70% doanh nghiệp Hong Kong chọn Việt Nam để mở nhà máy ở Đông Nam Á

Theo Lê Anh (TTXVN/Vietnam+)

Theo một khảo sát của Hội đồng năng suất Hong Kong (HKPC), 73% người được phỏng vấn dự định mở thêm các nhà máy mới ở ASEAN, trong đó nước được lựa chọn đầu tiên là Việt Nam.

Doanh nghiệp Hồng Kông tìm hiểu cơ hội kết nối giao thương tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Hồng Kông tìm hiểu cơ hội kết nối giao thương tại Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc), kể từ khi căng thẳng thương mại Trung-Mỹ nổ ra, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có ý định mở các nhà máy ở khu vực ASEAN.

Theo một khảo sát của Hội đồng năng suất Hong Kong (HKPC), 73% người được phỏng vấn dự định mở thêm các nhà máy mới ở ASEAN, trong đó nước được lựa chọn đầu tiên là Việt Nam, tiếp theo là Campuchia và Myanmar.

Nhân tố cân nhắc đầu tiên khi lựa chọn vị trí để đặt dây chuyền sản xuất hoặc nhà máy chính là sự ổn định chính trị, tiếp theo là các yêu cầu và ưu đãi về thuế cũng như chi phí vận hành.

Ông Lê Thiếu Bân, Giám đốc điều hành HKPC, cho biết các nước ASEAN rất coi trọng việc bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp Hong Kong khi mở nhà máy ở đó phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

HKPC cũng đã xuất bản "Hướng dẫn phát triển ngành sản xuất ở ASEAN - Cơ hội và thách thức," giới thiệu tình hình phát triển kinh tế và các chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ 8 nước ASEAN, có thể trở thành công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hong Kong khi đầu tư vào khu vực này.

Theo khảo sát, các ngành nghề có ý định mở nhà máy ở Việt Nam hầu hết là các sản phẩm điện tử, tiếp theo là dệt may, quần áo và đồ chơi, ở Campuchia,và Myanmar, nhiều nhất là dệt may, sản phẩm điện tử và phụ tùng ôtô.

Ông Lê Thiếu Bân cho biết thế mạnh của HKPC là bố trí nhà máy, nâng cao năng suất và bảo vệ môi trường, có thể giúp các doanh nghiệp Hong Kong đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Về sự hỗ trợ cần thiết nhất cho các doanh nghiệp dự định đầu tư ở các nước ASEAN, đầu tiên là sự hỗ trợ chuyên nghiệp về các quy định pháp luật ở địa phương, tiếp theo là việc bố trí và quy hoạch nhà máy, phân tích và nghiên cứu thị trường khu vực.