Kinh tế suy thoái, GDP Hồng Kông "bốc hơi" 2% vì bất ổn xã hội
Không chỉ khiến Hồng Kông "mất điểm" trong mắt giới đầu tư, làn sóng biểu tình và bất ổn xã hội kéo dài dai dẳng từ tháng 6 đến nay còn kéo trì tăng trưởng GDP của đặc khu hành chính này.
Theo số liệu gần nhất từ chính quyền Hồng Kông, GDP của đặc khu hành chính này đã giảm 3,2% trong quý III/2019 so với ba tháng trước đó, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 2% sụt giảm gây ra bởi tình trạng biểu tình và bất ổn xã hội, ông Paul Chan - Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông "ước tính sơ bộ". Ông Chan đồng thời cho biết, Hồng Kông dự kiến thâm hụt ngân sách trong năm nay - lần đầu kể từ những năm 2000.
Quý III/2019 cũng là thời điểm chứng kiến nền kinh tế Hồng Kông lần đầu rơi vào suy thoái trong suốt 10 năm qua, do sức ép từ làn sóng biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng liền và diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo một khảo sát của IHS Markit, làn sóng biểu tình ngày càng dữ dội chính là "nhát búa" giáng mạnh vào ngành bán lẻ và du lịch Hồng Kông.
Theo đó, so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tại Hồng Kông giảm nhiều nhất vào tháng 10, sụt 24,3%, trong khi lượng khách du lịch giảm gần 44%. Ngoài ra, ông Chan cho biết, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 3,1%. "Ngành thực phẩm chịu nhiều thiệt hại nhất, với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 6,1% - cao nhất trong 6 năm gần đây", ông nói.
Cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông cũng cảnh báo, nếu tình trạng biểu tình bạo lực tiếp diễn, người dân sẽ chỉ càng gánh chịu thêm nhiều thiệt hại. Được biết, chỉ số PMI của đặc khu này đã giảm còn 38,5 trong tháng 11/2019, so với mức 19,3 của tháng 10 - chỉ báo phản ánh tình trạng suy thoái mạnh nhất của khu vực tư nhân kể từ khi dịch SARS hoành hành vào năm 2003.
Các chuyên gia kinh tế tại ING dự báo tăng trưởng GDP Hồng Kông ở mức -7% trong quý IV/2019 và tăng trưởng cả năm sẽ là -2,25%, gần với mức suy thoái -2,5% của năm 2009. Và quy mô nền kinh tế Hồng Kông có thể sẽ giảm sút 5,8% vào năm sau, nếu làn sóng biểu tình và thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục dai dẳng.
Trước tình trạng trên, đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam hôm 3/12/2019 cho biết sẽ tung gói kích thích kinh tế thứ tư trong ngắn hạn để đối phó với suy thoái. Tuy nhiên, tuyên bố của bà Carrie Lam - Đặc khu trưởng Hồng Kông không nêu cụ thể biện pháp kích thích kinh tế mới này là gì. Cuối tháng 10 qua, bà cũng đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Hồng Kông sẽ tăng trưởng âm trong cả năm 2019.
"Tôi mong chúng ta sẽ tìm ra cách chấm dứt bạo lực để giúp nền kinh tế hồi phục, nhưng dường như hy vọng đó đang sụp đổ", bà Lam nói.
Các cuộc biểu tình tại Hồng Kông bùng nổ cách đây 6 tháng nhằm phản đối dự luật dẫn độ, cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi dự luật được rút hồi tháng 9, người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường và đưa ra nhiều yêu cầu khác, trong đó có việc điều tra cảnh sát dùng vũ lực với người biểu tình, bầu cử dân chủ và việc từ chức của bà Carrie Lam.