháng 6. Tại Đức, mức giảm thuế VAT từ 7-5% đã được áp dụng tạm thời cho những lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thực tế tại Pháp cho thấy, sau giai đoạn buộc phải tiết kiệm và hạn chế mua sắm trong thời kỳ phong tỏa, người dân Pháp vẫn tiếp tục dành dụm tiền bạc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng, mức suy giảm 13,8% của GDP có thấp hơn so với dự báo trước đó của INSEE, 17%. Điều này cho thấy chính phủ đã hành động quyết liệt và có hiệu quả dù mức suy giảm vẫn nghiêm trọng hơn ở một số nước như Đức (-10,1%), Bỉ (12,2%), Áo (10,7%) và Hoa Kỳ (-9,5%). Chính phủ đã triển khai các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh và sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm mức suy thoái của cả năm nay được dự báo ở mức 11%.
Kết quả hoạt động trong sáu tháng đầu năm nay của các tập đoàn lớn tại Pháp như Renault, Airbus, Total... được công bố ngày 30-6 cho thấy, tình hình hiện ở mức "báo động đỏ". Hãng sản xuất ô-tô Renault thông báo mức lỗ ròng lớn nhất trong lịch sử phát triển, ở mức 7,3 tỷ euro so với khoản lỗ 141 triệu euro của năm 2019. Hãng này cũng thông báo về việc cắt giảm 15 nghìn việc làm tại các cơ sở trên thế giới.
Hãng sản xuất máy bay châu Âu (Airbus) thông báo khoản lỗ ròng 1,9 tỷ euro trong nửa đầu năm nay. Bệnh dịch đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và số lượng máy bay bàn giao cho khách hàng giảm một nửa. Một trong những nguyên nhân chính là do hoạt động của các hãng hàng không bị đình trệ do lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới.
Hãng dầu khí Total ghi nhận lỗ ròng đầu tiên kể từ năm 2015, lên tới 8.4 tỷ đô la (7 tỷ euro), so với lợi nhuận 2,8 tỷ USD của năm trước. Hàng loạt hãng lớn khác của Pháp như Hermès, EDF, Air France, SNCF... cũng bị lỗ từ hàng trăm tới hàng tỷ euro. Trước tình hình ảm đạm như vậy, nhiều công ty dự kiến cắt giảm các khoản đầu tư trong năm nay. Vì vậy các nhà kinh tế Pháp cho rằng, việc cắt giảm đầu tư sẽ có hậu quả lâu dài và làm cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới kém năng động.
Cũng trong ngày 31/7, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, do các biện pháp phong tỏa ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, GDP của khu vực đồng euro đã ghi nhận mức suy giảm lịch sử, tới 12,1% trong quý II. Đây là mức suy giảm nghiêm trọng nhất kể từ năm 1995. GDP của khu vực EU ước tính giảm 11,9% trong quý II. Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha (-18,5%), Bồ Đào Nha (-14,1%), Pháp (-13,8%), Italy (12,4%), Tây Ban Nha, Bỉ (-12,2%), Áo (10,7%) và Đức (- 10,7).